Học sinh tê cứng chân tay vì chơi hạt trân châu "made in China"
Trong lúc các bạn chơi hạt “trân châu” thì một số hạt bị rớt xuống đất bị bể, lúc này em Nhi giẫm lên, em Ly thì nhặt bỏ vào sọt rác. Ngay tức khắc cả hai em bị tê cứng chân tay.
Trưa ngày 24.4.2014, ba học sinh của Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (Kp 5, phường 4, Tp Tây Ninh) được các thầy cô khẩn trương đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Tây Ninh với triệu chứng tê cứng tay, ngứa da, đau bụng và nôn ói.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là sau giờ ăn cơm trưa, các em học sinh bán trú cùng chơi túi hạt nở ngâm nước mà các em học sinh thường gọi là hạt “trân châu”. Ba em học sinh bị ngộ độc đều là nữ, cả ba em đều học cùng lớp 2A, gồm: Nguyễn Thị Yến Nhi, Nguyễn Ngọc Khánh Ly và Phạm Thị Huyền Trang.
Do bị nhẹ, nên ngay buổi chiều cùng ngày em Trang đã trở lại lớp học bình thường, trong khi đó hai em Nhi và Ly vẫn được các nhân viên y tế theo dõi tại Khoa nhi của BVĐK tỉnh.
Tại lớp học, em Huyền Trang kể lại, sau khi ăn cơm trưa xong em mượn hạt “trân châu” của mấy bạn nam cầm trên tay chơi một lát thì trả lại cho bạn, liền sau đó thì em cảm thấy khó chịu trong người, hai tay tê cứng không co lại được, toàn thân lạnh cóng phải nhờ các bạn lấy mền đắp cho hết lạnh.
Tại Khoa nhi BVĐK, em Ly và Nhi cùng cho biết, trong lúc các bạn chơi hạt “trân châu” thì có một số hạt bị rớt xuống đất bị bể, lúc này em Nhi giẫm lên, em Ly thì nhặt bỏ vào sọt rác. Ngay tức khắc cả hai em nghe tê cứng từ chân đến tay, toàn thân bị ngứa ngáy.
Tiếp nhận và cấp cứu cho ba em học sinh này, bác sĩ Ngô Tấn Khương cho biết, cả ba em nhập viện với triệu chứng tê tay, ngứa da, đau bụng, nôn ói nhiều lần, chẩn đoán của bệnh án là các em bị ngộ độc hóa chất qua da.
Ngay sau sự việc xảy ra, Phòng Giáo dục – Đào tạo Thành phố Tây Ninh và Trạm Y tế phường 4 đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường Tiểu học Lê Hồng Phong. Bà Trần Thị Lan Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong cho biết, qua vụ việc, nhà trường mới phát hiện các em mua sản phẩm này từ các tiệm tạp hóa gần trường để đem vào chơi từ những ngày qua.
Cụ thể, một em học sinh nam cho biết, em đã mua hạt “trân châu” ở tiệm tạp hóa của bà Tám mập gần trường. Hiện tại, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm thu hồi tất cả các sản phẩm trò chơi là hạt “trân châu”.
Qua quan sát, bên trong gói hạt nhựa này có gần cả trăm hạt nhỏ bằng đầu tăm nhang với đủ màu sắc, khi thả vào nước những hạt nhỏ này nở to bằng cỡ viên bi long lanh rất đẹp mắt. Phần trên của gói hạt “trân châu” có ghi hướng dẫn sử dụng cho người chơi bằng chữ tiếng Anh, phía dưới còn nêu rõ nguồn gốc xuất xứ bằng dòng chữ “made in China” một cách nhòe nhoẹt. Theo tìm hiểu, giá mua một gói hạt “trân châu” tại các tiệm tạp hóa hoặc các cửa hàng bán đồ chơi ở khu vực Thành phố Tây Ninh hay huyện Hòa Thành có giá dao động từ 2.000 đ – 5.000 đ.
Để tránh những rủi ro đáng tiếc đối với trẻ em, các cơ quan chức năng của tỉnh nên sớm có biện pháp ngăn chặn, nghiêm cấm việc buôn bán những sản phẩm đồ chơi không rõ nguồn gốc, chứa nhiều độc tố như sản phẩm hạt nhựa nở “trân châu”.