Học sinh đầu cấp tăng mạnh, phụ huynh Hà Nội lo ngại quá tải trường lớp

Nguyễn Trang,
Chia sẻ

Dự báo năm học 2023-2024, số học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng hàng chục nghìn em khiến phụ huynh lo ngại về quá tải trường lớp và chất lượng giáo dục, ngành giáo dục Thủ đô cũng "đau đầu" giải bài toán thiếu trường lớp.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2023 – 2024, số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh vào các lớp đầu cấp đều tăng so với năm học 2022-2023. Trong đó, số học sinh vào lớp 6 tăng mạnh nhất với khoảng 38.800 em; Số học sinh vào lớp 1 tăng khoảng 11.600 em. Tình trạng gia tăng diễn ra cục bộ ở những địa bàn đông dân cư, nơi có nhiều khu đô thị hoặc khu công nghiệp.

Học sinh đầu cấp tăng mạnh, phụ huynh Hà Nội lo ngại quá tải trường lớp - Ảnh 1.

Năm học 2022-2023, thiếu trường mầm non, phụ huynh phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) phải bốc thăm giành suất học vào trường công lập cho con

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trường tiểu học có không quá 35 học sinh/lớp; Trường THCS có không quá 45 học sinh/lớp. Tuy nhiên, hiện nay một số trường ở khu vực các quận như Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông... nhiều lớp học có sĩ số trên dưới 50 học sinh/lớp, thậm chí có lớp 60 học sinh/lớp. Sự gia tăng cục bộ về số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh đang đặt ra nhiều thách thức với ngành giáo dục Thủ đô.

Dù năm học 2022-2023 chưa kết thúc, thế nhưng nhiều phụ huynh đã không khỏi lo ngại về chuyện trường lớp của con trong năm học tới.

Có con chuẩn bị vào lớp 6, anh Nguyễn Hoàng Hải (Hà Đông, Hà Nội) không khỏi băn khoăn về việc số lượng học sinh tăng chóng mặt, trong khi đó số trường lớp chưa tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục phổ thông. “Khi sĩ số quá đông, các con không những phải học tập trong không gian chật chội, mà việc tiếp thu kiến thức cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nếu mỗi lớp hơn 40 cháu, cô giáo còn có thể quan tâm từng cháu, nhưng nếu sĩ số đến gần 60 cháu một lớp, tiết học 45 phút giáo viên sẽ rất khó và vất vả để quan tâm, sát sao học sinh”.

Chị Phạm Tú Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) có con chuẩn bị vào lớp 6 chia sẻ, khi trường công quá tải, sĩ số đông, nhiều phụ huynh có nguyện vọng cho con vào các trường ngoài công lập để được hưởng điều kiện giáo dục tốt. Song cuộc đua vào các trường ngoài công lập được nhiều phụ huynh đánh giá nằm trong "top" đầu chất lượng cũng không hề dễ dàng.

"Tôi nộp hồ sơ cho con vào trường THCS-THPT Lương Thế Vinh, được biết trường lấy 560 chỉ tiêu lớp 6 cho 2 cơ sở, thế nhưng đã có đến 4.000 thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực vào trường. Tôi cũng tham khảo một vài trường ngoài công lập khác có chất lượng giáo dục tốt, thì sức cạnh tranh để vào được trường cũng cam go không kém", chị Tú Anh chia sẻ.

Năm học 2022-2023 từng tham gia bốc thăm suất học cho con vào trường mầm non công lập nhưng không trúng, gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh (Hoàng Mai, Hà Nội) quyết định gửi con ở trường ngoài công lập 1 năm, thế nhưng chi phí trường tư khá cao, lo ngại năm nay tiếp tục khó khăn trong việc xin học trường công lập cho con, vợ chồng chị Hạnh đang cân nhắc việc sẽ gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc.

“Năm ngoái vì quá tải sĩ số, nên phụ huynh phải tham gia bốc thăm cho con vào trường mầm non công lập. Năm nay có lẽ trường công vẫn tiếp tục quá tải. Lớp quá đông, cô giáo cũng nhiều áp lực hơn, liệu chất lượng giáo dục của các con có được đảm bảo. Nhưng nếu học trường tư chi phí lại cao. Thu nhập của gia đình tôi không cao, tiền thuê nhà, tiền học, tiền sữa của con đã hết 2/3 tiền lương của bố mẹ. Vợ chồng tôi dự định sẽ cho con về quê ở Hưng Yên, nhờ ông bà chăm sóc và cho con đi học ở quê”, chị Hạnh chia sẻ.

Các quận huyện “đau đầu” lo thiếu trường lớp

Hiệu trưởng một trường THCS quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, theo quy định, dù lượng học sinh đầu cấp có tăng cao bao nhiêu đi nữa, nhà trường cũng chỉ được phép mở từng đấy lớp theo chỉ tiêu mà UBND quận giao. Khi mở thêm lớp, thêm học sinh cũng kéo theo việc tăng biên chế giáo viên.

Năm học 2022-2023 số học sinh lớp 6 tại trường vượt quá 50 học sinh/lớp, học sinh phải học trong tình trạng chật chội, nhưng chưa có giải pháp nào mới. Vị hiệu trưởng cũng mong muốn sớm có thêm trường lớp để giảm tải áp lực, đảm bảo sĩ số theo đúng quy định.

Tại quận Hà Đông, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GD-ĐT cho biết, năm học 2023-2024, quy mô giáo dục của quận dự kiến sẽ phát triển mạnh và lớn nhất thành phố. Số học sinh trong độ tuổi vào lớp 6 dự kiến tăng hơn 5.000 em. Để chuẩn bị cho năm học mới, quận đã xây dựng thêm 7 đơn nguyên cho các trường THCS, đồng thời tăng cường rà soát, có kế hoạch cải tạo, nâng cấp và tiếp tục xây dựng thêm phòng học, trường học mới.

Quận Hà Đông đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các trường ngoài công lập phát triển và hoạt động có chất lượng tốt, từ đó góp phần giải quyết áp lực về số học sinh tăng nhanh.

Đại diện quận Hoàng Mai – “điểm nóng” cũng cho biết, trên địa bàn có phường Hoàng Liệt có tốc độ tăng dân số rất nhanh. Phường có hơn 8.150 trẻ trong độ tuổi mầm non, trong đó 6.611 trẻ 2 - 5 tuổi. Trong khi đó, địa bàn chỉ có một trường mầm non công lập duy với 4 cơ sở, 5 trường mầm non tư thục và 79 nhóm lớp độc lập, không đảm bảo đáp ứng lớp học với số lượng trẻ.

Năm học 2023 - 2024, Quận đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT, các trường nhanh chóng khảo sát số lượng trẻ gia tăng để lên phương án, giao chỉ tiêu cho các đơn vị. Quận cũng đang chỉ đạo gấp rút cho xây dựng thêm 2 trường mầm non công lập để giảm tải sĩ số cho trường Mầm non Hoàng Liệt với hy vọng sẽ không tái diễn tình trạng bốc thăm suất học vào trường công.

Ông Phạm Văn Ngát, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Thanh Trì cũng không khỏi băn khoăn về tình trạng thiếu trường lớp ngày càng trầm trọng. Hiện Phòng GD-ĐT đang tổng hợp, rà soát, lên phương án sử dụng các phòng bộ môn, chức năng để làm phòng học chính, đảm bảo sĩ số 45 học sinh/lớp theo quy định.

Nói về vấn đề đảm bảo trường lớp cho năm học mới, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, giải pháp được Hà Nội kiên trì triển khai vẫn là tuyển sinh theo tuyến như các năm trước. Phòng giáo dục và đào tạo có trách nhiệm tham mưu UBND quận, huyện, thị xã tổ chức phân tuyến tuyển sinh căn cứ số liệu điều tra về số lượng học sinh trong độ tuổi, điều kiện dạy học ở từng nhà trường.

Giám đốc Sở GD-ĐT cũng cho rằng, các đơn vị cũng cần tích cực tham mưu UBND quận, huyện, thị xã tăng cường đầu tư xây dựng bổ sung trường, phòng học; rà soát chính xác số học sinh trong độ tuổi và tổ chức phân tuyến hợp lý, không để học sinh nào không có chỗ học.

Giải pháp này cũng tránh được tình trạng có trường tuyển sinh vượt quá nhiều so với chỉ tiêu, có trường lại không tuyển đủ chỉ tiêu, gây lãng phí về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, gây bức xúc cho nhân dân.

Đặc biệt, Giám đốc Sở GD-ĐT yêu cầu các Phòng GD-ĐT tham mưu UBND cấp quận phân tuyến tuyển sinh phù hợp và có biện pháp kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc thực hiện chỉ tiêu ở các nhà trường, không để xảy ra hiện tượng quá tải ở một số trường.

Các nhà trường cũng cần chủ động phối hợp với chính quyền, công an địa phương xác minh thông tin cư trú đối với các trường hợp phát sinh trong quá trình tuyển sinh./.

Chia sẻ