Học được gì từ những người thiểu năng trí tuệ
Nhiều người vẫn thường lầm tưởng và đánh giá chưa đúng về khả năng và tinh thần của người thiểu năng trí tuệ nhưng nếu bạn đã từng đọc hay tham gia một hoạt động nào đó của người thiểu năng trí tuệ, bạn sẽ thấy họ là những “chiến binh” phi thường, là nguồn cảm hứng bất tận cho mỗi chúng ta.
Kiên trì và lạc quan bất chấp mọi khó khăn
Một thực tế đáng buồn là những người thiểu năng trí tuệ đến nay vẫn chưa được cộng đồng quan tâm đúng mức cũng như nhận được cơ hội bình đẳng trong nhiều hoạt động mà họ tham gia. Điều này vô tình khiến người thiểu năng trí tuệ gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng, thể hiện khả năng và có những đóng góp tích cực cho cộng đồng.
Nụ cười luôn nở trên môi
Thế nhưng, họ là những chiến binh không bao giờ lùi bước. Sự lạc quan và kiên trì của những người thiểu năng trí tuệ có thể truyền một nguồn năng lượng tích cực và cho phép chúng ta thêm tin tưởng dù có bất kỳ khó khăn nào thì không có gì là không thể vượt qua. Điều này thể hiện rõ nét qua các hoạt động thể thao hòa nhập và các chương trình huấn luyện vận động viên lãnh đạo do tổ chức Special Olympics và FWD cùng phối hợp thực hiện từ đầu năm 2018.
Tại những sự kiện thể thao hòa nhập, năng lượng, niềm tin và hy vọng là những gì mà các vận động viên thiểu năng trí tuệ mang đến người tham dự. Tất cả mọi người đều là những cá thể đặc biệt và duy nhất, tự tin thể hiện bản thân để khám phá những giá trị tích cực mà mình có thể đem đến cho xã hội.
Không bao giờ bỏ cuộc
Nỗ lực làm mới mình mỗi ngày
Một phần quan trọng trong chương trình hợp tác giữa FWD và Special Olympics chính là chương trình Vận động viên lãnh đạo (Athlete Leadership), đào tạo lực lượng vận động viên thiểu năng trí tuệ nòng cốt, được trang bị những kiến thức và kỹ năng mềm cần thiết để có thể tự tin thể hiện mình cũng như giúp đỡ những người thiểu năng trí tuệ khác.
Các lớp tập huấn dành cho vận động viên lãnh đạo
Bùi Thị Hồng Ngọc, 20 tuổi, dáng người mãnh khãnh nhưng ít ai biết rằng bạn Ngọc là vận động viên điền kinh và Bocce (bóng gỗ) và từng đạt nhiều huy chương vàng toàn quốc. Mẹ Ngọc kể những thành tích ấn tượng này cũng như sự tự tin trong giao tiếp có được là nhờ thầy cô huấn luyện trong một thời gian dài.
Lớn hơn Ngọc 2 tuổi, Nguyễn Thị Anh Thư, cũng là vận động viên điền kinh và Bocce. Mẹ của Anh Thư kể trước đây Thư rất nhút nhát khi tiếp xúc với mọi người. “Sau thời gian được huấn luyện, bé đã khắc phục được sự nhút nhát và biết nói chuyện vui vẻ với người lạ.” mẹ Thư mở lòng.
Trong khi đó, Dương Ngô Bình Thuận, 36 tuổi, hiện nay là vận động viên môn Bocce, điền kinh, bơi và Aikido chia sẻ “Mình được huấn luyện rất lâu mới có được sự tự tin để nói chuyện trước mọi người”.
Việc tiếp nhận các kỹ năng và kiến thức mới không hề thuận tiện hay dễ dàng nhưng từng ngày từng giờ, các bạn thiểu năng trí tuệ luôn không ngừng học hỏi và trao dồi để ghi nhớ, để phát triển và để giúp đỡ những người khác.
Luôn nuôi dưỡng ước mơ
Ước mơ của Thuận, Ngọc hay Thư chính là giúp đỡ những người thiểu năng trí tuệ khác bằng tất cả những gì mình có. Họ đều đã tốt nghiệp tại các trường chuyên biệt và hiện nay cùng với 27 bạn khác tham gia chương trình huấn luyện Vận động viên lãnh đạo để rèn luyện các kỹ năng và học thêm các kiến thức mới.
Bình Thuận cùng các bạn trong một buổi sinh hoạt dành cho Vận động viên lãnh đạo
“Em rất vui khi tham gia chương trình này”. “Em muốn đến trường mỗi ngày để được giúp các bạn khác giống như mình lúc trước”. “Em sẵn sàng và rất muốn giúp đỡ”… đây là những câu trả lời điển hình khi hỏi các em tham gia chường trình Vận động viên lãnh đạo. Với ba, mẹ và thầy cô của các em, đây không chỉ là niềm vui mà còn là niềm tự hào nữa vì họ biết rằng, tham gia chương trình này chính là góp phần giúp những người thiểu năng trí tuệ hòa nhập cộng đồng và khẳng định mình trong xã hội.
Với sự tài trợ của FWD, ngoài các lớp tập huấn, Special Olympics còn tổ chức các hoạt động định kỳ hàng tuần, hàng tháng như: hướng dẫn làm bánh cho các trường chuyên biệt, tổ chức các hoạt động hòa nhập trường học, các hoạt động thể thao, sinh hoạt và giao lưu cùng các tình nguyện viên… “Các bạn đã làm nên những điều tuyệt vời không chỉ cho bản thân mình, cộng đồng người thiểu năng trí tuệ mà còn cho tất cả mọi người. Luôn ước mơ, theo đuổi và chia sẻ ước mơ đó với những người xung quanh là điều hết sức ý nghĩa”, một tình nguyện viên chia sẻ sau khi tham gia thi đấu cùng các vận động viên thiểu năng trí tuệ trong một sự kiện thể thao hòa nhập được tổ chức ngày 15/12 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh.