Hóc đá dăm khi chơi đùa, bé 1 tuổi bị xẹp một bên phổi

Theo Người Lao động,
Chia sẻ

Trong lúc chơi đùa, cháu Hoàng Khánh D. (1 tuổi, ở Nghệ An) không may nuốt phải viên đá dăm, bị viên đá chèn khí quản gây ngạt thở.

dị vật
Đến ngày 9-12, sức khỏe của cháu Hoàng Khánh D. đã ổn định - Ảnh: Hoàng Yến

Tối ngày 5-12, bệnh nhi Hoàng Khánh D. (1 tuổi, ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) nhập Bệnh viện hữu nghị đa khoa (HNĐK) Nghệ An trong trạng thái tím tái, sốt, xuất hiện tình trạng ngạt thở.

Qua phim chụp X quang, các bác sĩ xác định có hình ảnh dị vật cản quang phế quản gốc phải, mờ đậm phổi phải. Dị vật gây bít tắc 1 bên phổi, phổi bên phải đã bị xẹp hoàn toàn. Bệnh nhân cần được khẩn trương gắp dị vật để hồi phục đường thở. Theo người nhà cháu D., trong lúc chơi đùa, cháu có nhặt hòn đá dăm cho vào miệng ngậm, không may bị hóc vào cổ họng.

Sau khi tiến hành hội chẩn liên khoa, các bác sĩ đã gây mê, dùng thuốc chống phù nề phế quản cho bệnh nhân, rồi dùng móc tự tạo bằng que kim loại kéo dần viên đá lên. Sau khi viên đá được kéo lên vị trí thuận lợi hơn, bác sĩ khoa Ngoại tiết niệu sử dụng rọ lấy sỏi (thường sử dụng trong các ca phẫu thuật lấy sỏi trong cơ thể) khéo léo lấy viên đá kích thước 0,5 x 1 cm ra ngoài.

Bác sĩ Tăng Xuân Hải, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viên HNĐK Nghệ An, cho biết: Đối với các ca gắp dị vật đường thở khác, có thể sử dụng phương pháp nội soi, đưa kìm y tế vào đường thở để gắp dị vật. Tuy nhiên đối với bệnh nhi 1 tuổi, lòng khí quản bệnh nhi quá nhỏ, nếu sử dụng kìm to dễ gây rách phế quản. Bên cạnh đó, nếu gắp không cẩn thận, viên đá dăm trơn trượt có thể di chuyển sang bên phế quản trái, bít hoàn toàn tất cả đường hô hấp thì bé sẽ tử vong.

Sau khi gắp viên đá ra ngoài bé chỉ phải sử dụng máy thở hỗ trợ hô hấp sau mổ một thời gian, ngày thứ 2 sau khi lấy dị vật, bé tỉnh dần, hết sốt, tự thở và đã có thể ăn cháo. Đến ngày 9-12, bé đã hồi phục sức khỏe.


Chia sẻ