"Học bá kép" của Thanh Hoa và Bắc Đại nhưng ra trường không kiếm nổi việc làm, học đến "phát điên" rồi thất bại ê chề vì một lý do này
Những tưởng sẽ trở thành nhân vật xuất chúng trong xã hội nhưng thiên tài Vật lý này cuối cùng trở thành thầy giáo dạy cấp hai trên miền núi.
Trong suốt tuổi trưởng thành của mình, Lý Vĩnh Lạc (sinh năm 1983 tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc) là niềm tự hào của gia đình và thầy cô. Anh là một nhân vật xuất sắc khi tốt nghiệp cả Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa - 2 ngôi trường đứng đầu Trung Quốc và thuộc top đầu thế giới. Thế nhưng câu chuyện của thần đồng này lại hoàn toàn đi ngược lại hình dung của mọi người.
Thần đồng bẩm sinh
Từ khi còn nhỏ, cậu bé Lý Vĩnh Lạc đã thể hiện tài năng phi thường về vật lý và được cha mẹ hết sức tạo điều kiện học hành. Kết quả không ngoài kỳ vọng khi trong suốt thời đi học, anh giành được nhiều giải cuộc thi học sinh giỏi vật lý. Vào năm thứ hai trung học, Lý Vĩnh Lạc đã đạt giải nhất trong cuộc thi vật lý cấp tỉnh và được tiến cử thẳng vào Khoa Vật lý của Đại học Bắc Kinh. Trong thời gian ở Đại học Bắc Kinh, Lý Vĩnh Lạc cũng đã hoàn thành chuyên ngành kinh tế. Khi tốt nghiệp, nhờ điểm số xuất sắc, anh lại đủ điều kiện nhập học thạc sĩ Khoa Điện tử kỹ thuật của Đại học Thanh Hoa.
Theo thống kê, tỷ lệ nhập học hàng năm của Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh chỉ là 0,067%, tức là chỉ những sinh viên giỏi nhất trong số những sinh viên giỏi nhất mới được vào học. Bất kỳ ai tốt nghiệp từ bất kỳ ngành nào thuộc Bắc Đại và Thanh Hoa đều có thể được gọi là sinh viên hàng đầu và gần như 100% họ đều sẽ trở thành người thành đạt trong cuộc sống, được các công ty trải thảm đỏ săn đón. Việc được học cả Bắc Đại lẫn Thanh Hoa của Lý Vĩnh Lạc vô cùng hiếm hoi.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa và bước vào đời, rõ ràng cha mẹ rất lạc quan về tương lai của Lý Vĩnh Lạc. Chẳng ai ngờ rằng sau khi chàng trai này bước chân vào thị trường lao động, anh lại thất bại thảm hại.
Đầu tiên Lý Vĩnh Lạc đến tập đoàn Sony xin việc. Với trình độ học vấn như vậy, rõ ràng anh dễ dàng lọt vào vòng phỏng vấn cuối cùng. Nhìn vào sơ yếu lý lịch của anh, người phỏng vấn không nghĩ nhiều mà trực tiếp hỏi: "Bạn có yêu cầu gì với công việc không?". Lý Vĩnh Lạc trả lời không do dự: "Không làm thêm giờ!". Người phỏng vấn cho rằng mình nghe nhầm, phải hỏi lại nhiều lần. Sau đó anh bị đánh trượt.
Sau đó, Lý Vĩnh Lạc đã nộp hồ sơ xin việc của mình nhiều lần, nhưng tất cả đều vấp phải rào cản trong cuộc phỏng vấn cuối cùng.
Đứa trẻ mãi không thể lớn
Điểm chí mạng khiến Lý Vĩnh Lạc không được các công ty chấp nhận là anh ngay lập tức thể hiện EQ và kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp gần như bằng 0. Ngay từ nhỏ, cha mẹ anh đã thu xếp mọi việc lớn nhỏ trong cuộc sống của con trai để thần đồng nhà mình có thể tập trung toàn bộ thời gian vào việc học. Họ chuẩn bị từng bữa ăn cho anh, mua quần áo cho anh, không bao giờ yêu cầu anh dọn dẹp phòng, Lý Vĩnh Lạc không phải suy nghĩ về bất kỳ vấn đề nào trong cuộc sống ngoại trừ việc học.
Cuộc sống khi còn nhỏ không chỉ khiến kỹ năng sống của Lý Vĩnh Lạc mãi như đứa trẻ mà còn khiến anh hình thành tính cách không thích giao tiếp. Trong một chương trình truyền hình, anh đã xấu hổ thừa nhận dù có bằng của 2 trường top đầu, anh của tuổi ngoài đôi mươi vẫn không biết những chuyện thường tình nhất trong cuộc sống. Ví dụ như khi điều khiển từ xa hết pin, anh cũng không biết thay pin như thế nào, và cũng không biết mình cần phải thay pin.
Lý Vĩnh Lạc thẳng thắn nói: "Mặc dù tôi học giỏi nhưng khả năng sống của tôi rất kém. Từ nhỏ tôi chưa bao giờ làm việc nhà nên khi lớn lên, tôi thậm chí cũng không biết mình phải thay pin khi điều khiển không hoạt động nữa".
Sau khi nhận phải những cú sốc đầu đời, Lý Vĩnh Lạc và gia đình mới nhận thức được những điều này. Sau nhiều cân nhắc, cuối cùng anh quyết định trở thành một giáo viên vật lý cấp hai bình thường. Khi anh tìm gặp hiệu trưởng trường cấp 3 trực thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, hiệu trưởng đã vô cùng sửng sốt vì không ngờ một Thạc sĩ tài năng như vậy lại nộp đơn xin làm giáo viên với mức lương chỉ hơn 5.000 tệ (khoảng 18 triệu đồng) một tháng, chỉ đủ cho cuộc sống cơ bản.
Kể từ đó, thần đồng thất bại mới bắt đầu học cách "làm người bình thường". Lý Vĩnh Lạc dường như trở thành một con người khác trên bục giảng. Anh có phong cách giảng dạy cuốn hút, vui vẻ và rất được học sinh yêu quý. Trong vài năm ở trường trung học trực thuộc Đại học Nhân dân, Lý Vĩnh Lạc đã dạy hơn 300 học sinh được nhận vào Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh.
Sau đó, Lý Vĩnh Lạc đến một trường học miền núi để giảng dạy. Vì cơ sở vật chất ở đây kém, một số thí nghiệm đều phải "giảng chay", để học sinh tưởng tượng.
Thương học sinh miền núi muốn tìm hiểu thêm về Vật lý nhưng không có điều kiện, thầy giáo nảy ra ý tưởng quay video kiến thức Vật lý rồi đăng lên mạng, hy vọng sẽ có nhiều học sinh không có cơ hội trải nghiệm đầy đủ kiến thức Vật lý có thể xem được.
Vô tình, video của Lý Vĩnh Lạc đã trở nên nổi tiếng. Tài khoản của thầy Lý đã thu hút 7 triệu người hâm mộ và sau đó anh còn xuất bản sách dạy Vật lý cho trẻ em. Sau tất cả, dù làm một công việc lương không cao, cũng khác xa kỳ vọng ban đầu của bản thân và gia đình, xã hội nhưng "thần đồng kép của Thanh Hoa lẫn Bắc Đại" vẫn hạnh phúc.
Nguồn: Sohu