Hoàng tử nhà Thanh cũng đau đầu vì áp lực học tập không thua học sinh ngày nay, giáo trình môn học khiến hậu thế "há hốc mồm"
Trong các triều đại xưa, các Hoàng tử được giáo dục vô cùng nghiêm khắc, đặc biệt là những người thuộc gia tộc Ái Tân Giác La của nhà Thanh.
Trong lịch sử nhà Thanh, công tôn quý tộc vừa mới sinh ra đã ngậm thìa vàng những tưởng sẽ có cuộc đời sung sướng, ăn không ngồi rồi, nhưng thực tế lại không phải vậy.
Đúng là con cháu Hoàng thất không cần phải lo nghĩ về chuyện tiền bạc, nhưng lại bị áp lực vô cùng lớn bởi chuyện học thức, thậm chí còn nặng nề hơn cả học sinh, sinh viên ngày nay.
Bạn có biết mỗi năm các vị Hoàng tử nhà Thanh được nghỉ ngơi mấy ngày không?
Không có kỳ nghỉ đông, cũng không được nghỉ hè, không có lễ hay cuối tuần. Cả một năm chỉ có thể nghỉ 6 ngày: Sinh thần Hoàng đế nghỉ 2 ngày, đầu năm mùng một nghỉ 1 ngày, Tết Đoan ngọ nghỉ 1 ngày, Trung thu nghỉ 1 ngày, sinh nhật của mình được nghỉ 1 ngày. Đêm ba mươi Giao thừa còn phải lên lớp học bài (có thể được tan học sớm hơn so với ngày thường).
Trong các triều đại xưa, các Hoàng tử nhà Thanh được giáo dục vô cùng nghiêm khắc, đặc biệt là những người thuộc gia tộc Ái Tân Giác La của nhà Thanh.
Không giống như một số Hoàng đế triều Minh, không hề quan tâm đến việc giáo dục Hoàng tôn của mình. Sau khi Minh Quang Tông Chu Thường Lạc băng hà, Hoàng trưởng tử Chu Do Hiệu (sau này chính là Minh Hy Tông) kế thừa đại nghiệp nhưng một chữ bẻ đôi cũng không biết, không chú trọng học vấn, được hậu thế gọi là “Hoàng đế mù chữ”.
Có lẽ rút kinh nghiệm từ bài học ở triều Minh, nhà Thanh trong thời gian đầu mới lập quốc đã đề cao văn hóa Nho gia kết hợp truyền thống Mãn Châu để giáo dục Hoàng tử và con cháu tông thất.
Khang Hi đế đăng cơ lúc 8 tuổi, luôn nỗ lực học tập mỗi ngày, đông hay hè cũng không nghỉ ngơi, thậm chí xuất hành tuần du, chiến sự cũng không rời văn thư nửa bước.
Sau khi sinh con đẻ cái, Khang Hi yêu cầu các Hoàng tử học tập vô cùng nghiêm khắc. Mà nghiêm khắc đến mức độ nào?
Ngay cả học sĩ Nội các Thang Bân cũng có phần khó chịu với yêu cầu của Hoàng đế đối với các Hoàng tử. Vị học sĩ từng nói: “Hoàng thượng dạy Hoàng Thái tử (Dận Nhưng) quá nghiêm. Đang mùa hè, bài tập lại quá nhiều, khiến Hoàng Thái tử phải lao lực mệt mỏi”.
Khang Hi đế từ chối việc giảm số lượng bài tập, nói: “Khi ta còn bé phải đọc từng quyển sách đủ 120 lần, nếu không thì không thể thấm nhuần được đạo lý bên trong. Vì vậy, Thái tử và các Hoàng tử cũng phải học hành theo cách này”.
Để tạo điều kiện học tập tốt hơn cho các Hoàng tử, Ung Chính đế đã cho xây dựng Thượng thư phòng, quy định các Hoàng tử và Hoàng tôn từ 6 tuổi trở lên phải đến đây đọc sách.
Ông đề cao sự tôn nghiêm của người làm thầy, yêu cầu các Hoàng tử phải hành lễ thầy giáo, không được qua loa, “Hoàng tử biết tôn trọng thầy giáo thì thầy giáo mới tận tâm chỉ dạy, đó chính là lễ nghĩa xưa nay”.
Hoàng tử địa vị tôn quý nhưng cũng phải ngoan ngoãn trước mặt thầy. Đương nhiên vẫn có trường hợp sinh lòng bất mãn.
Hoàng tử Dịch Vĩ cảm thấy thầy dạy quá nghiêm nên đã hậm hực nói: “Sau này trở thành Hoàng đế, ta sẽ giết chết ông ta”. Đạo Quang đế nghe được liền phát giận mắng cho một trận. Những lời cay độc của cha đã khiến vị Hoàng trưởng tử u uất và sinh bệnh, cuối cùng qua đời. Điều này đã trở thành nỗi ân hận to lớn của Đạo Quang đế.
Các vị Hoàng thân quốc thích nhà Thanh này có thời gian biểu học tập như thế nào?
Quan chấp hành quân cơ dưới thời Càn Long đế - Triệu Dực đã viết trong “Diêm Bộc tạp ký” rằng: Các Hoàng tử phải có mặt ở thư phòng vào lúc 3-4 giờ sáng. Giáo trình chính là: Văn tự ngôn ngữ (Mãn, Mông, Hán), Kinh điển Nho gia (Tứ thư Ngũ kinh…), lịch sử, thi phú, thư họa, võ thuật, cưỡi ngựa bắn cung và nhiều bài huấn luyện quân sự khác.
Giờ tan học vào lúc 1 giờ chiều, thế nhưng cũng có trường hợp buổi học kéo dài thêm nửa tiếng. Trong đó, 7 giờ rưỡi sáng và 12 giờ trưa là thời gian ăn uống, mỗi lần không quá nửa tiếng. Trong thời gian lên lớp nếu muốn nghỉ ngơi phải được sự đồng ý của thầy, nghỉ không quá 15 phút.
Theo đó, tổng thời gian học trong ngày của Hoàng tử khoảng 10 tiếng. Có thể thấy, Hoàng tử Thanh triều phải nỗ lực cho sự nghiệp học tập rất nhiều.
Theo quy định của nhà Thanh, Hoàng tử đến 15 tuổi được phong tước kiến phủ, lúc này có thể kết thúc việc lên lớp hay không còn phải xem thành tích. Nếu Hoàng đế không giao nhiệm vụ thì vẫn tiếp tục học tập ở thư phòng; còn nếu đảm đương chức vụ nào đó thì vẫn phải lên lớp trong ngày không có công vụ cần xử lý.
Hoàng đế trăm công nghìn việc nhưng vẫn rất quan tâm đến quá trình giáo dục các Hoàng tử.
Minh chứng là: Hoàng đế tự mình chọn thầy giáo và quy định nội dung giáo trình của các môn học, đồng thời thường xuyên kiểm tra thành tích học tập của các Hoàng tử, thậm chí còn xuất hiện bất ngờ để ra các bài thi khảo sát. Thượng thư phòng được xây dựng sát Càn Thanh cung để thuận tiện cho việc Hoàng đế có thể “ghé thăm” các Hoàng tử đang học hành bất cứ lúc nào.
Đến những năm cuối triều Thanh, Hoàng cung đầy biến động, việc giáo dục không còn nghiêm ngặt như thời Khang - Ung - Càn, nhưng vẫn có yêu cầu nhất định.
(Nguồn: Sohu)