Hoài niệm cafe phố cổ Hà Nội
Không cần mặt tiền trang hoàng lộng lẫy, chẳng cần bàn ghế quá cầu kỳ. Người ta tìm tới những quán cafe phố cổ như muốn tìm lại những ngày xưa cũ...
1. Cafe Giảng, số 7 Hàng Gai
Café Giảng có từ năm 1946. Giảng nổi danh với café trứng và café trứng cũng đã trở thành một trong những đặc sản của Hà Nội. Dù những nơi khác, những hàng khác cũng bắt chước làm theo món café trứng này, nhưng với những người mê café thì café trứng ở Giảng vẫn là ngon nhất.
Cái khéo của cụ Giảng nằm ở lượng kem trứng và lượng café có trong một cốc café, nó hài hòa và vừa đủ để người ta cảm thấy ngon, thấy nhớ.
Bảng giá cafe Giảng những ngày xa xưa. Nguồn ảnh: theo stickyrice.
Ngày trước, Giảng nằm ở đầu Hàng Gai, ngay đoạn giao của Hàng Gai – Hàng Ngang, Hàng Đào. Giờ chỗ đó bán đi chia thành hai nhánh, một ở 39 Nguyễn Hữu Huân, một ở 106 Yên Phụ.
2. Cafe Nhân, số 39 Hàng Hành
Cũng ra đời vào cỡ khoảng năm 1946. Nghe kể lại thì vào thời còn Cách mạng, café Nhân vẫn ở bên Cầu Gỗ đã trở thành nơi trao đổi thông tin liên lạc của bộ đội ta thời bấy giờ. Cụ Nhân có bí quyết rang, xay café của riêng mình vì thế café của cụ lúc nào cũng đặc biệt ngon.
Cho đến bây giờ, mỗi người con của cụ lại tự mở riêng cho mình một hàng café, thế nên các bạn sẽ thấy hiện giờ có rất nhiều hàng café mang tên Nhân. Nhưng với phần đông mọi người thì vẫn hay tìm đến café Nhân ở Hàng Hành nhất.
3. Cafe Lâm, số 60 Nguyễn Hữu Huân
Lâm còn được biết đến với cái tên là cafe tranh. Ngày xưa, các họa sĩ cũng vì hay đến đây, mê cafe ở đây nên mới đem tranh đến đây để tặng chủ quán, mà điển hình nhất có thể nhắc đến họa sĩ Bùi Xuân Phái.
Cafe Lâm những xa xưa...
Cụ Lâm thường đùa rằng: họ uống cafe của tôi nhiều quá, không có tiền trả nên mới đem tranh đến đây để gán nợ… Dẫu là thật hay đùa thì những bức tranh đó vẫn được cụ Lâm lồng khung cẩn thận và treo tại những vị trí đẹp trong quán.
Những năm gần đây, Lâm mở thêm một quán nữa cũng nằm trên con phố Nguyễn Hữu Huân đó và gần như giữ lại nguyên vẹn phong cách của Lâm cũ.
Cafe "nâu" giờ có giá là 15.000 đồng/cốc
Và ngày nay, quán vẫn gần như giữ được nguyên vẹn nét của ngày xưa. Chỉ thay đổi bảng giá các loại cafe quen thuộc cho hợp với sự biến đổi của thị trường
4. Cafe Năng, số 6 Hàng Bạc
Tồn tại trên đất Hà Nội cũng khoảng 50 năm rồi nên nhắc đến cafe Năng Hàng Bạc là người ta nghĩ đến ngay tách cafe đậm đặc làm người uống phải choáng váng. Và cũng chính vì cái choáng váng đó, người ta đã “nghiện” cafe ở đây lúc nào không biết.
Nằm trong con phố cổ đông đúc, chật hẹp, đôi khi đến đây người ta còn thấy bất tiện bởi khó tìm được chỗ để xe nhưng không vì thế mà Năng vắng khách. Dù sáng, trưa, chiều hay tối, quán cafe này lúc nào cũng tấp nập.
Hồi đầu, Năng chỉ có một địa chỉ duy nhất là ở Hàng Bạc nhưng đến giờ cũng phải có đến vài ba cái Năng mọc lên rồi, khang trang hơn, đẹp đẽ hơn nhưng theo cảm nhận chủ quan thì Năng Hàng Bạc vẫn là thích nhất.
Một cố cafe đen ở đây có giá 12.000 đồng
5. Cafe Đinh, số 13 Đinh Tiên Hoàng
Cafe Đinh hay còn có tên là cafe Bích, do bà Bích, con cụ Giảng mở ra. Đinh khiến người ta tò mò vì cái sự “khó tìm”.
Phải đi sâu vào trong một cái ngõ hẹp, tối mù dẫn lên tầng 2, nơi đó có cái ban công đẹp khó tả. Đi qua phố Đinh Tiên Hoàng bao lần, ngó lên lúc nào cũng thấy cái ban công đó có người.
Người ta thích ngồi trên cái ban công này, ngắm dòng người qua lại, ngắm hồ Gươm phẳng lặng và ngắm bầu trời xanh của Hà Nội.
Trái ngược hẳn với cái ban công lãng mạn, không gian bên trong lại hơi bụi bặm một chút, hơi lộn xộn một chút, hơi tối một chút, ám đầy khói thuốc nhưng nó lại không khiến người ta sợ và chán ngán.
Tất cả mọi thứ, từ không gian đến âm thanh đều hợp nhau đến lạ và vì thế người ta yêu thích nơi đây. Và lý do để thích Đinh còn nhiều lắm, ví dụ như đến để nghe nhạc rock, đến để ăn nhãn lồng hạt sen hay chỉ đơn giản là đến để cảm nhận một góc của Hà Nội.
Đồ uống ở đây khá ngon và giá còn rất rẻ, ly sấu đá chỉ khoảng 8000 đồng
Bạn nhớ nhé, ở dưới quán cafe Đinh là các hàng bán túi du lịch, túi máy ảnh
6. Cafe Thọ, số 117 Triệu Việt Vương
Thọ nằm trên con phố cafe Triệu Việt Vương nổi danh ở Hà Nội đã khoảng 25 năm rồi. Trên con phố này, có biết bao quán cafe lớn nhỏ nhưng người ta vẫn chọn Thọ, không hiểu sao Thọ lại có cái sức hút kì lạ đến thế.
Đây là quán cafe của một gia đình Hà Nội gốc do 5 anh em trong nhà cùng gây dựng lên. Nhiều người giải thích rằng, họ đến Thọ là do thói quen từ thời sinh viên. Hồi đó nghèo, làm gì có tiền mà cafe ở đây lại rẻ nên các sinh viên mới đến nhiều, lâu rồi cũng thành quen.
7. Cafe Lung, số 70 Nguyễn Du
Không phải là quán xá sang trọng, bàn ghế bóng lộn, chỉ đơn giản là mấy chiếc ghế mây cùng cái bàn gỗ nhỏ xíu, người ta thích Lung vì Lung có vị trí đẹp.
Lung đẹp nhất là vào mùa thu. Những buổi chiều mùa thu với nắng vàng ươm, gió nhè nhẹ và hương hoa sữa nồng nàn, có ngồi đây bạn mới hiểu rằng tại sao lại có nhiều người yêu Hà Nội đến thế…
Gần đây, đi qua con phố Nguyễn Du, người ta không còn nhìn thấy cái biển cafe Lung quen thuộc nữa mà thay vào đó là một cái tên gì đấy lạ hoắc…
8. Cafe Mai, số 79 Lê Văn Hưu
Vào thời kì đầu, khi mới mở ra, Mai khác hẳn với những quán cafe đã kể trên bởi lẽ Mai chỉ bán hạt cafe, cafe đã rang xay rồi để người mua tự mang về và pha lấy.
Mãi đến sau này, Mai mới bắt đầu mở thành những quán cafe như bây giờ. Hàng ngày, đi qua phố Lê Văn Hưu vào tầm chiều chiều, bạn sẽ thấy được cafe Mai ngon đến cỡ nào.
Ngoài ra, Hà Nội vẫn còn rất nhiều các quán cafe nổi danh khác như: Nhĩ, Dĩ, Nghĩa, Duy Trí, Phố cổ… Nếu bạn yêu Hà Nội, muốn khám phá Hà Nội thì cứ thử đi qua hết những hàng cafe này xem, bạn sẽ có được một bức tranh khá hoàn chỉnh về Hà Nội đấy! Chắc chắn bạn sẽ nói rằng: "Tôi yêu Hà Nội".