"Hỏa ngục đốt 150 tỷ USD" tại Mỹ đang giải phóng thứ siêu độc: Nhiễm vào máu có thể gây chết người

Trang Ly,
Chia sẻ

Những đau thương, mất mát từ vụ cháy rừng ở Los Angeles là không thể đong đếm hết được!

Năm nay, mưa không đến Los Angeles...

Chỉ trong 7 ngày, các đám cháy rừng dữ dội trên khắp các khu phố của Los Angeles (thuộc bang California, Mỹ) đã khiến 181.000 cư dân phải sơ tán, phá hủy hơn 100.000 công trình. Tính đến ngày 14/1, ít nhất 24 người thiệt mạng, hàng chục người vẫn mất tích, CNN cập nhật liên tục.

"Hỏa ngục đốt 150 tỷ USD" tại Mỹ đang giải phóng thứ siêu độc: Nhiễm vào máu có thể gây chết người - Ảnh 1.

Một lính cứu hỏa đang cố gắng dập tắt một phần đám cháy Palisades, một trong số nhiều đám cháy xảy ra đồng thời trên khắp Quận Los Angeles, vào ngày 12/1/2025. Ảnh: Ringo Chiu/Reuters

Các chuyên gia cho biết, vụ cháy rừng ở Los Angeles có thể là vụ cháy rừng tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ, với con số thiệt hại về kinh tế ước tính lên đến 135-150 tỷ USD. Tệ hơn, các đám cháy rừng vẫn đang tiếp diễn và thiệt hại về người lẫn của vẫn còn rất xa mới có thể thống kê hết được.

155 km vuông - một vùng diện tích lớn hơn thủ đô Paris của Pháp - đã bị biển lửa khổng lồ thiêu rụi trong tro tàn nóng rẫy, bắt đầu từ 7/1, tại Los Angeles. 

Mất mát, đau thương không thể đong đếm hết!

"Hỏa ngục đốt 150 tỷ USD" tại Mỹ đang giải phóng thứ siêu độc: Nhiễm vào máu có thể gây chết người - Ảnh 2.

Bản đồ hiển thị vị trí và quy mô của các đám cháy Palisade, Eaton và Hurst tính đến ngày 13/1/2025. Nguồn: Carbon Brief/Sở Lâm nghiệp và Phòng cháy chữa cháy California.

Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) nhận định, California không xa lạ gì với cháy rừng mùa hè, tuy nhiên đợt bùng phát vào những ngày đầu năm mới 2025 này là một trường hợp ngoại lệ cực đoan, được thúc đẩy bởi điều kiện thời tiết cháy rừng nghiêm trọng bất thường trên khắp khu vực phía Nam của tiểu bang. 

Trong hầu hết các năm, không có cảnh báo cháy rừng nào được phát đi ở Los Angeles trong ba tháng đầu năm (thường là vào tháng 6 hàng năm), chứ đừng nói đến hai tuần đầu tiên của 2025. 

Năm nay, mưa không đến Los Angeles. Sau một mùa hè với nhiệt độ phá kỷ lục và nắng nóng khắc nghiệt, lượng mưa kể từ tháng 10/2024 thấp hơn nhiều so với mức bình thường: Chỉ bằng khoảng 4% lượng mưa thông thường. Lượng mưa khan hiếm này, kết hợp với gió Santa Ana mạnh 113 km/giờ và khô, đã dẫn đến sự gia tăng các hoạt động cháy rừng trong tuần qua.

Đây là lời nhắc nhở rõ ràng rằng biến đổi khí hậu đang khiến cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn, bất thường hơn, dữ dội hơn và tàn phá hơn bao giờ hết — khiến cuộc sống của từng cá nhân, ngôi nhà và doanh nghiệp phải khốn đốn.

Những nỗi đau không tên

Bên cạnh nỗi đau về tất cả những mất mát không thể đong đếm của tài sản và sự tàn phá đối với cuộc sống của con người... thảm họa cháy rừng ở Los Angeles đang khiến sức khỏe môi trường, sức khỏe con người bị tác động rất nghiêm trọng. 

Phân tích của các chuyên gia thuộc Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), The Guardian, Carbon Brief chứng minh cho nhận định này:

01. Khói siêu độc - Tấn công máu, phổi người

Nếu nói lửa từ các vụ cháy rừng là tác nhân gây thiệt hại trực tiếp thì khói độc từ cháy rừng được ví là "sát thủ thầm lặng" đối với sức khỏe con người và môi trường.

Thành phần nguy hiểm nhất của khói cháy rừng là ô nhiễm hạt mịn, còn được gọi là PM2.5 hoặc bồ hóng. Những hạt nhỏ này, nhỏ hơn một phần 20 chiều rộng của một sợi tóc người, nếu hít vào có thể khiến chúng dễ dàng xâm nhập vào máu và phổi người, gây nên những bệnh có thể gây chết người. 

"Khói cháy rừng cực kỳ độc hại với phổi, độc hơn khói 'thông thường', vì nồng độ dày đặc của các hạt bụi mịn trong chúng. Người Mỹ đang phải chịu một phần ba tổng số ô nhiễm bụi mịn từ khói cháy rừng" - Don McKenzie, phó giáo sư tại Khoa Khoa học Môi trường và Lâm nghiệp thuộc Đại học Washington, cho biết.

Không chỉ tác động siêu độc đến sức khỏe, bụi mịn còn gây ô nhiễm không khí. Tại Mỹ, mỗi năm có 100.000 người tử vong vì ô nhiễm không khí, The Guardian phân tích.

Khi những mối nguy hiểm này gia tăng, nỗi đau khổ thầm lặng của động vật cũng vậy — những loài không đóng góp gì vào cuộc khủng hoảng khí hậu nhưng lại phải chịu đựng một cách không cân xứng từ nó.

02. Tàn phá hệ sinh thái khủng khiếp

Cháy rừng là nguyên nhân lớn nhất gây mất lớp phủ cây xanh tại tiểu bang California của Mỹ. Trong suốt 7 ngày qua (từ 7/1-14/1), biển lửa khổng lồ đã thiêu rụi hàng chục nghìn mẫu Anh đất, khiến cây cối biến thành tàn tro, cướp đi ngôi nhà tự nhiên của muôn loài động vật nơi đây.

Mạng xã hội Mỹ đăng tải rất nhiều video về những loài động vật như chó và hươu lang thang một mình giữa đám cháy, hoảng loạn và đau đớn.

Những hình ảnh và video này chỉ là cái nhìn thoáng qua về cách các đám cháy rừng đã ảnh hưởng đến động vật và động vật hoang dã coi Los Angeles là nhà của chúng. Hiện vẫn chưa có con số chính xác về số lượng động vật bị di dời, bị thương hoặc bị giết, nhưng tổ chức phi lợi nhuận Pasadena Humane đã tiếp nhận hơn 300 động vật, từ chó và mèo bị bỏ lại cho đến chim công và gấu trúc con trốn thoát khỏi khu vực đang bốc cháy.

"Hỏa ngục đốt 150 tỷ USD" tại Mỹ đang giải phóng thứ siêu độc: Nhiễm vào máu có thể gây chết người - Ảnh 3.

Đàn hươu bơ vơ, hoảng loạn sau đám cháy Palisades vào ngày 9//2025. Ảnh: Apu Gomes/Getty Images

Khách quan mà nói, cháy rừng là một phần tự nhiên của hệ sinh thái California và đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của môi trường xung quanh, như dọn sạch bụi rậm đang mục nát và đưa chất dinh dưỡng trở lại đất. Vì vậy, các đám cháy thường xuyên, được kiểm soát có thể giúp dọn sạch các loại cây này.

Nhưng khi hỏa hoạn vượt khỏi tầm kiểm soát, như ở Los Angeles, lại một lần nữa gióng lên hồi chuông mạnh mẽ đến con người.

Quy mô và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng của cháy rừng ở California không phải là một sự kiện riêng lẻ. Biến đổi khí hậu đang khiến cháy rừng xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn trên toàn cầu.

Với mỗi phần nhỏ của một độ ấm lên, nguy cơ cháy rừng tăng lên đáng kể. Hơn hết, các quốc gia phải cùng nhau hành động để giảm lượng khí thải carbon và giữ nhiệt độ toàn cầu dưới ngưỡng do Thỏa thuận khí hậu Paris đặt ra.

Mặc dù còn quá sớm để nói năm 2025 sẽ tệ đến mức nào đối với cháy rừng nhưng việc thực hiện các biện pháp để bảo vệ cộng đồng và hạn chế biến đổi khí hậu là không thể trì hoãn thêm phút nào nữa.

Tham khảo: CNN, The Guardian, Carbon Brief, Viện Tài nguyên Thế giới (WRI)

Chia sẻ