Hoa hậu Việt Nam và những “điều tra viên" mạng xã hội
Ông Lê Xuân Sơn - tổng biên tập báo Tiền Phong, trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 - từng kết luận trước đêm chung kết rằng: “Khổ như thi hoa hậu!”.
Từ trái qua: á hậu 1 Ngô Thanh Thanh Tú, hoa hậu VN 2016 Đỗ Mỹ Linh và á hậu 2 Nguyễn Thị Thùy Dung - Ảnh: T.T.D.
Nỗi lo còn đó
Bỏ qua cả một hành trình dài đến bốn tháng đầy cam go (tính từ vòng sơ tuyển), chỉ riêng đêm chung kết vào tối 28-8, sau khi trải qua khoảng bốn tiếng khoe sắc khoe hương, tốp ba sau đăng quang phải đứng yên vị trí đăng quang chừng 20 phút, cười tươi hết cỡ để chụp hình cùng hàng tá nhà tài trợ.
Sau phần chụp hình đã là ngày mới nhưng các tân hoa hậu, á hậu vẫn phải tiếp tục ở lại cùng ban tổ chức để trải qua cuộc họp báo.
Gọi là họp báo nhưng “màu sắc” của cuộc họp không giống buổi ra mắt chính thức của tân hoa hậu và hai á hậu, mà giống như một buổi chất vấn.
Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất vẫn là liệu tân hoa hậu có xứng đáng, liệu kết quả này không bị chi phối từ bất kỳ thế lực nào, liệu “người mới” sẽ không mắc những sai lầm như những người tiền nhiệm?
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra và câu hỏi nào cũng được trả lời đầy đủ. Thậm chí ông trưởng ban tổ chức còn công bố luôn kết quả chấm điểm là 6/7 giám khảo chấm cho Đỗ Mỹ Linh (sinh năm 1996, sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội).
Trao đổi riêng với Tuổi Trẻ sau đêm đăng quang, nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam - thành viên ban giám khảo - thẳng thắn cho hay anh là người không chọn Đỗ Mỹ Linh trong đêm chung kết.
Tuy nhiên, anh vẫn đồng thuận với các giám khảo còn lại vì theo anh, tỉ lệ gương mặt của Linh đẹp, dáng chuẩn, học lực tốt cùng nhiều “điểm cộng” khác.
Bởi hoa hậu ngày nay không chỉ đẹp người, đẹp nết mà còn phải đủ trí lực để vượt qua mọi thử thách trong cuộc thi, đảm đương trách nhiệm, nghĩa vụ khi đăng quang và đối đầu với những “sóng gió” bất ngờ phía trước.
Còn khổ dài dài
Việc chọn hoa hậu chưa bao giờ vất vả và tốn kém thời gian, tiền bạc như hiện tại. Tuy không công bố con số cụ thể, nhưng những ai quan tâm cũng ước tính được chi phí cho cả một cuộc tuyển chọn “quốc sắc” này tiêu tốn vài chục tỉ đồng với rất nhiều hoạt động lớn nhỏ từ Bắc chí Nam.
Những hình ảnh cũ của tân hoa hậu Mỹ Linh bị soi trên mạng xã hội
Dẫu bỏ nhiều tâm sức để tìm ra một người đẹp toàn diện, không tì vết, nhưng năm nào hoa hậu sau đăng quang cũng chịu nhiều “gạch đá” từ dư luận.
Ngay khi Đỗ Mỹ Linh đăng quang hoa hậu, cư dân mạng đã lục tung mọi “dấu vết” của cô. Một số hình ảnh và phát ngôn được cho là chưa chín chắn của Mỹ Linh trên trang Facebook cá nhân cách đây bảy năm đã kịp được chụp lại, đưa lên mạng cho dân tình mổ xẻ.
Nổi bật trong số đó là nghi án tân hoa hậu từng đi cắt nướu để có miệng cười xinh xắn hơn.
Điều này đang khiến dư luận thắc mắc bởi trong vòng chung kết ban tổ chức đã quyết liệt loại đến sáu thí sinh, trong đó có năm thí sinh vì lý do không thỏa điều kiện có vẻ đẹp tự nhiên (kể cả những thí sinh dán composite lên răng cũng được yêu cầu tháo bỏ)...
Trưởng ban tổ chức Lê Xuân Sơn và trưởng ban giám khảo Dương Trung Quốc chỉ chia sẻ rằng những dư luận trái chiều, khen - chê là bình thường trong bất kỳ cuộc thi nào, đặc biệt là cuộc thi nhan sắc, vì vậy mong mọi người hãy “nhìn nhận hết sức bình tĩnh”, “đừng chạy theo hay bị dư luận chi phối” và hãy “tin tưởng vào những gì ban giám khảo lựa chọn là hợp lý nhất, là tốt nhất có thể”.
Dẫu vậy, dù cuộc thi hoa hậu đã kết thúc nhưng thí sinh “tốt nhất có thể” đó hẳn sẽ còn khổ dài dài trước đội ngũ “điều tra viên” đầy nhiệt tình trên mạng xã hội.
Xem thi hoa hậu cũng khổ Đêm chung kết toàn quốc Hoa hậu Việt Nam 2016 được cho là chương trình chung kết Hoa hậu Việt Nam quy mô và cầu kỳ nhất từ trước đến nay. Chương trình dài gần bảy tiếng, bắt đầu từ 18g với tiệc nhẹ, giao lưu, chụp hình thảm đỏ rồi mới tới phần thi thố đến nửa đêm. Vé xem chương trình có giá cao ngất (3 - 25 triệu đồng/vé) với đủ kiểu từ ghế sofa dài, ghế bành, ghế nệm, ghế xếp... Sân khấu được thiết kế theo chủ đề Ngọc Viễn Đông, sử dụng hệ thống đèn LED Matrix 3D hiện đại khiến không gian lộng lẫy, biến ảo, hình ảnh rõ nét. Đạo diễn Hoàng Nhật Nam dùng tới 30 tấn thiết bị để xây dựng sân khấu và mời bốn MC dẫn dắt chương trình. Ca sĩ thì ngoài những giọng ca đắt giá hiện nay còn có sự tham gia của ngôi sao Hàn Quốc Bi Rain. Tuy nhiên vì đầu tư xa hoa quá mà chương trình hóa dài dòng, dư thừa. Dù hào hứng trước những vẻ đẹp tươi mới của các thí sinh, nhưng phải ngồi xem trực tiếp hay ngồi trước màn ảnh nhỏ bốn tiếng dễ khiến người xem ngán ngẩm (dù trong điều kiện tiện nghi nhất). Các tiết mục ca nhạc quá nhiều và tiết mục nào cũng được “trang điểm” đậm đà làm khán giả mất tập trung vào nhân vật chính là các thí sinh. Phần trình diễn của Bi Rain dù bắt mắt, sôi động nhưng giọng hát không thuyết phục mà hát đến bốn bài (chưa kể khán giả chẳng mấy người hiểu anh hát gì) càng khiến “đại nhạc hội” thêm dông dài và bị chê là... phí tiền! |