Hoa hậu Thu Thủy: Tôi luôn hối hận vì quyết định ly hôn!

Theo ĐSPL,
Chia sẻ

Thủy càng ngày càng đẹp, càng sâu và… càng buồn. Ngồi café với cô, dù nói về bất cứ chuyện gì, nhan sắc hay kinh doanh, gia đình hay con cái, cũng đều thấy cuốn hút và nhiều dư vị.

Tôi chụp nude lâu rồi!

- Nhìn lại thời gian từ khi đăng quang, chị cho rằng nhan sắc đóng góp bao nhiêu % vào những thành công của chị?

- Điều đó còn phụ thuộc vào thành công loại gì, nếu là thành công trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm nào thì nhan sắc chiếm 99,99%, nếu là thành công trong bữa tối chiều nay tôi nấu cho con trai với món mì thịt băm thì là 3,5% vì bà bán thịt quả thật có ưu ái cho tôi phần nào chắc tại trông tôi xinh xắn dễ nhìn.

- Vẻ đẹp nào ở Việt Nam làm chị ngưỡng mộ nhất?

- Về tổng thể, tôi thích vẻ đẹp sang trọng nhưng cũng không kém gợi cảm của Hà Kiều Anh, tôi thích nụ cười rạng rỡ của chị Lê Khanh, tôi thích vẻ đẹp vô tư không tuổi tác và đầy nhiệt thành của chị Diễm My, và đặc biệt thích đôi mắt của Thanh Lam. Tôi nhớ như in một lần cả nhóm đi chơi trong một quán bar, đèn đóm tối um, thế mà tôi vẫn nhìn thấy mắt Thanh Lam sáng rực rỡ. Phải có một tinh thần, một nguồn sống mạnh mẽ đến thế nào thì mới có được một thần thái như thế thể hiện qua đôi mắt.
 

- Chị từng nói: Quốc gia nào văn minh thì quốc gia ấy mới trân trọng cái đẹp. Nhưng có thể thấy, những cuộc thi hoa hậu quốc tế chỉ được quan tâm ở một số ít quốc gia, trong đó có Việt Nam. Chị nghĩ sao về điều này? Chị có tiếc nuối vì chưa từng được “đem chuông đi đánh xứ người” không?

- À, tôi nghĩ đó là vì ở những quốc gia khác, người ta không chỉ nhìn nhận cái đẹp và nhan sắc từ mỗi các cuộc thi hoa hậu. Còn ở Việt Nam, hình như tham gia các cuộc thi hoa hậu là một loại chứng chỉ nhan sắc cho các cô gái trẻ. Còn công chúng, họ cũng chỉ trông đợi được chiêm ngưỡng cái đẹp sau mỗi cuộc thi và thường là họ thất vọng hoặc bàn tán rất nhiều về nhan sắc đó.
 
 
Cái đẹp thực sự không tồn tại hay phải vay mượn một danh hiệu hay một bệ phóng nào, nếu một cô gái đẹp đi trên phố, bản thân nhan sắc của cô ấy đã làm sáng bừng cả không gian xung quanh. Những người văn minh là những người biết nhận ra, biết trân trọng và đánh giá đúng nhan sắc đó thay vì vuì dập bới những định kiến, thành kiến hàm hồ và lại trông đợi, kỳ vọng đi tìm cái đẹp, sắc đẹp ở những đẩu những đâu.

- Dẫu có thế nào thì mỗi cuộc thi hoa hậu cùng lắm chỉ tổ chức được một năm một lần, bạn hi vọng gì ở cuộc thi sau sẽ tốt đẹp hơn nếu chính bản thân bạn không thay đổi cách nhìn nhận của chính mình?

- Tôi cũng không tiếc nuối lắm khi chưa từng được tham gia một cuộc thi sắc đẹp quốc tế nào. Thời của tôi việc này còn khá mơ hồ, mặc dù khi ra nước ngoài, được giới thiệu là miss Vietnam thì lòng tự hào dân tộc cũng nổi lên cuồn cuộn.

- Chị dường như không phải là người quan tâm nhiều tới thời trang, ăn mặc như nhiều người đẹp khác?

- Tôi quan tâm chứ, nhưng tôi không chạy theo mốt. Tôi có cách riêng của tôi trong ăn mặc, và tôi thích thử nghiệm.
 

Tôi không thích cứ thấy xu hướng mốt lệch vai thì ai vai cũng phải hở một bên, xu hướng mốt lông thú là chị em lập tức tự biến mình ngay thành động vật quí hiếm.

- Dạo này tôi thấy chị đã bắt đầu xuất hiện với những chiếc váy xẻ ngực rất sâu. Cứ đà này, không biết bao giờ chị sẽ chụp nude ?

- Ôi, tôi chụp nude từ lâu rồi, tôi không hiểu tại sao cứ mặc áo xẻ sâu ngực đi ăn tiệc xong rồi lại phải chụp nude? Có lộ trình như thế đối với các ngôi sao à? Để làm gì nhỉ? Với tôi việc mặc một cái váy tôn được vóc dáng và vẻ đẹp cơ thể là một thành tựu, đến tuổi này, sau hai lần sinh nở, tôi không cần phải khoe khoang hay thể hiện với bất cứ ai khác ngoài chính mình, mình hài lòng với nỗ lực rèn luyện và giữ gìn nhan sắc của chính bản thân thân mình. Thế là đủ rồi

Tôi - tuyệt đỉnh phù phiếm

- Xuất hiện ồ ạt trên báo chí sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng, làm phim, viết truyện rồi viết báo. Phải chăng trong thời đại người mẫu, hoa hậu nhiều như nấm, chị đang sợ bị công chúng lãng quên – cũng như cách chị không thích người ta gọi mình là cựu hoa hậu?

- Tôi không thích gọi là cựu hoa hậu vì tôi không thích bản thân từ “cựu” lắm. Tôi là người tiếp xúc với ngôn ngữ từ nhỏ và có ý thức về từ vựng rất rõ ràng. Có một số từ tôi rất thích và thích sử dụng, có những từ ngược lại tôi không thích. Không phải vì lí do cá nhân nào cả, chỉ đơn giản là tôi không thích.

Tôi không sợ bị lãng quên vì chắc chắn là người ta sẽ quên tôi ngay lập tức sau khi xem xong bộ phim của tôi, sau khi đọc một cái gì đó tôi viết hoặc chỉ vừa gặp mặt tôi. Tôi càng không có nhu cầu muốn người ta phải nhớ đến Hoa hậu (hay cựu hoa hậu cũng được) Nguyễn Thu Thủy là ai. Cái tôi cần là những cảm xúc mà tôi gửi gắm, những suy nghĩ, những ý tứ, ý tưởng trong phim, trong truyện, trong những bài báo mà tôi viết sẽ sống cùng với mọi người, đó là niềm hạnh phúc của bất cứ người viết nào bên cạnh sự thoả mãn nội tại khi cầm bút viết.

- Năm 2010 có thể nói là một năm ồn ào của chị, chị đang được xếp hàng top trên nhiều báo mạng bởi những câu chuyện ầm ĩ không đang có. Vậy mà tôi nhớ, thời gian trước đây, chị từng được xếp chung hàng không scandal với những người đẹp như Vũ Cẩm Nhung hay Trương Ngọc Ánh. Chị có thấy mình đang mất giá hay tầm thường hóa đi không?

- Tôi vẫn thế mà. Mất giá với ai mới được cơ chứ? Tôi không đi diễn từ lâu rồi, đi party thì toàn anh em bạn bè nên tôi cũng chẳng có định làm giá để đẩy cát xê lên cao. Thế còn có tầm thường đi không thì bản thân những gì tôi đang làm là không tầm thường, chỉ có những người, những suy nghĩ, những hành vi của họ làm cho mọi thứ trở nên tầm thường đi thôi. Và việc đó tôi không can thiệp được. Khi tôi nói ra một câu nói không tầm thường với một mục đích không tầm thường, nhưng cách người ta bẻ queo mọi chuyện và ấn nó xuống để cho nó tầm thường đi thì có khi tôi lại vượt lên cao hơn sự tầm thường rất nhiều ấy chứ.

Tôi 35 tuổi rồi, tôi không tiếc về những gì mình đã làm và đang làm nữa vì tôi không còn nhiều thời gian để ngồi đấy mà ăn năn hay tiếc nuối.

- Chị từng bảo: không nên gồng mình lên để hoàn hảo, nhưng liệu chị có đang phải gồng mình lên để mạnh mẽ trước làn sóng dư luận, khi mà bản thân chị là một người rất yếu đuổi ?

- Tôi rất yếu đuối với một số người và rất mạnh mẽ, mạnh mẽ đến phát sợ với một số người. Tôi cho đấy là bản năng chứ không phải gồng mình.

- Thế còn phù phiếm. Nên hiểu thế nào về tuyên ngôn của chị trên facebook: Vanity - Always Vanity - Absolute Vanity - “Phù phiếm, luôn luôn phù phiếm, tuyệt đỉnh phù phiếm”?
 

- Đây là một dạng tuyên ngôn hay slogan của tôi cũng được. Một cách để tôi tiếp cận cuộc sống. Tôi nghĩ bản thân nhan sắc, đàn bà và những thứ chạy xung quanh đàn bà và nhan sắc đã là một thế giới rất phù phiếm. Phù phiếm ở sự bất định, ở sự không lường trước và mong manh, khó nắm bắt. Tôi là người phù phiếm, và tôi thích sự phù phiếm trên một số khía cạnh nhất định.

Với tôi, nếu mà phù phiếm mà đi đến cùng thì còn hơn chán vạn những sự nghiêm túc nửa vời.

Hối hận mỗi ngày vì đã ly hôn

- Thông thường, sau khi li hôn, các ngôi sao thường tìm cách tránh xa dư luận. Chị thì lại đi theo một hành trình hoàn toàn ngược lại. Dường như sau đổ vỡ, chị mạnh mẽ hơn và và ghê gớm hơn?

- Tôi không theo dõi các ngôi sao khác nên tôi không biết họ thường như thế. Với tôi cuộc sống có những giai đoạn khác nhau với những thử thách và cách sống khác nhau. Tôi quan niệm nếu mình đủ sức, đủ lực, đủ khôn tại sao không chơi cho vui, sống cho đáng sống và làm những việc mình nghĩ là đáng để làm. Tôi không mạnh mẽ và rất dịu dàng.
 
Tôi ghét ai bảo tôi ghê gớm, vì họ sợ tôi, họ sợ tôi ngay cả khi tôi chẳng làm gì họ, họ chỉ nhìn cách tôi phản ứng với những người đối xử không tử tế với tôi và con cái, người thân của tôi, rồi họ nghĩ rằng tôi cũng sẽ thế với họ. Thế hóa ra là vô hình chung là họ tự cho rằng họ có thế sẽ đối xử không tốt với tôi à? Tất cả những nguời ở gần bên tôi đều nhìn nhận tôi là nguời rất biết điều và nhân hậu.

- Cho đến giờ, chị đã bao giờ hối hận vì quyết định ly hôn?. Theo chị - điều gì cần nhất để một người phụ nữ dám bước qua hôn nhân, để đi về nơi chỉ có một mình?

- Tôi hối hận mỗi ngày ấy chứ, nhưng không vì thế mà tôi vội vã đi tìm một cuộc hôn nhân khác.
 
 
Điều cần nhất cho một phụ nữ dù là có hay không có hôn nhân, dù là có dám bước qua hay chấp nhận hôn nhân kể cả khi nó không mấy hạnh phúc đó là “hãy là chính mình” Sai lầm lớn nhất của phụ nữ đặc biệt là phụ nữ Việt Nam đó là tự huyễn hoặc mình trong những thứ ảo tưởng hạnh phúc, đạo đức nào đó và trở thành nô lệ của chính cái mô hình hạnh phúc mà họ rắp tâm tạo dựng nên.
 
Họ hi sinh bản thân quá nhiều cho người khác và quên mất rằng không có hạnh phúc thật sự nào được sinh ra từ sự hi sinh hay đánh đổi cả. Và đừng nhẫm lẫn sự hi sinh với sự cho đi. Bạn có thể cho đi rất nhiều thứ, nhưng đừng bao giờ hi sinh niềm vui và hạnh phúc của chính bạn.

- “Gọi tớ đến khi những cuộc vui đã tàn, cậu ngồi đó bên những bừa bãi dư âm của rộn rã, xập xình... bên chai lọ lăn lóc giữa giày dép lẫn quần áo… Cậu ngồi đó nhàu nhĩ, mỏi mệt với cái bóng của chính cậu phản chiếu trong gương đang hoang mang nhìn lại và tự hỏi Mình hay Nó là hiện thân của hiện tại?” - Những dòng chị viết cho một người bạn đã li dị, có phải cũng chính là tâm trạng chơi vơi của chị hiện tại?

- Tôi không phải nhà văn và không có ý định trở thành nhà văn chuyên nghiệp mặc dù tôi thích viết lách. Thế nhưng tôi thích đọc sách và có một số khả năng nhất định của nhà văn mà một trong đó là khẳ năng nhìn thấy trước, mường tượng trước được nhiều thứ. Có nhiều lúc những thứ tôi nhìn thấy trước làm tôi sợ hãi, nhưng không vì thế mà làm thay đổi chính tôi khi ra quyết định.
 

- Hà Kiều Anh, hoa hậu ngay trước chị đã có cuộc hôn nhân thứ 2 hạnh phúc. Còn chị, bây giờ, khi yêu, chị có còn mong tiến đến hôn nhân nữa không?

- Tôi thích khái niệm gia đình (trong tiếng Anh có phân biệt rõ ràng giữa Home và House). Tôi thích câu thành ngữ “Home is where the heart is” (mái ấm là nơi con tim đang trú ngụ)

Tôi tin vào tình yêu và những điều người ta có thể làm khi yêu nhau sẽ làm nên một gia đình hạnh phúc. Tôi không tin vào tờ giấy ràng buộc giữa hai con người, tôi càng không tin vào các thứ khái niệm vớ vẩn của hôn nhân để ràng buộc hay tự lừa gạt mình trong một sự an toàn, bình ổn giả tạo.

- Chị từng định nghĩa: Cô đơn khác cô độc. Cô đơn là thiếu vắng người mình yêu thương trong một thời điểm. Cô độc là không có một người để mình có thể yêu thương. Vậy thời điểm này, chị đang cô đơn hay cô độc?.

- Lúc nào tôi cũng có một ai đó để yêu và có hơn một người đang yêu tôi. Thế được gọi là cô đơn hay cô độc?

Tôi đã ở bờ vực phá sản không biết bao nhiêu lần

- Làm kinh doanh đã tác động đến con người chị như thế nào?

- Tôi học được nhiều thứ từ kinh doanh. Trước hết đó là khả năng tự ra quyết định. Cho đến trước khi bắt đầu kinh doanh hầu như tôi ít khi dám quyết định điều gì hay đứng ra nhận một việc gì đó khi trách nhiệm quá lớn và có dinh dáng đến nhiều người. Điều đó không chỉ phụ thuộc vào trình độ hay kiến thức, kinh nghiệm mà còn là bản lĩnh và ý chí. Thứ hai là một số các kỹ năng khác mà tôi được tôi luyện như khả năng thuyết trình, khả năng đàm phán, khả năng phân tích, đánh giá…

Vậy mà đến giờ tôi vẫn băn khoăn nhiều lúc là nên làm tiếp hay nên dừng lại. Đúng là tôi sợ đánh mất mình, tôi sợ đến một lúc nào đó các kỹ năng, các tính toán, phương thức ngấm vào người tôi và tôi mất đi những cảm xúc, những trực cảm rất bản năng.

- Một Thu Thủy dịu dàng - như chị vừa tự nhận – đã bao giờ xích mích với nhân viên hay đối tác chưa?

- Trong kinh doanh việc bất đồng quan điểm là chuyện thường tình, quan trọng là cách mình xử lý điều đó như thế nào thôi. Tôi là người nóng tính và trực tính. Tôi ghét sự giả dối và hời hợt. Tôi hay nói với những người xung quanh mình “hời hợt nửa vời trong ngành kinh doanh dịch vụ có khi là tội ác”. Điều này có lẽ hơi “nặng đô” quá đối với một số người, họ không chịu nổi với một hình ảnh tôi bình thường xinh đẹp dịu dàng mà lại có thể quyết liệt đến thế. Chuyện nhân viên sau một lần nói chuyện với tôi nghỉ việc ngay lập tức vì “sốc” là chuyện bình thường.
 

Phương châm trong kinh doanh của tôi là “nếu mình có năng lực thực sự, mình làm việc nghiêm túc và hết sức, có thể thành công, tiền bạc sẽ đến chậm hơn nhưng chắc chắn sẽ đến”. Quan trọng là đừng bỏ cuộc, đừng thỏa hiệp, đừng đánh mất mình.

- Từ khi thành lập tới giờ, đã bao giờ chị rơi vào tình trạng phải ra đường vì thua lỗ?

- Kinh doanh spa là một công việc phải nói là nhàm chán và không hấp dẫn như nhiều người vẫn tưởng. Nếu không có lòng đam mê và sự nhẫn nại, sự tinh tế và chi tiết nhiều khi tới mức tỉ mẩn thì sẽ không thể có được thành công. Những người làm cùng tôi đã nhiều lần chứng kiến tôi kiệt sức ra sao, tôi ở bên bờ vực phá sản như thế nào và tôi không nhớ nổi 9 năm qua tôi có ý định bỏ cuộc bao nhiêu lần.

- Làm spa mãi rồi, chị đã bao giờ thấy nhàm chán chưa?

- Tôi đã từng làm qua cả kinh doanh nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, kinh doanh bất động sản và phân phối rượu, mỹ phẩm, thực phẩm. Về bản chất kinh doanh là giống nhau dù rằng có nhiều ngành rất đặc thù nhưng nguyên tắc chung thì vẫn không thay đổi. Nếu tôi bỏ không kinh doanh nữa thì lý do duy nhất là tôi không muốn vắt kiệt tâm sức của mình để chạy theo vòng xoáy kim tiền nữa chứ không phải vì nhàm chán. Làm gì cũng vậy, nhất là làm kinh doanh, đến một mức độ nào đó người ta chỉ có ham hố hơn thôi chứ tôi chưa thấy ai đang kinh doanh thành công lại bỏ vì nhàm chán cả.

Luôn coi con như một người lớn

- Tết - trong quan niệm của chị là gì?

- Tết là một thời khắc thiêng liêng cuả gia đình, của những thành viên nhìn lại mình, nhìn lại sự gắn bó của mình với những người khác, với tổ tiên, với nguồn gốc, với những người đã khuất và xác định cho mình ở tương lai với những hi vọng mới. Nghĩ về Tết tôi luôn luôn thấy nao nao, có lúc chỉ muốn khóc, chỉ muốn ôm lấy các con mình vào lòng và cầu mong sao khoảnh khắc đó, hơi ấm đó, tình yêu thương đó sẽ còn kéo dài dư vị của nó mãi.

- Chị là một người hoài cổ nhưng hình như các con chị đều không nói tiếng Việt? Chị có băn khoăn về điều này không, khi mà bố mẹ chị đều là những nhà ngôn ngữ kì cựu?

- Các cháu nói Tiếng Việt chứ, con trai tôi học trường Tây từ bé nên đọc và viết tiếng Việt kém hơn tiếng Anh thôi. Dù gì tiếng Việt cũng là ngôn ngữ mẹ đẻ của các cháu, tôi vẫn nói chuyện với các cháu bằng tiếng Việt hàng ngày. Tôi và bố mẹ tôi không thể để cho các con cháu mình không thể nói thông thạo tiếng mẹ đẻ được. Tôi chỉ nghĩ là một người bất kỳ nào đó nếu không có khả năng tư duy và sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của anh ta thì người đó quả thực là bất hạnh.
 

- Bé Alex càng lớn càng tỏ ra rất điển trai. Đến tuổi nào, chị sẽ dạy cho con về tình yêu?

- Tôi nói chuyện với cháu hàng ngày và nói như với một người lớn. Khi cháu 9 tháng tuổi, có một lần buồn quá, tôi chẳng thể nói cùng ai, tôi ngồi ôm con khóc và rủ rỉ nói chuyện, được một lúc thì tôi thấy Alex khóc theo. Tôi không chắc là cháu hiểu, mà có lẽ giữa mẹ và con có một mối liên thông nào đó làm cho cháu cảm nhận được nỗi buồn của tôi.

Tôi sẽ không dạy cho con những thứ giáo điều, tôi chỉ mong các con mình lớn lên sẽ biết yêu thương và xúc cảm để trân trọng cuộc sống và những người đang sống xung quanh chúng. Dạy con cái biết yêu thương dù rằng có khi những gì chúng nhận được lại có khi sẽ làm chúng đau khổ và mất lòng tin có lẽ là điều khó khăn nhất của mọi ông bố bà mẹ, chỉ có những người dám yêu thương, dám sống mới có đủ năng lực nói với con mình về những điều như thế.

Chia sẻ