Hoa hậu Thu Thủy tìm lại chính mình trong "Người khác"

,
Chia sẻ

Hoa hậu Việt Nam 1994 trở thành biên kịch kiêm diễn viên chính trong bộ phim ngắn tham gia tranh giải tại Liên hoan phim Quốc tế VN lần I đang diễn ra tại Hà Nội.

Một Thu Thủy hiện đại, sành điệu chặng đầu cuộc hành trình
 
“Người khác” là câu chuyện về Thủy - một cô gái thuộc thế hệ sinh ra sau chiến tranh - đã trải qua cuộc hành trình về phía Bắc của tổ quốc. Những vùng đất với những cái tên như quen như lạ: Hà Giang, Hoàng Su Phì, Cốc Pài - Xín Mần, Yên Mình, Đồng Văn, Mã Pì Lèng… đã mang đến cho cô vô vàn điều kỳ diệu, từ Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn, rồi thửa ruộng hình trái tim trên núi đá, đến câu chuyện cảm động của bà mẹ đi bộ tìm con dâu đến 7 năm… Mỗi một nơi cô tới dường như càng làm cô phân vân hơn bởi những giá trị hoàn toàn khác biệt với nơi mà cô đang sống, những gì mà cô đang theo đuổi.
 
Ở Hà Nội, Thủy có cuộc sống đầy ắp công việc, giải trí, những đứa con để chăm lo. Nhìn từ bên ngoài, cuộc sống của Thủy nhiều màu sắc bởi những bữa tiệc, những buổi làm mẫu chụp ảnh với quần áo đẹp đẽ. Nhưng phần còn lại của cuộc đời Thủy mới chiếm nhiều suy nghĩ của cô: nỗi hoang mang đứng giữa quá khứ và hiện tại, giữa những giá trị đổi thay từng ngày, cũng như những xung đột bên trong và vẻ bề ngoài. Bố Thủy là nhà nghiên cứu ngôn ngữ học lâu năm, thời trẻ thường xuyên đi điền dã tới các khu vực người dân tộc sinh sống ở khắp nơi tại Việt Nam. Thủy cũng từng có nhiều chuyến đi tới Hà Giang, đến với những con người xa lạ mà theo Thủy là rất khác mình.

 
Đây là câu chuyện viết ra từ cuộc đời của chính Thu Thủy - một Thu Thủy khi không là Hoa hậu. “Tôi biết sự xuất hiện của tôi trong phim sẽ gây ngạc nhiên cho nhiều người bởi họ tò mò muốn biết, Hoa hậu đóng phim sẽ thế nào. Tôi muốn các bạn hãy đặt vương miện sang một bên để cùng trải nghiệm với một người phụ nữ, một người mẹ, từ Hà Giang - thế giới trong trẻo, nguyên sơ để hướng về Hà Nội - một thành phố sôi động nhưng vẫn mang trong mình những nét hoài cổ. Đây là cách kỷ niệm riêng của tôi cho Hà Nội. Nó không phải một cuộc du hí, cũng không nhằm giới thiệu văn hóa du lịch mà thông qua cuộc hành trình để chạm đến cảm xúc của mình, thông qua đó hy vọng chạm đến bản ngã của người xem” - người đẹp sinh năm 1976 chia sẻ.

Một Thu Thủy mộc mạc trên cao nguyên đá Hà Giang

Ý tưởng phim xuất phát từ câu chuyện nảy sinh trong gia đình Hoa hậu. “Cha mẹ tôi đều là nhà nghiên cứu ngôn ngữ học nhưng hai chị em tôi không theo nghề đó. Với ông, đó là điều bất hạnh. Ba năm trước, ông lên cơn nhồi máu cơ tim. 20 ngày liền tôi ở trong bệnh viện chăm sóc ông, chứng kiến những thân phận đang trên ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Khi cha tỉnh lại, ông chuyển cho tôi những tài liệu ông nghiên cứu cả đời. Điều này làm tôi rất xúc động vì cha tôi chưa bao giờ hài lòng với bất cứ những gì tôi làm, kể cả danh hiệu Hoa hậu. Tôi muốn làm điều đó cho mình để những ngày sau không còn phải phân vân, hoài nghi, để có thể truyền lại cái gì cho con như cách cha tôi đã làm” - Thu Thủy rưng rưng tâm sự.

Ban đầu, êkíp sản xuất “Người khác” tìm những biên kịch chuyên nghiệp để viết kịch bản phim nhưng không chạm được vào cảm xúc thật của Thu Thủy. Vì vậy, người phụ nữ hai con quyết định tự viết câu chuyện của mình.

“Người khác” tranh giải tại hạng mục phim ngắn nhưng được thực hiện theo tinh thần một bộ phim tài liệu, tôn trọng sự thật và không diễn. Thay vì chỉ quan sát những người dân ở cao nguyên Hà Giang trong vài tiếng đồng hồ, cả đoàn phim phải sống, ăn ở cùng họ.
 
Thu Thủy và những phụ nữ Cơ Lao Đỏ. Hoa hậu trăn trở về nguy cơ biến mất
ngôn ngữ cũng như văn hóa của dân tộc chỉ còn 30 người này.

Nói về lần đầu tiên diễn xuất, Thu Thủy bảo, chị vốn là người không tự tin vì chụp ảnh hay lên hình đều không được như ở ngoài. Vì thế, ban đầu chị lo sợ nhất là mình xấu. Khán giả sẽ thấy một Thu Thủy những ngày đầu trang điểm rất đậm, sau đó chị để mặt mộc như cách chị đã khám phá ra chân giá trị của cuộc sống. “Đó cũng là cách tôi vượt qua chính mình” - chị cho biết. Người đẹp phủ nhận những chuyện lùm xùm gần đây trên mặt báo là cách PR của chị cho bộ phim. “Tôi xem việc được Hoa hậu năm 1994 cũng giống như việc hôm qua tôi đi chợ cùng những người dân tộc. Nó có thể buồn, có thể vui nhưng là những mốc trong cuộc hành trình của mình. Tôi không đến mức tự tạo ra những scandal buồn cười để cố làm tên tuổi mình nổi hơn” - Thu Thủy khẳng định.

Mở đầu, kết thúc phim là câu nói của Thủy: “Tôi nghĩ mình là một con bướm” - với Thủy, con bướm thể hiện cho sự dịch chuyển, sự chuyển hóa mong vươn tới điều hoàn hảo, và cả sự phù phiếm, như thuộc tính của người phụ nữ.

Thu Thủy cho biết, chị và đoàn làm phim không kỳ vọng vào việc “Người khác” đoạt giải tại Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất mà chỉ hy vọng đây là cơ hội quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Hà Giang. Bộ phim dài 37 phút sẽ tranh giải với hai phim của Việt Nam là “Văn Miếu Quốc Tử Giám”, “Người thắp lửa” và hai phim nước ngoài “Faces of the Future”, “Drupadi”.
 
Theo VnExpress
Chia sẻ