Hoa hậu - Nghề được nhiều người ao ước nhất?

Liên Hoa, Ảnh: My Lan,
Chia sẻ

Năm 1988, khi khởi xướng cuộc thi Hoa hậu Báo Tiền Phong (nay là Hoa hậu Việt Nam), hẳn nhà báo Dương Kì Anh không thể ngờ được một ngày kia, cuộc chơi nhan sắc lại trở thành một nghề lắm công phu.

Là Hoa hậu cũng là "người của showbiz"

Còn nhớ ở vào thập niên 90, khi thế hệ ngôi sao màn bạc thời phim mì ăn liền dần trở thành quá vãng, làng giải trí càng trở nên khát những nhân tố mới, những cú "ép - phê" về nhan sắc, đủ để lấp chỗ trống mà Diễm Hương, Thu Hà, Ngọc Trinh để lại. Lẽ tất nhiên, các cô gái bước ra từ sân chơi nhan sắc vốn rất hiếm hoi khi ấy được trải thảm mời chào.

Một Hoa hậu Noel Trương Ngọc Ánh đầy mới lạ và khác biệt ở tuổi 16 ngay lập tức có vai diễn điện ảnh đầu tay. Một Hoa hậu Đền Hùng Giáng My với nhan sắc lộng lẫy “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” được rải hoa hồng để Nam tiến. Còn tầm cỡ Hoa hậu Báo Tiền Phong như Hà Kiều Anh thì không thể không trao vị trí vedette trong các chương trình thời trang từ nhỏ tới lớn, những sự kiện văn hóa nghệ thuật quy mô quốc gia. 

Hoa hậu - Nghề được nhiều người ao ước nhất?
Các người đẹp đoạt giải chính thức ở những sân chơi nhan sắc cứ tự nhiên đặt chân vào showbiz

Rồi bỗng trở thành thông lệ, các người đẹp đoạt giải chính thức ở những sân chơi nhan sắc sẽ tham gia hoạt động nghệ thuật (nay gọi là “đặt chân vào showbiz”). Ngoại trừ hai trường hợp Hoa hậu Việt Nam 1996 Thiên Nga và Hoa hậu Việt Nam 2002 NguyễnMai Phương, tất cả các Hoa hậu khác đều trở thành "người của showbiz". 

Nguyễn Thu Thủy khi đăng quang Hoa hậu Việt Nam 1994 đã bỏ dở việc học ở Học viện Ngoại giao vì những hấp dẫn của thế giới showbiz phù hoa, mặc sự ngăn cản từ gia đình vốn có truyền thống chữ nghĩa danh giá. Những năm sau đó, những cái tên Ngọc Khánh, Phan Thu Ngân, Nguyễn Thị Huyền, Mai Phương Thúy, Thùy Dung, Ngọc Hân, Đặng Thu Thảo, và mới đây nhất Nguyễn Cao Kì Duyên, đều trở thành người quen của showbiz Việt. 

Một lí do khác để những cô gái đội vương miện dễ dàng đặt chân vào showbiz ở giai đoạn từ cuối những năm 2000 đổ về trước là vì làng giải trí trong nước còn chưa chuyên nghiệp. Đặc biệt ở lĩnh vực thời trang. Cứ người đẹp có danh hiệu là nghiễm nhiên bước lên sàn catwalk, và nghiễm nhiên chiếm vị trí vedette. Không cần biết người đẹp đó có khả năng của một người mẫu hay không. 

Hoa hậu - Nghề được nhiều người ao ước nhất?
Trở thành một celeb tại một event có thể nói dễ dàng hơn nhiều so với việc đứng trên giày cao gót và đi lại trên sàn chữ T

Thế mới biết, cái tên của một hoa hậu có sức nặng bằng cả dàn người mẫu chuyên nghiệp cộng lại. Khi công chúng đích thực của thời trang còn chưa có thì chính nhan sắc hoa hậu mới là thứ lôi kéo giới đại gia và thượng lưu đến xem một chương trình thời trang. Tình trạng đó chỉ thay đổi chục năm nay khi các cuộc thi người mẫu nở rộ và thổi một luồng gió mới vào làng thời trang Việt bằng những người mẫu được đào tạo bài bản với những bước đi chuẩn mực.

Song, hết chỗ đứng trên sàn catwalk, người đẹp Việt lại may mắn gặp thời của event và truyền hình thực tế. Trở thành một celeb tại một event có thể nói dễ dàng hơn nhiều so với việc đứng trên giày cao gót và đi lại trên sàn chữ T. Giá catse lại vượt trội. Các người đẹp chỉ có nhiệm vụ phục sức lộng lẫy, đi lại trong bữa tiệc và chụp hình trước tấm backdrop có tên nhãn hiệu. 

Những event lại là cầu nối cho họ với các nhà sản xuất phim, các công ty quảng cáo, các thương hiệu đẳng cấp. Trong khi đó, truyền hình thực tế giúp họ duy trì và hâm nóng tên tuổi với hàng triệu khán giả đại chúng xem vô tuyến. Nói cách khác, lợi nhuận mà họ có được từ chiếc vương miện không thể đo đếm được cả về vật chất lẫn danh tiếng.

Hoa hậu - Nghề được nhiều người ao ước nhất?
Mai Phương Thúy là một trong những gương mặt nhận được nhiều hợp đồng từ các nhãn hàng kể từ sau khi đăng quang ngôi hậu

Thời... loạn nhan sắc

Năm 2007, khi một số thí sinh bị “chầu rìa” ở Hoa hậu Việt Nam 2006 tìm kiếm cơ hội ở Hoa hậu Thế giới người Việt mùa đầu tiên, nhiều người dè bỉu “thi nhan sắc mà cũng thua keo này ta bày keo khác ư”. Còn giờ, ở năm 2016, không ai dại dột giữ suy nghĩ đó trong đầu.

Sự nở rộ của các sân chơi nhan sắc từ cấp vùng đến cấp quốc gia đem tới cho các cô gái ôm giấc mộng vương miện ngày càng nhiều cơ hội. Thậm chí, giai đoạn đỉnh điểm của “thời loạn nhan sắc” từ 2008 - 2010, có những sân chơi mà 1/4 thí sinh vào chung kết đều là người quen mặt, bởi đã chinh chiến quá nhiều nơi.

Ở khía cạnh tích cực, việc tham gia nhiều cuộc thi giúp các cô gái tích lũy kinh nghiệm, rèn giũa kĩ năng và trau dồi phẩm chất để tiếp tục chiến đấu để (biết đâu) chiến thắng. Và thực tế đã có nhiều người đẹp thành công khi chịu khó “cày cuốc” từ cuộc thi này sang cuộc thi khác.

Hoa hậu - Nghề được nhiều người ao ước nhất?
Con đường chinh chiến đấu trường nhan sắc của Phạm Hương không kém phần gian nan và lao đao

Người đẹp Hương Giang tham gia Hoa hậu Việt Nam 2004, năm mà Nguyễn Thị Huyền đăng quang, và ra về tay trắng. Không ai biết cô là ai. Năm 2005, cô lại dự thi Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh nhưng cũng không có kết quả gì. Năm 2006, cô quay trở lại “đấu trường” Hoa hậu Việt Nam 2006 nhưng chỉ lọt top 10. Chiều cao của Mai Phương Thúy đã làm lu mờ mọi cô gái khác ở sân chơi. Hương Giang chỉ thực sự được biết tới khi được cựu người mẫu Thúy Hạnh liên tục “o bế”. Hương Giang dự thi Hoa hậu châu Á, Hoa hậu Việt Nam toàn cầu, và sau đó được cử đi thi Hoa hậu Thế giới 2009.

Cũng phải nói thêm rằng, thời điểm Hương Giang lên đường đi thi Hoa hậu Thế giới 2009, truyền thông im hơi lặng tiếng và chẳng ai mong chờ gì. Lúc đó Hương Giang chưa có tên tuổi. Chỉ đến khi cô gái Hải Dương làm nên kì tích tại đấu trường danh giá này, hào quang mới tỏa sáng trên đầu cô. Hương Giang từng chia sẻ thẳng thắn, cuộc thi Hoa hậu Thế giới đã tạo ra bước ngoặt trong cuộc sống của mình. Trong đó, đáng kể nhất là catse của Hương Giang tăng vọt lên tương đương với những ngôi sao hạng A của showbiz.

“Trong hai năm, nếu không có nguồn thu từ các hoạt động quảng cáo thì nói thật, Thúy khó có thể thực hiện được những công việc đã làm” - Hoa hậu Việt Nam 2006 Mai Phương Thúy.


Cũng không thể không nhắc tới đương kim Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam Phạm Hương. Con đường chinh chiến đấu trường nhan sắc của Phạm Hương lao đao và kì công hơn Hương Giang nhiều lần. Xuất phát điểm không có ngoại hình nổi trội nhưng lại mang một tham vọng quá lớn, Phạm Hương không từ bỏ bất kì một cơ hội nào để có thể đến gần hơn chiếc vương miện cao quý. Cô tham dự từ Vietnam Next Top Model, F-Idol đến Nữ hoàng trang sức, Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Thể thao quốc tế và cuối cùng mới bước được lên đài vinh quang của Hoa hậu Hoàn vũ. 

Nghề… hoa hậu?!
Từ một người mẫu nghiệp dư vô danh, Phạm Hương trở thành một ngôi sao của showbiz, không thua kém gì Hồ Ngọc Hà về sức hút mặc dù đi sau rất lâu. 

Dĩ nhiên, từ một người mẫu nghiệp dư vô danh, Phạm Hương trở thành một ngôi sao của showbiz, không thua kém gì Hồ Ngọc Hà về sức hút mặc dù đi sau rất lâu. Thu nhập có được từ chiếc vương miện của Phạm Hương đủ để cô tự tin “tôi không cần đại gia”. Và nếu xét trên phương diện thu nhập và tần suất hoạt động để kết luận về công việc, thì chắc chắn, nghề của Phạm Hương là nghề... Hoa hậu, chứ không phải giảng viên của trường nghệ thuật như trong profile dự thi của cô.

Và cũng dĩ nhiên, để có được thành công trên con đường làm nghề hoa hậu đó, những người đẹp không chỉ có ý chí mà còn phải có cả một trái tim lạnh, dửng dưng trước những thị phi phán xét của công chúng, sẵn sàng chấp nhận thất bại, và luôn ngẩng cao đầu “nhẵn mặt thì đã sao”. 

Không có tài thì... thi nhan sắc

Phạm Hương và Hương Giang là những ví dụ tiêu biểu cho những người đẹp không ngừng mài giũa tài lẫn sắc để lên đến đỉnh vinh quang. Nếu Hương Giang không thành công ở Hoa hậu Thế giới, cô chắc sẽ vẫn là một người mẫu sáng giá hay một chuyên gia truyền thông thành đạt. Tương tự, Phạm Hương chắc chắn sẽ vẫn thành công với nghiệp người mẫu bằng những bước catwalk mạnh mẽ đầy cá tính. 

Hoa hậu - Nghề được nhiều người ao ước nhất?
Không chỉ có danh tiếng, chiếc vương miện còn đem lại thu nhập cho các người đẹp

Nhưng không phải người đẹp nào có sắc và cũng có tài như hai cô. Thế nên, họ đành phải... đi thi hoa hậu, thậm chí bất chấp tất cả để thi chui, mặc kệ bị phạt, bị “bêu tên”. Nếu như không phải vì họ muốn đặt chân vào showbiz - nhưng ngặt nỗi không biết hát, không biết diễn xuất, cũng không biết catwalk, nói chung là không có tài năng nghệ thuật  - nên cứ phải đi thi hoa hậu, thì là vì lí do gì?

Một ông bầu chân dài có tiếng tại TP.HCM thẳng thắn: “Rèn luyện để đi thi hoa hậu cũng cực nhọc. Nhưng không cực như phải cày cuốc từng show diễn nhỏ nhất, ở những tỉnh sâu xa nhất, học hành chăm chỉ, mà rồi cũng chưa chắc đã nổi tiếng. Trong khi, chỉ cần có danh hiệu ở cuộc thi nhan sắc, sân chơi quốc tế thì càng tốt, thì nổi tiếng chỉ trong một đêm”.

Cũng theo ông bầu này, trước đây người ta lo ngại thay cho các người đẹp sẽ đứng chân được bao lâu trong showbiz nếu chỉ có sắc mà thiếu hương, “có danh hiệu mà không có danh giá”, thì nay nỗi lo đó là thừa thãi. “Showbiz Việt đã chứng minh không ít cô gái đứng chân rất lâu, và thậm chí rất đường hoàng chỉ bằng nhan sắc. Bởi lẽ có nhan sắc thì có tiền. Có tiền thì có vai diễn khó gì. Mà không biết đóng phim sẽ làm nhà sản xuất phim, rồi tự nhận cho mình một vai chính, vậy là thành nghệ sĩ một cách danh chính ngôn thuận”.

Nếu thực vậy, nghề hoa hậu xem ra không phải nghề chơi. Và việc các người đẹp mải mê chinh chiến, quyết giành được sự thừa nhận mình đẹp bằng một dải băng đeo chéo qua người không phải là chuyện để cợt đùa!
Chia sẻ