Hoa hậu Doanh nhân: Không cần đổi đời, chỉ cần danh xưng để phục vụ nghề chính
Chỉ tính riêng trong năm 2022, đã có ít nhất 5 cuộc thi mang tên “Hoa hậu Doanh nhân”, chưa kể các cuộc thi nhỏ lẻ với tính chất tương tự. Tuy nhiên, để khán giả nhớ mặt chỉ tên hay có ấn tượng lớn về cuộc thi hay những người bước ra từ các cuộc thi đó lại là điều ít thấy.
Nhiều Hoa hậu Doanh nhân xuất hiện nhưng nghe tên “lạ hoắc”
Với những khán giả theo dõi thị trường sắc đẹp Việt Nam, năm 2022 quả thực là một năm bùng nổ khi có hàng chục cuộc thi diễn ra và vô vàn các Hoa hậu, Á hậu, Hoa khôi, người đẹp được trao tặng danh hiệu.
Chỉ tính riêng các cuộc thi Hoa hậu có yếu tố “doanh nhân” trong tên gọi cũng đã khá nhiều:
Tháng 7/2022, Hoàng Song Hà đăng quang Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam toàn cầu - sân chơi sắc đẹp chuyên nghiệp dành cho các nữ doanh nhân. Đương kim Hoa hậu của cuộc thi sở hữu sự nghiệp khá “đồ sộ” khi đang là Tổng giám đốc một công ty dược phẩm và đồng thời là nhà sáng lập của sàn thương mại điện tử chuyên kinh doanh hàng hiệu.
Cũng trong tháng đó, cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam 2022 tìm ra người chiến thắng là nữ doanh nhân Mạc Thị Minh - người sở hữu công ty đa ngành nghề kinh doanh như bất động sản, đồ gia dụng, du lịch nghỉ dưỡng, thủ công mỹ nghệ, nông sản sạch, kiến trúc xanh… có trụ sở tại Hà Nội và hơn 10 văn phòng tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Các Hoa hậu Doanh nhân đăng quang trong năm 2022
Tháng 10/2022, CEO Trần Diễm My đăng quang Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam quốc tế. Cô từng có thời gian kinh doanh, làm việc cho các công ty ở Washington DC (Mỹ), sau đó về nước nối nghiệp gia đình làm kinh doanh, sáng lập và điều hành tập đoàn đầu tư giáo dục.
Cuối năm 2022, Đỗ Thị Quỳnh - giám đốc một công ty chuyên cung ứng dược phẩm - thực phẩm chức năng đăng quang Hoa hậu Doanh nhân Châu Á Việt Nam.
Và chưa kể các cuộc thi nhỏ lẻ với tính chất tương tự…
So với những cuộc thi Hoa hậu thông thường, các cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân được tổ chức với quy mô nhỏ hơn, không giới hạn độ tuổi của thí sinh, tầm ảnh hưởng về mặt truyền thông cũng không nhiều. Có những cuộc thi đã diễn ra một vài lần nhưng khán giả không biết tới, từ quá trình tổ chức cho đến khi xuất hiện Tân Hoa hậu hoàn toàn mờ nhạt. Ngay cả cuộc thi sở hữu cái tên quen thuộc như “Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam” cũng chưa đủ “sức nóng” để khán giả nhớ mặt người đăng quang cuộc thi này, hoặc phải theo dõi hoạt động của họ như những cô Hoa hậu bước ra từ các cuộc thi quốc dân.
Danh xưng chỉ để phục vụ nghề chính
Ồ ạt các cuộc thi Hoa hậu được tổ chức nhưng không đi kèm với sự đầu tư về chất lượng, dẫn đến tình trạng có nhiều bê bối xoay quanh ban tổ chức lẫn thí sinh. Nổi cộm nhất là những ồn ào mua giải và “thi chui”.
Gần đây nhất, Á hậu 3 Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu 2022 tố ban tổ chức đã nhận của mình 800 triệu đồng, cho câu hỏi ứng xử và đáp án để học thuộc trước. Ngoài ra, một số thí sinh bị ban tổ chức thay đổi thông tin từ “trưởng phòng” thành “giám đốc” dù chưa có sự đồng ý. Sau cuộc thi, những hứa hẹn về việc lan tỏa hình ảnh cho Hoa - Á hậu cũng không được ban tổ chức thực hiện.
Thậm chí, có những trường hợp chính người đăng quang của cuộc thi quay sang tố ban tổ chức mua bán giải. Ví dụ như Hoa hậu Doanh nhân Sắc đẹp Việt năm 2020 chỉ sau vài ngày đăng quang đã tiết lộ mình và nhiều thí sinh chi hàng trăm đến tiền tỷ để có được giải thưởng. Mỗi thí sinh tham dự cuộc thi đều phải đóng 18 triệu đồng chi phí đăng ký và đóng thêm tùy danh hiệu muốn có, ai muốn lấy giải nào cũng được nhưng mức giá có thể dao động.
Và cũng chính cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Sắc đẹp Việt này đã bị phạt 90 triệu đồng vì tổ chức “thi chui”, không có giấy phép.
Người ta thường nói, các cô gái đi thi Hoa hậu để tìm kiếm cơ hội “đổi đời”, để bước chân vào showbiz hào quang. Nhưng với các Hoa hậu Doanh nhân, mục đích tham gia một cuộc thi Hoa hậu, thậm chí đầu tư vào chính cuộc thi đó không hẳn là để có tiền, có công việc thu nhập cao mà cái họ cần là một danh hiệu để “nâng cấp” danh tiếng cá nhân, phục vụ cho công việc chính là kinh doanh được thuận lợi hơn.
Trước khi diễn ra các cuộc thi, ban tổ chức luôn đưa ra những mục tiêu, sứ mệnh to lớn với cộng đồng. Nhưng với phạm vi ảnh hưởng nhỏ, không có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, xã hội thì hầu như sau khi một nữ doanh nhân nào đó đoạt được vương miện, họ vẫn sẽ tiếp tục quay trở lại với công việc kinh doanh của cá nhân thay vì tạo ra những giá trị tốt đẹp cho xã hội.