Hôn nhân của hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa kéo dài hơn 10 năm hạnh phúc. Maneesh- người đàn ông đến từ Ấn Độ đã khiến hoa hậu yêu ngay từ những cái nhìn đầu tiên. Hai người đến từ hai đất nước với hai nền văn hoá khác nhau đã quyết định đi đến hôn nhân. Và để gìn giữ hạnh phúc suốt hơn 10 năm, chắc chắn, họ phải tìm cách dung hoà, sẻ chia những nét riêng trong cuộc sống chung.
“Ngày mới yêu nhau, tôi có sang Ấn Độ với Maneesh và dự Tết lớn nhất trong năm của người Hindu cùng gia đình anh (gia đình Maneesh là người Hindu). Người ta gọi đó là Lễ hội Ánh sáng (Lễ hội Diwali). Lễ hội diễn ra theo lịch âm của người Hindu, thường rơi vào cuối tháng 10- đầu tháng 11 theo lịch dương của chúng ta.
Vào ngày mùng 1 Tết của Lễ hội Ánh sáng, gia đình người Ấn cũng kiêng quét nhà, với quan niệm, như thế sẽ “quét” luôn cả may mắn đi. Hồi ấy, sang Ấn tôi chưa biết, vào ngày mùng 1, tôi mang chổi ra quét nhà để dọn dẹp, nhưng mẹ anh Maneesh đã nói “Tết của người Hindu kiêng quét nhà vào ngày mùng 1”, tôi hết sức ngạc nhiên và ồ lên rằng, phong tục này rất giống với Tết cổ truyền của người Việt”- Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa kể.
“Vào những ngày diễn ra Lễ hội Ánh sáng, gia đình của người Hindu cũng quây quần, sum họp bên nhau giống như người Việt mình mong ngóng đoàn viên vào ngày Tết Nguyên Đán vậy. Họ cũng đi thăm họ hàng, thăm bạn bè, gửi tới nhau những lời chúc năm mới. Vào những ngày Lễ hội Ánh sáng, người Hindu cũng gửi tới nhau những món quà mừng, giống như chúng ta tặng lì-xì cho nhau.
Có một điều khác biệt đó là, người Việt chúng ta không còn đốt pháo mừng năm mới, nhưng người Ấn độ vẫn đốt pháo. Những ngày diễn ra Lễ hội Ánh sáng, khắp nhà, khắp phố, khắp đường của người Ấn độ nổ ran tiếng pháo. Người Ấn độ quan niệm, họ đốt pháo để đón thần Ánh sáng về, thần sẽ đem đến may mắn cho mọi nhà, mọi người.
Những ngày dự Lễ hội Ánh sáng ở Ấn độ, tôi rất nhớ Tết cổ truyền của Việt Nam, nhớ cả tiếng pháo, nhớ không khí đoàn viên, sum họp… Người Ấn cũng làm những loại bánh truyền thống vào ngày Tết. Họ có hai loại bánh mặn, ngọt cho Tết, đó là bánh Chakli và bánh Ladoo. Người Ấn thường hay ăn chay, bánh truyền thống của họ giống như bánh đậu xanh của chúng ta. Và cả nhà quây quần cùng nhau làm bánh vào dịp Tết”.
Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa ấn tượng với Tết của Ấn Độ qua những nét tương đồng với văn hoá người Việt. Mỗi năm, gia đình chị về Ấn độ một lần, và cố gắng thu xếp để có thể về dự Lễ hội ánh sáng cùng gia đình Maneesh. Cách đây nhiều năm, bố mẹ Maneesh từng sang Việt Nam ăn Tết, và họ đặc biệt thích món ném rán. Họ khen các món ăn của Việt Nam rất ngon, và món bánh chưng cổ truyền thật đặc biệt.
Năm nay, hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa chuẩn bị Tết từ rất sớm. Maneesh đến giờ đã quen với không khí Tết cổ truyền như một người Việt thực thụ. Anh mê những món ăn vợ nấu. Gia đình hoa hậu cúng Táo quân, 23 Tết âm lịch đưa ông Táo về chầu trời, chị chuẩn bị những món ăn cả nhà yêu thích cho bữa ăn ngày cuối năm. Sau đó, cả gia đình trang trí nhà cửa. Maneesh ra phố mua một cây mai vàng về trưng…
Không khí Tết về rộn rã. Gia đình hoa hậu đón Tết sớm để chuẩn bị đi du lịch Australia- New Zealand vào ngày 28 Tết. “Cuối năm tôi muốn cả nhà đi du lịch để tinh thần sảng khoái bước vào một năm mới nhiều bận rộn mới. Bố mẹ tôi sẽ đi cùng cả gia đình. Tôi muốn Tết năm nay sẽ đặc biệt một chút với cả nhà”- Hoa hậu cho biết.
Theo Dân trí