Hoa hậu biển Hoàng Nhật Mai muốn... làm đàn ông
Những lúc quá mệt mỏi với cuộc sống đời thường và “núi” công việc, Hoa hậu biển Hoàng Nhật Mai tâm sự, chị muốn tạm chuyển giới thành đàn ông để mong mình mạnh mẽ hơn.
Năm 1999, Hoàng Nhật Mai trở thành hoa hậu biển và năm sau đó cô lọt vào top 10 cô gái đẹp nhất của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Tham gia hai bộ phim truyện như một kỷ niệm, Hoàng Nhật Mai lặng lẽ rời bỏ nghệ thuật để đầu quân về báo Vietnamnet làm phóng viên.
Hiện tại, người mẹ của hai con nhỏ này đang làm một công việc nặng nhọc hơn nhiều, kiến tạo một kênh truyền hình công nghệ HD của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC. Chị tâm sự, những lúc quá mệt mỏi, chị muốn tạm chuyển giới thành đàn ông để mong mình mạnh mẽ hơn. Nhưng nghề báo là lựa chọn và chị đã yêu nó suốt 10 năm trời, chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ từ bỏ...
Rời bỏ báo mạng chị đi làm báo hình. Vì chị hết hứng thú? Vì bất bình với cách ứng xử của cơ quan cũ? Hay vì muốn chinh phục một đỉnh cao mới?
Cả ba đều không phải là lý do. Trong gia đình nhỏ bé của mình, tôi là trụ cột. Gánh nặng trên vai và những áp lực trong cuộc sống cho tôi động lực để thay đổi. Không dễ dàng gì từ bỏ môi trường và những thói quen mà mình đã gắn bó tròn 10 năm. Nhưng may mắn, tôi vẫn được sống với niềm đam mê của mình, dù ở một loại hình khác.
Truyền hình là thứ tưởng dễ làm mà rất khó hay. Chị có nghĩ thế?
Tôi được giao xây dựng và phát triển một kênh truyền hình công nghệ HD thuộc Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC. Nếu mọi áp lực của tôi với các trang báo mạng là 10 thì ở công việc mới, nó là 100. Đúng là chỉ hình dung áp lực, tôi đã nhận thấy nó quá sức mình! Nhưng không phải mình tôi nhận áp lực đó - tôi đã được san sẻ nhiều phần.
Kênh truyền hình của chị định vị khán giả chính là đối tượng nào? Và chị có “thực đơn” gì khiến họ luôn nhớ tới?
Việc kiến tạo một kênh truyền hình, xây dựng cả từng hạng mục công việc cho nó, giống như người xây nhà và phải tự tay đi nhặt từng viên gạch. Chị có thấy, việc này để đàn ông làm sẽ tốt hơn?
Việc gì cũng vậy, nếu qua được giai đoạn khó khăn nhất ban đầu nghĩa là sẽ qua được nhiều thử thách tiếp nối. Đàn ông hay đàn bà cũng đều có khối óc và đôi bàn tay. Và nếu được tìm một lý do nào đó để động viên mình lúc này, tôi không mong được một người đàn ông làm giúp, mà mong trong lúc “đào móng” - mình tạm chuyển giới thành đàn ông!
Phụ nữ làm báo vất vả hơn nam giới, điều đó cả thế giới công nhận rồi. Bản thân chị, có vẻ như không thấy thế, bằng chứng là chị luôn tất bật làm việc mà không bao giờ than mệt mỏi?
Khi mệt mỏi, được than vãn và chia sẻ sẽ giảm stress đi rất nhiều. Nhưng có những khi, tôi hiểu rằng việc mình cần làm là gây dựng lòng tin và không làm nao núng tinh thần của tập thể - những người đang đặt hy vọng ở mình. Và có thể kết quả chưa được như mong muốn, nhưng nó thể hiện rằng bản thân tôi đã cố gắng hết sức. Nếu hôm nay tôi làm chưa tốt, tôi sẽ sửa và chắc chắn ngày mai việc đó sẽ tốt hơn. Tôi không bao giờ để lỗi nào đó bị mắc lần thứ hai. Và tôi sẽ bứt rứt không yên nếu có quá nhiều việc đang chờ mà mình chưa hoàn thiện. Điều đó dẫn đến việc, tôi than rất nhiều - nhưng chỉ mình tôi nghe thấy.
Dân làm báo hay đùa, phụ nữ làm báo khó lòng mà giữ chồng, thường thì chồng phải giữ họ, vì họ có quá nhiều cơ hội tiếp xúc và họ có đủ trí thông minh để biết cách... tấn công đối tượng nếu họ muốn. Bản thân chị thấy điều này thế nào?
Chị là một phụ nữ đẹp. Chị cũng phải chăm lo cho hai con nhỏ nữa và chị lại làm công việc cần quá nhiều thời gian mỗi ngày. Người ta không hình dung được, chị sẽ dành thời gian nào cho riêng mình?
Thú thật, tôi cũng đang tự hỏi mình câu hỏi đó!
Chị có cảm thấy có lỗi với các con khi mình quá bận bịu? Và chị bù đắp cho con thế nào?
Tất cả những gì tôi đang cố gắng làm là để bù đắp cho các con. Và mỗi phút giây được ở gần con sau một ngày làm việc mệt mỏi là lúc tôi bù đắp cho mình.
Nhật Mai và hai con gái: Thái An, Thái Uyên
Hoa hậu Thu Thủy có nói rằng, chị ấy chỉ có lúc trong phòng tắm đọc sách là thời gian thực sự cho riêng mình thôi. Chị có thấy rằng, phụ nữ mà làm lãnh đạo thì sẽ càng khó khăn để được sống theo ý mình?
Chị làm báo cũng khá lâu năm, chị thấy các nhà báo nữ Việt Nam có điều gì đặc biệt? Và chị có thấy, nếu làm báo thì phải chấp nhận hy sinh một số thứ, cuộc đời xô lệch đi nhiều thứ?
Về nghề, phụ nữ làm báo hay phải di chuyển và bị động về mặt thời gian. Về tính cách, có vẻ như phụ nữ làm báo nhạy cảm hơn những người phụ nữ của các công việc khác. Với thói quen giải quyết thông tin (hoặc cảm nhận) theo nhu cầu cần biết đủ 5W (what, where, when, who, why) và 1H: (how), nên thay vì bỏ qua những điều mình chưa biết, họ lại bị tâm lý phải rạch ròi chi phối. Sự ảnh hưởng giữa thói quen nghề nghiệp và cuộc sống đôi khi mâu thuẫn. Vì vậy, gọi sự xô lệch là hy sinh cũng đúng, hoặc gọi sự hy sinh là xô lệch cũng chẳng sai!
Chị mong gì vào lúc này? Và chị có dự định gì cho riêng bản thân mình?
Tôi mong sớm trải qua giai đoạn “đào móng” và kiến tạo nên một ngôi nhà vững chãi - theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, trong cả cuộc sống và công việc. Cho riêng bản thân mình, tôi không mong chờ gì, chỉ cố giữ cho tâm mình vững và hạn chế mọi sự xô lệch.
Theo Phụ nữ Ngày nay