Hóa đơn tiền điện cao bất thường: Khó khăn chồng chất, thu nhập bấp bênh, nhu cầu sinh hoạt tăng do cách ly xã hội, người dân mong muốn nhận được hỗ trợ
Hoá đơn tiền điện tăng cao, có những hộ gia đình ngỡ ngàng nhận được số tiền thông báo gấp đôi những tháng trước đó.
Thực hiện chỉ thị cách ly toàn xã hội của Thủ tướng Chính phủ, người người nhà nhà đều hạn chế tối đa việc ra ngoài nếu không thực sự có việc cần thiết. Việc giãn cách xã hội sẽ giảm thiểu đến mức tối đa sự lây lan của bệnh dịch, giúp khoanh vùng và xác định sớm những người, những vùng nghi nhiễm.
Ở góc độ gia đình, đó là những câu chuyện thường nhật hiếm khi xảy ra khi cả nhà cùng ở cạnh nhau trong thời gian dài. Nếu muốn cuộc sống sinh hoạt không quá đảo lộn, việc có đủ nguồn tích trữ về kinh tế - tài chính, lương thực thực phẩm là điều vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, việc chi trả cho các nhu cầu ăn, mặc, ở vẫn cần được đáp ứng.
Vì ảnh hưởng của dịch bệnh, khi mọi người mọi nhà hạn chế ra đường và "ai ở chỗ nào ở yên chỗ đó" thì nhu cầu sử dụng điện tăng lên đáng kể. Thay vì mọi thành viên trong gia đình đi vắng cả ngày thì nay, ngày nào cũng là dịp sum họp tại gia. Con trẻ được nghỉ học, bố mẹ làm việc online từ nhà. Thế nên, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện có công suất lớn hơn hẳn ngày thường. Chính vì vậy, nhiều hộ gia đình nhận được thông báo tiền điện tháng này cao đến bất ngờ.
Tại gia đình anh Đình La (Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội), ngày thường hai vợ chồng đến cơ sở kinh doanh để quản lí, hai con nhỏ đi học. Tuy nhiên, trong suốt tháng 3, hoạt động buôn bán phải ngưng trệ vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Hệ thống các trang thiết bị tiện nghi: bình nóng lạnh, điều hòa, tủ lạnh,… phải làm việc nhiều hơn.
Hóa đơn tiền điện trung bình mỗi tháng dao động khoảng 300.000 đồng đến 350.000 đồng. Tuy nhiên, đầu tháng 4, anh La nhận được thông báo của công ty Điện lực Thanh Xuân rằng hóa đơn tiền điện lên đến 543.000 đồng. Theo đó, số điện mọi tháng chỉ khoảng hơn 180 kW thì nay lên đến 248 kW, tăng 37%. Anh chia sẻ: "Hôm tới đi nộp tiền điện, tôi sẽ thử đề xuất xem có thể giảm bớt chút nào hay không. Dịch bệnh nên khó khăn chung, nhà nào cũng ảnh hưởng ít nhiều".
Không ít gia đình rơi vào trường hợp tương tự gia đình anh La, hoạt động kinh doanh buôn bán bị đình trệ để đảm bảo các biện pháp chống dịch dẫn đến việc nhu cầu sử dụng điện tại gia tăng cao. Tuy nhiên, dừng kinh doanh đồng nghĩa với việc họ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc chi trả chi phí điện, nhất là khi chi phí này có xu hướng tăng cao.
"Do trong nhà có nhiều tiện nghi sử dụng điện, mọi người ở nhà dài ngày nên lượng tiêu thụ điện tăng cao cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu được giảm thiểu ít nào thì chúng tôi vẫn đỡ được khoản ấy".
Bên cạnh đó, nguyên nhân về thời tiết cũng là yếu tố được chú ý. Tại các địa phương có sự thay đổi về thời tiết trong thời gian tháng 3 – 4 trong năm, nhất là các tỉnh thành phía Bắc, có những ngày trời chuyển nắng nóng nên phải dùng đến các thiết bị làm mát như điều hòa, quạt điều hòa. Đây vốn là các thiết bị được xếp vào hàng tiêu tốn nhiều điện.
Gia đình chị P. trú tại Nghĩa Tân - Cầu Giấy cũng bất ngờ khi nhận được hoá đơn với số tiền gấp đôi so với 4 tháng gần nhất.
"Không thể phủ nhận việc phát sinh nhu cầu sử dụng khi con mình được nghỉ học và bản thân mình cũng "work from home", tuy nhiên cũng giật mình khi nhận thông báo tiền điện. Thu nhập dĩ nhiên có ảnh hưởng vì đây là ảnh hưởng chung, mình cũng gặp không ít khó khăn khi "thu" thì giảm mạnh mà "chi" thì lại tăng cao".
Mặc dù cũng giống như những chi phí khác, các hộ gia đình đã có những biện pháp tiết kiệm điện nhất có thể nhưng cũng không thể tránh khỏi việc phát sinh như hiện nay. Người dân, nhất là những gia đình có thu nhập không cao đang gặp nhiều khó khăn để duy trì sinh hoạt hằng ngày.