Hộ chiếu vaccine – Tấm giấy thông hành vượt đại dịch?
Hơn 2,6 triệu người thiệt mạng. Tròn 1 năm chung sống với COVID-19, đã xuất hiện hy vọng nhờ chiến dịch tiêm vaccine đang được triển khai ở nhiều nơi trên thế giới.
Nhiều nước phụ thuộc vào du lịch đã tính tới chuyện đón khách trở lại trong mùa hè. Một chứng nhận đã tiêm vaccine như tấm giấy thông hành vượt đại dịch. Một số nước đã áp dụng, nhưng liệu kế hoạch này khả thi như thế nào trên toàn thế giới?
Các nước thúc đẩy triển khai Hộ chiếu vaccine
Giấy chứng nhận tiêm chủng kỹ thuật số vừa được Trung Quốc áp dụng. Bên cạnh hình thức số hóa, loại chứng nhận này cũng được cấp dưới bản cứng và được cho là hình thức Hộ chiếu vaccine đầu tiên được triển khai trên thế giới.
Ông Triệu Lập Kiên - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: "Trung Quốc đã quảng bá phiên bản chứng nhận sức khỏe quốc tế cho các quốc gia, tổ chức quốc tế liên quan. Hiện tại, nhiều quốc gia đã bày tỏ sự sẵn sàng công nhận lẫn nhau chứng nhận này. Trung Quốc sẵn sàng thiết lập cơ chế công nhận lẫn nhau dựa trên tham vấn giữa các bên để tạo thuận lợi cho người dân đi lại, tích cực thúc đẩy văn hóa di chuyển của người dân".
Trước Trung Quốc, nhiều nước cũng đã triển khai các mô hình tương tự. Tại châu Á, Israel là quốc gia đi đầu khi áp dụng Thẻ thông hành xanh để ưu tiên dịch vụ cho những người đã tiêm chủng sau khi bắt đầu mở cửa trở lại. Một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia cũng đã lên kế hoạch áp dụng giấy chứng nhận tiêm chủng để thúc đẩy du lịch.
Israel là quốc gia đi đầu khi áp dụng Thẻ thông hành xanh. Nguồn: VTV.vn
Theo Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu: "Những ai có Giấy thông hành xanh có thể đi đến phòng gym, rạp chiếu phim và sớm thôi, có thể đi đến các nhà hàng, đi du lịch. Khi hoàn tất, Giấy thông hành xanh thực thụ đóng vai trò như một chiếc khẩu trang, chiếc thẻ, một loại vaccine phòng ngừa".
Nhiều nước châu Âu cũng đẩy mạnh kế hoạch triển khai Hộ chiếu vaccine khi đây là khu vực có tỷ lệ người được chủng ngừa COVID-19 nhiều nhất. Iceland đã phát hành chứng nhận tiêm chủng cho người dân. Hungary thì yêu cầu người nhập cảnh phải có chứng nhận đã chủng ngừa. Tây Ban Nha, Bỉ, Hy Lạp cũng ủng hộ ý tưởng về Hộ chiếu vaccine. Trong khi Liên minh châu Âu thì lên kế hoạch thảo luận về Giấy thông hành xanh kỹ thuật số ngay trong tháng 3 này. Còn Anh, dù chưa có kế hoạch phát hành hộ chiếu vaccine cho công dân, nhưng sẵn sàng hỗ trợ khi nước khác yêu cầu.
Ông Nadhim zahawi - Bộ trưởng phụ trách vấn đề vaccine của Anh chia sẻ: "Trên phạm vi quốc tế, nếu các nước khác yêu cầu phải có giấy chứng nhận vaccine thì chúng tôi cũng sẽ tạo điều kiện. Tôi cho rằng điều đó là đúng. Điều này cũng giống như khi đi du lịch thì ở một số nước nhất định phải có giấy chứng nhận tiêm phòng sốt vàng da".
Trong khi đó, tại Mỹ, các công ty công nghệ đã phối hợp cùng các cơ sở chăm sóc sức khỏe tham gia dự án "Sáng kiến Giấy chứng nhận tiêm vaccine" nhằm phát triển một loại hồ sơ điện tử cho những người đã chủng ngừa COVID-19. Trước đó, những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cũng nhận được 1 thẻ hoặc giấy chứng nhận đã chủng ngừa.
Bất bình đẳng trong phân phối vaccine chưa dễ giải quyết
Những lo ngại của Tổ chức Y tế thế giới WHO là có thể hiểu được. Bởi chúng ta cần đảm bảo rằng, hộ chiếu vaccine là cơ hội mở cửa xã hội chứ không phải là vấn đề làm trầm trọng thêm bất bình đẳng. Việc phát hành hộ chiếu vaccine có liên quan chặt chẽ với chiến dịch tiêm vaccine.
Một y tá ở Bangkok chuẩn bị vaccine COVID-19 của hãng Sinovac Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã
Theo WHO, kể từ mũi tiêm vaccine COVID-19 đầu tiên vào đầu tháng 12 năm ngoái, hơn 300 triệu liều vaccine đã được phân bổ và tiêm tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Nhưng việc tiếp cận vaccine rất không công bằng. Hơn 80% số lượng vaccine đã được dùng chỉ tại 10 quốc gia.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng: "Cho tới hết năm 2021, vaccine COVID-19 vẫn là nguồn tài nguyên hạn chế".
Philippines bỏ lệnh cấm nhân viên y tế sang nước ngoài, sẵn sàng cho y tá và bác sỹ phục vụ công tác phòng chống dịch ở Anh hay Đức, nếu các nước này đồng ý ủng hộ vaccine ngược lại cho Philippines. Italy điều tra về vụ những công ty trung gian tuồn bán vaccine ngoài thị trường chợ đen. Bộ trưởng Y tế Argentina từ chức vì liên quan tới bê bối "chen hàng", sử dụng ảnh hưởng để cho người thân, bạn bè được tiêm trước vaccine. Thiếu hụt nguồn cung vaccine đang trầm trọng hơn và không khó để thấy danh sách ưu tiên cho vaccine không hề công bằng ở mọi cấp độ.
Những nước thu nhập cao, chiếm 16% dân số thế giới, đã đặt trước 70% lượng vaccine toàn cầu của năm 2021. Mỹ đã mua tới 1,2 tỷ liều, đủ tiêm cho 2 lần dân số. Canada mua đủ để tiêm cho 5 lần dân số. EU, Anh cũng có đủ để tiêm đi tiêm lại vài lần cho người dân của mình. Các quốc gia ở Bắc bán cầu, châu Mỹ và Australia chậm nhất thì tới cuối năm sau sẽ có toàn dân được tiêm chủng. Trong khi đó, mốc thời gian kỳ vọng của châu Phi và một số quốc gia ở Nam Á, Đông Nam Á thì tới tận 2023, thậm chí là 2024.
"Các nước giàu nên tôn trọng cơ chế COVAX, công bằng vaccine cho tất cả các quốc gia. Không phải vì đây là từ thiện, mà đây là vấn đề dịch tễ học", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus khuyến nghị.
Nhưng cũng chính những quốc gia phát triển hiện vẫn từ chối đề xuất của các quốc gia đang phát triển quyền được tiếp cận với công nghệ sản xuất vaccine sớm hơn, hiệu quả hơn. Làm thế nào để các nước nghèo có thể đủ vaccine để tiêm cho người dân vẫn là câu hỏi để ngỏ.
Lo ngại về Hộ chiếu vaccine
Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirankul giữa) cho biết những du khách chưa tiêm phòng nhưng có chứng nhận âm tính nCoV sẽ cách ly bắt buộc trong 10 ngày. Ảnh: Thaiger/Facebook
Bất chấp việc một số quốc gia đã ban hành Giấy chứng nhận, hay Hộ chiếu vaccine, một câu hỏi vẫn được đặt ra là liệu đến bao giờ mới có thể triển khai trên toàn thế giới. Có một số liệu được ĐH danh tiếng Oxford đưa ra, bà Melinda Mills, Giám đốc Trung tâm Nhân khẩu học tại Đại học Oxford cho rằng, để không tạo ra bất bình đẳng, trước khi triển khai Hộ chiếu vaccine, cần có lượng lớn dân số cần được tiêm chủng và tiếp cận với vaccine. Với châu Âu thì cần tiêm chủng cho 70% dân số khi hết mùa hè. Trong khi bây giờ, mới chỉ có 6% dân số châu Âu được tiêm phòng, ngoài ra còn nhiều bất cập khác.
Lo ngại về bảo mật, xâm phạm tự do cá nhân là những ý kiến trái chiều đầu tiên được đưa ra khi các nước nêu lên ý tưởng về Hộ chiếu vaccine. Để có giấy chứng nhận đã chủng ngừa COVID-19, các cá nhân sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin về sức khỏe như kết quả xét nghiệm, hồ sơ tiêm chủng - điều này sẽ đặt ra các thách thức về bảo mật thông tin cá nhân, nhất là khi chính hệ thống dữ liệu tiêm chủng này cũng trở thành mục tiêu béo bở của tin tặc.
Bà Ana Beduschi - Giáo sư luật của Đại học Exeter, Anh cho rằng: "Hộ chiếu y tế kỹ thuật số có thể góp phần vào việc quản lý lâu dài đại dịch COVID-19, tuy nhiên nó đặt ra những câu hỏi cần thiết về việc bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu của người dùng".
Ở quy mô quốc gia, nhiều chuyên gia cảnh báo hộ chiếu vaccine có thể tạo ra những vấn đề về bất bình đẳng xã hội, phân biệt đối xử. Những người già, những người có bệnh lý nền không thể tiêm vaccine, hay những người trẻ tuổi không thuộc đối tượng được ưu tiên chủng ngừa có thể sẽ bị kỳ thị, bị đối xử không công bằng khi không có Hộ chiếu vaccine.
Ông Andrew Bud - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty iProov nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng chứng chỉ vaccine đặt ra các vấn đề xã hội, chính trị rất lớn. Đó là vấn đề về phân biệt đối xử, vấn đề về đặc quyền. Và tôi nghĩ rằng, các tổ chức xã hội dân sự và chính phủ phải thảo luận về vấn đề này".
Giữa tháng 1/2021, hãng hàng không American Airlines ra mắt hộ chiếu sức khỏe trên điện thoại mang tên VeriFLY, cho phép du khách đăng kết quả xét nghiệm nCoV âm tính phục vụ cho quá trình làm thủ tục bay. Ảnh: Periódico Viaje
Đáng lo ngại hơn, Hộ chiếu vaccine còn có nguy cơ tạo ra tình trạng bất bình đẳng, gia tăng khoảng cách giàu nghèo ở quy mô toàn cầu. Các nước nghèo một lần nữa đối mặt với nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua phát hành hộ chiếu vaccine bởi khó tiếp cận nguồn vaccine hơn so với các nước phát triển.
Bà Nicole Erret - Chuyên gia y tế công cộng tại Đại học Washington nói: "Nếu vaccine trở thành giấy thông hành để làm những điều khác biệt, chúng ta sẽ thấy những cộng đồng vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 bị bỏ lại phía sau".
Hộ chiếu vaccine có khả năng đem lại những tia hi vọng mới cho nhịp sống toàn cầu nhưng nó cũng tạo ra một loạt các hệ lụy từ quy mô mỗi cá nhân cho tới tầm quốc gia, quốc tế. Bởi thế, các quốc gia sẽ cần tăng cường phối hợp, thống nhất đưa ra các tiêu chuẩn đồng nhất" để Hộ chiếu vaccine có thể trở nên phổ quát toàn cầu.
Các hãng hàng không áp dụng Hộ chiếu vaccine
Dù còn nhiều lo ngại, nhưng nhiều quốc gia, nhất là các nước phụ thuộc vào du lịch, đang rất kỳ vọng sẽ mở cửa được trở lại nhờ áp dụng Hộ chiếu vaccine. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra, là nếu mỗi nước có một loại chứng nhận riêng, có thể sẽ tạo ra rắc rối tại khu vực cửa khẩu. Làm thế nào để các nước có thể công nhận Hộ chiếu vaccine của nhau? Làm thế nào để xác minh thông tin mà du khách cung cấp? Đây là một vấn đề kỹ thuật cần sự hợp tác giữa các quốc gia, và thậm chí là trên bình diện toàn cầu. Ngành hàng không thế giới đang đi đầu trong kế hoạch này.
Ứng dụng di động Travel Pass. Ảnh: executive traveller
Bốn hãng hàng không Air New Zealand, Singapore Airlines, Qatar Airways, Malaysia Airlines bắt đầu thử nghiệm Hộ chiếu vaccine kỹ thuật số trên các đường bay quốc tế. Kế hoạch được triển khai dựa trên ứng dụng do Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) phát triển.
Theo đó, hành khách đáp chuyến bay từ Singapore đi London (Anh) từ ngày 15-28/3 sẽ có cơ hội tham gia thử nghiệm ứng dụng trên nếu họ có điện thoại sử dụng phần mềm iOS. Đường bay New Zealand, Australia cũng áp dụng thử nghiệm này vào tháng 4.
Ứng dụng do Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) phát triển sẽ lưu trữ thông tin y tế của hành khách, bao gồm lịch sử xét nghiệm và tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhằm hỗ trợ công tác thông hành.
Những người tham gia chương trình thí điểm này cần xét nghiệm COVID-19 trước khi khởi hành. Họ có thể xem kết quả và xác nhận cấp phép bay ngay trên ứng dụng. Trước chuyến bay, những người này phải xuất trình trạng thái đã tiêm phòng được xác nhận trên ứng dụng với nhân viên làm thủ tục bay.
Để có thể kiểm tra chéo thông tin, ứng dụng tạo nên một mạng lưới quốc tế bao gồm các nhà cung cấp vaccine đáng tin cậy, bao gồm các bệnh viện và phòng khám ở khắp nơi trên thế giới, nơi ghi lại lịch sử tiêm vaccine của từng người dân.
Nhưng để có hiệu quả, hệ thống này cần phải đáp ứng một số tiêu chí như tuân thủ các quy định của các quốc gia khác nhau và dữ liệu không thể sao chép hoặc sửa đổi bất hợp pháp.