HLV Park Hang Seo chia sẻ kinh nghiệm nâng cao sức khỏe của bản thân trong ngày phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam
Sáng 27/2, Bộ Y tế phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam với sự tham dự cùng sự hưởng ứng của nhiều lãnh đạo các bộ ngành và nhiều người dân.
Tại buổi lễ phát động, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ và kêu gọi người dân hãy bắt đầu ngay việc thực hiện và duy trì những hành vi, lối sống lành mạnh có lợi cho sức khỏe để tự bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cho cộng đồng xã hội.
"Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Có chế độ ăn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, giảm muối trong bữa ăn hằng ngày, ăn nhiều rau xanh. Không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu, bia. Tích cực vận động thể lực thông qua các hình thức như đi bộ, đi xe đạp, tập thể dục buổi sáng, tập thể dục giữa giờ. Thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe, ít nhất đo huyết áp 6 tháng một lần và xét nghiệm đường máu 1 năm 1 lần", thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Lãnh đạo các bộ ngành tham gia buổi phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam
Tới tham dự lễ phát động, ông Park Hang Seo - Huấn luyện viên Đội tuyển Bóng đá Quốc gia Việt Nam đã chia sẻ về kinh nghiệm nâng cao sức khỏe của bản thân.
Theo ông Park: "Muốn có thể lực bền, khỏe, người dân cần duy trì chế độ ăn uống cân bằng và chế độ luyện tập phù hợp. Hy vọng với Hy vọng với sự thành công của Chương trình Sức khỏe Việt Nam và sự tham gia nhiệt tình bền bỉ của người dân, trong tương lai Việt Nam sẽ có nhiều cầu thủ có sức khỏe tốt, thực hiện giấc mơ World Cup trong tương lai". Ông Park nói.
Hàng trăm tình nguyện viên có mặt tại buổi phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam
Ông Park tham gia buổi diễu hành Chương trình Sức khỏe Việt Nam
11 lĩnh vực ưu tiên của Chương trình Sức khỏe Việt Nam
1) Dinh dưỡng: Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi, khống chế tỷ lệ béo phì ở trẻ em và người trưởng thành; tăng tỷ lệ người dân ăn đủ rau và trái cây; giảm mức tiêu thụ muối/người/ngày; góp phần phát triển thể lực và tầm vóc người Việt Nam.
2) Vận động thể lực: Tăng cường vận động thể lực để giảm tỷ lệ người dân thiếu vận động thể lực và tăng tỷ lệ học sinh được vận động thể lực đủ thời gian.
3) Sức khỏe trẻ em và học sinh: Bảo đảm cho trẻ em được tiêm chủng đầy đủ để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; chăm sóc mắt nhằm giảm tỷ lệ cận thị; tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tình trạng dinh dưỡng, kiểm soát sự gia tăng của thừa cân béo phì và phát triển tầm vóc, thể chất của thế hệ trẻ.
4) Các bệnh không lây nhiễm: Triển khai các dịch vụ ở tuyến y tế cơ sở để tăng số người mắc bệnh được phát hiện và được quản lý điều trị theo quy định đối với các bệnh gây ra gánh nặng bệnh tật lớn nhất bao gồm: tăng huyết áp, đái tháo đường, một số bệnh ung thư.
5) Phòng chống tác hại của thuốc lá: Nhằm giảm tỷ lệ nam giới hút thuốc và giảm tỷ lệ người dân bị hút thuốc thụ động.
6) Phòng chống tác hại của rượu bia: Tập trung vào giảm tỷ lệ nam giới trưởng thành uống rượu bia mức nguy hại.
7) Vệ sinh môi trường: Tăng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh và tăng tỷ lệ người dân thường xuyên rửa tay với xà phòng theo khuyến cáo, nhất là rửa tay vào các thời điểm như trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và làm vệ sinh cho trẻ.
8) An toàn thực phẩm: Bảo đảm an toàn thực phẩm theo chuỗi cung cấp thực phẩm, từng bước áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến trong sản xuất, chế biến, phân phối, kinh doanh thực phẩm; tăng cường nhận thức, thực hành của người dân và cộng đồng về an toàn thực phẩm; giảm số vụ và tử vong do ngộ độc thực phẩm.
9) Chăm sóc sức khỏe ban đầu: Tăng cường y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu để bảo đảm cho mọi người dân được quản lý, chăm sóc sức khỏe ngay tại nơi mình sinh sống.
10) Sức khỏe người cao tuổi: Tăng cường y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu để bảo đảm cho người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe tại gia đình và cộng đồng.
11) Sức khỏe người lao động: Bảo đảm mọi người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và bệnh mạn tính, được quản lý sức khỏe và được chăm sóc dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cơ bản.
Một số hình ảnh lãnh đạo các ban ngành tham gia kiểm tra sức khỏe
Chương trình "Sức khỏe Việt Nam" được Bộ Y tế phát động nhằm kêu gọi người dân giữ gìn sức khỏe thông qua các biện pháp như giảm rượu bia, không hút thuốc lá, tăng cường tập thể dục, đi 10.000 bước chân mỗi ngày, giảm ăn muối, đường, ăn nhiều rau xanh, trái cây để tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật.