Hình thái thời tiết khiến không khí Hà Nội ô nhiễm

Nguyễn Hoài,
Chia sẻ

Những ngày mùa đông lặng gió, nắng hanh như hôm nay (16/12), ô nhiễm không khí nghiêm trọng thường xảy ra, là tác nhân gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.

Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang trong chuỗi ngày ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng. Sáng nay (16/12), hơn 80 điểm đo chất lượng không khí theo thời gian thực của Mạng lưới PAM Air ghi nhận chất lượng không khí chủ yếu ở ngưỡng tím (ngưỡng rất có hại cho sức khỏe tất cả mọi người), cá biệt một số điểm đo duy trì ở ngưỡng nâu (ngưỡng ô nhiễm nghiêm trọng nhất, nguy hiểm nhất).

Hệ thống quan trắc không khí của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội cũng ghi nhận nhiều điểm ô nhiễm nghiêm trọng trong sáng nay ở thủ đô, phổ biến ở ngưỡng đỏ (có hại cho sức khỏe rất cả mọi người) đến ngưỡng tím.

Ô nhiễm cũng xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành khu vực phía Bắc như Thái Nguyên, Hải Phòng.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của đợt ô nhiễm này liên quan chặt chẽ đến yếu tố thời tiết. Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang trải qua những ngày lặng gió, rét hanh. Đây là điều kiện khiến các chất ô nhiễm không thể phát tán mà tập trung ở khu vực gần mặt đất gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Hình thái thời tiết khiến không khí Hà Nội ô nhiễm - Ảnh 1.

Hà Nội sáng nay ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng.

Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường không khí cho biết, thời điểm từ tháng 10 hàng năm đến tháng 3 năm sau là thời kỳ thường xuyên xảy ra những đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại miền Bắc, liên quan chặt chẽ đến yếu tố thời tiết.

Những ngày miền Bắc lặng gió, nắng hanh trong mùa đông là thời điểm thường xuyên xảy ra ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Thời gian ô nhiễm nhất trong ngày thường tập trung vào đêm và buổi sáng. Khi trời nắng lên, ô nhiễm được cải thiện một phần. Dự báo từ nay đến Tết còn xuất hiện nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội cũng như miền Bắc.

Hệ thống quan trắc chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ dự báo, ngày mai, không khí lạnh tràn về, chất lượng không khí được cải thiện. Tuy nhiên, từ 18/12, miền Bắc bước vào chuỗi ngày rét đậm ban đêm, nắng hanh ban ngày, chất lượng không khí tiếp tục có xu hướng xấu đi.

Theo báo cáo môi trường quốc gia 2016-2020, ô nhiễm không khí ở Việt Nam chủ yếu là ô nhiễm bụi. Trong đó, bụi mịn PM2.5 được coi là sát thủ trong không khí.

Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra, bụi mịn PM2.5 có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp, len lỏi sâu vào phổi, đi vào máu, gây nên một số bệnh nguy hiểm.

Người thường xuyên phải tiếp xúc với bụi mịn có thể gặp phải các vấn đề về sức khỏe như hắt hơi, sổ mũi, khó thở, khô mắt... Tiếp xúc lâu dài thì sẽ làm gia tăng tỷ lệ giảm chức năng phổi, viêm phế quản mãn tính, tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ, tim mạch và ung thư.

Nghiên cứu trong nước cũng chỉ ra, tại Hà Nội và TPHCM, tỷ lệ trẻ em và người già nhập viện liên quan đến các bệnh về hô hấp gia tăng trong thời gian xuất hiện ô nhiễm không khí nghiêm trọng và kéo dài.

Các chuyên gia đặc biệt lưu ý, khẩu trang thông thường không thể ngăn được bụi mịn PM2.5. Trong những ngày không khí ô nhiễm nghiêm trọng, người ra đường nên sử dụng các loại khẩu trang có khả năng ngăn chặn bụi mịn PM2.5.

Trước tình trạng ô nhiễm không khí xảy ra nghiêm trọng nhiều năm qua, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí. Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống, trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

Những ngày ô nhiễm, người dân cần hạn chế ra khỏi nhà, vận động, tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách. Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt là sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Chia sẻ