Hiệu trưởng trường top đầu châu Á chia sẻ 3 kiểu học sinh là niềm tự hào của cha mẹ nhưng thật ra lại bị ghét ở trường
Những đứa trẻ thuộc 3 kiểu tính cách này có thể có điểm số xuất sắc, nổi tiếng và cá tính nhưng nếu ở trong môi trường sống tập thể, chúng trở thành đối tượng bị người khác ghét bỏ.
Chúng ta thường nói trường học là một xã hội nhỏ, đối với một đứa trẻ, ngay từ khi bước chân vào trường, một chương mới trong cuộc đời cũng được mở ra. Chúng bắt đầu phải đối mặt với những vấn đề giữa các cá nhân, đây là lúc tính cách và giáo dưỡng gia đình bắt đầu được bộc lộ.
Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy và quản lý, tiếp xúc qua rất nhiều thế hệ học trò, thầy Hứa Trí Hoành, hiệu trưởng trường đại học Bắc Kinh đã chia sẻ những kiểu học trò tưởng chừng là niềm tự hào của cha mẹ nhưng ở trường lại dễ bị ghét.
1. Học sinh hạ thấp người khác vì điểm số
Khi còn học ở trường, các bài kiểm tra thường được dùng để đánh giá chất lượng học tập của học sinh ở những giai đoạn nhất định. Học lực khác nhau sẽ có điểm số khác nhau, và không thể tránh khỏi những chênh lệch điểm số.
Một số học sinh có học lực khá giỏi, được coi là "con nhà người ta", luôn đạt điểm cao, được các bạn trong lớp nể phục là chuyện bình thường. Nhưng nếu học sinh đó vì thành tích học tập của mình tốt hơn mà coi thường và chế giễu những học sinh khác có điểm số không bằng mình thì lại là chuyện không đúng đắn.
Ở góc độ của một phụ huynh, bạn có thể tự hào khi thấy học lực của con tốt, nhưng con trẻ nên được học cách khiêm tốn và biết chia sẻ. Việc "lên mặt" và chế giễu người khác sẽ khiến hình ảnh con trẻ trong mắt bạn bè cùng lớp trở nên vô cùng xấu xí, không ai muốn làm bạn với một người kiêu căng, ngạo mạn và thường làm tổn thương lòng tự trọng của người khác cả.
2. Học sinh có quá nhiều "fan"
Thầy Hứa Trí Hoành có kể một câu chuyện về một học sinh thầy từng dạy tên là Hiểu Minh. Hiểu Minh là một đứa trẻ rất bạo dạn và thú vị, cậu bé rất nổi tiếng trong lớp, thậm chí là trong trường.
Chính vì vậy, mỗi khi cậu đưa ra ý kiến đều sẽ có một lượng lớn những học sinh khác ủng hộ và đồng tình, kể cả khi ý kiến đó của cậu đi ngược lại với ý kiến của giáo viên phụ trách. Việc được tung hô khiến Hiểu Minh trở nên kiêu ngạo, coi bản thân là "cái rốn của vũ trụ", là người có quyền đặc biệt. Cậu cho rằng việc mình được ưu ái là điều hiển nhiên, tự coi thành quả của bản thân là hơn người. Những sự việc kiểu này đã gây ra rất nhiều bối rối và khó xử cho giáo viên trong trường.
Vì vậy, ở góc độ giáo viên phụ trách, việc các em cư xử quá tự cao trong trường là điều không nên, ít nhất là không để lúc nào cũng mâu thuẫn với giáo viên. Việc này sẽ cản trở công tác lãnh đạo nhà trường, dễ xảy ra xung đột với học sinh khác.
3. Học sinh quá hoạt bát và tự do
Mọi người luôn khao khát tự do, thầy cô và nhà trường cũng không có ý định hạn chế tự do của các em. Nhưng trẻ nên được giáo dục về ý thức tôn trọng. Những trẻ quá hoạt bát và tự do thường gặp vấn đề trong giao tiếp ở trường. Nghe thì có vẻ vô lý, nhưng thật ra, vì chúng quá năng động nên nhiều lúc sẽ biến thành thiếu kiềm chế và cố chấp, gây ra những khó chịu cho người xung quanh.
Ví dụ, khi mọi người đang nghỉ trưa, con trẻ nói to hay gây ra những tiếng ồn lớn, ảnh hưởng đến chất lượng nghỉ ngơi của người khác, nhưng chúng lại không hề biết hay để ý thấy chuyện đó.
Tính cách vui vẻ và hoạt bát của trẻ em không phải là một điều xấu, nhưng trong môi trường học đường, các quy tắc cần tuân thủ vẫn phải tuân theo. Cha mẹ nên hướng dẫn con quan sát và chú ý đến suy nghĩ, cảm xúc của người khác, con không thể chỉ tập trung vào nhu cầu của bản thân được.