Hiểu thêm về Deepfake - công nghệ trong ứng dụng "lột đồ" chị em đang gây phẫn nộ
Sự phát triển của công nghệ kéo theo vô vàn hệ lụy và nguy hiểm nhất nhì trong số đó, chính là Deepfake - công nghệ sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để làm giả danh tính.
Vài ngày trước, tạp chí chuyên về công nghệ The Verge đã đưa tin về một phần mềm mới, có khả năng "lột sạch quần áo" trên ảnh của chị em phụ nữ, biến họ thành khỏa thân trong chớp mắt.
Theo The Verge, phần mềm này tên là DeepNude, được rao bán với giá 50 - 99 USD (1,1 - 2,3 triệu đồng). Nó hoạt động triệt để với hình ảnh có độ phân giải cao hoặc nhân vật vốn đã hở bạo.
Ví dụ về khả năng hư hỏng của phần mềm DeepNude
Dù phần mềm này đã ghi rõ: "Mọi hình ảnh tạo ra đều là giả và chỉ mang mục đích giả trí," người dùng internet và hầu hết chị em đều tỏ ra bất bình và lo lắng. Đơn giản vì, khuôn mặt và cơ thể của mình có thể bị đem ra bỡn bợt bất cứ lúc nào.
Trên thực tế, DeepNude chỉ là một phần mềm nhỏ, được phát triển dựa trên công nghệ đầy tranh cãi tên là Deepfake - sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để làm giả danh tính con người.
ĐẦU TIÊN, DEEPFAKE LÀ GÌ?
Trước khi đến với câu trả lời, mời chị em coi 3 ví dụ dưới đây:
David Beckham (giả) trò chuyện về bệnh sốt rét bằng 9 thứ tiếng
Đã 44 tuổi nhưng David Beckham trong video vẫn rất phong độ và cuốn hút, đúng chứ?
Tuy nhiên, thứ khiến cựu huyền thoại túc cầu trở nên đáng sợ, chính là việc anh thao thao bất tuyệt về bệnh sốt rét bằng 9 thứ tiếng. Beckham thật có thể đưa bóng vào khung thành từ hàng chục mét, nhưng không giỏi ngoại ngữ đến vậy, tất cả đều đến từ AI và Deepfake.
Còn đây là ví dụ thứ 2, về người sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg:
Mark Zuckerberg (giả) nói về sự nguy hiểm của công nghệ
"Hãy thử tưởng tượng đến điều này một giây thôi: Một người với quyền quản lý dữ liệu ăn trộm của hàng tỷ người, tất cả bí mật của họ, cuộc sống của họ, tương lai của họ." Zuckerberg trong video nói.
Đáng tiếc, ông chủ Facebook mà bạn xem, cũng không phải là thật. Nó được làm ra từ video quay Zuckerberg vào năm 2017. Mọi cử động trên gương mặt cho đến lời nói đều là giả.
Ví dụ thứ 3 khá kinh khủng, là phim nóng được làm bằng deepfake, với khuôn mặt của nhiều idol xứ Hàn được ghép vào diễn viên khiêu dâm.
Hình ảnh được chỉnh sửa bằng công nghệ DeepFake trông rất giống thành viên Jisoo của Blackpink.
Kẻ xấu có thể sử dụng Deepfake để ghép mặt thành viên Irene của Red Velvet vào những hình ảnh hở hang dung tục.
Hiểu đơn giản, dữ liệu về đặc điểm khuôn mặt, hình thể sẽ được thu thập rồi được hợp nhất bởi trí tuệ nhân tạo (AI). Tóm lại, Deepfake có thể gán khuôn mặt của người này sang người khác, với độ chân thực vượt ra khỏi trí tưởng tượng và nạn nhân có thể là bất cứ ai: Người nổi tiếng, chính trị gia, quan chức cấp cao... Mà chỉ cần 1 - 2 hình ảnh sai lệch về họ thôi, nhiều cộng đồng sẽ đảo điên.
DEEPFAKE VÀ NHỮNG HỆ LỤY KINH HOÀNG TỪ CÔNG NGHỆ GIẢ MẠO DANH TÍNH
Hơn 20 năm trước, người ta sử dụng Photoshop để ghép mặt Mr. Bean vào The Rock để gây cười. Còn kỹ xảo điện ảnh đã có từ những năm 1980, giúp các diễn viên bay lượn và biến hình trên màn ảnh rộng. Đó rõ ràng là cách ứng dụng công nghệ vào giải trí, nhưng mọi thứ có vẻ đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát.
Giờ chỉ cần một máy tính đủ mạnh và phần mềm tạo video deepfake, bất cứ ai cũng có thể tạo ra video giả mạo danh tính của người khác. Nếu làm giả danh tính là chưa đủ, đến cả âm thanh, giọng nói cũng đã bị làm giả.
Trên internet ẩn danh, nạn nhân của Deepfake gần như bất lực trong việc chỉ mặt gọi tên thủ phạm. Họ cảm thấy bị xúc phạm, hoang mang cực độ trong khi pháp luật vẫn chưa chuyển mình đủ nhanh để bảo vệ họ.
Ngoài ra, các chuyên gia dự đoán, Deepfake sẽ được kẻ xấu tận dụng để tạo tin giả, tiềm tàng nguy cơ xảy ra biến loạn xã hội trong tương lai.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TÔI TỰ BẢO VỆ BẢN THÂN KHỎI DEEPFAKE?
Có một sự thật đáng buồn: Càng nhiều hình ảnh, video có sự hiện diện của bạn được đăng lên internet, khả năng bị làm giả danh tính bằng Deepfake càng cao. Với sự phát triển chóng mặt của công nghệ, thậm chí chỉ cần 1 tấm ảnh cũng có thể làm ra video Deepfake.
Do đó, để giảm thiểu tối đa khả năng bị làm giả danh tính, hãy khống chế số lượng người có thể xem video và hình ảnh của bạn. Nói trắng ra là sống ảo ít thôi.
Để đấu lại thế lực đen tối trên internet, các nhà khoa học máy tính đang nỗ lực tạo ra công cụ khác, mạnh mẽ hơn để phát hiện video và hình ảnh giả.
Tóm lại, internet không hoàn toàn là vùng đất của hoa thơm trái ngọt và những điều thú vị. Thông tin và hình ảnh của bạn luôn có khả năng bị thu thập, hãy cẩn trọng!