Hiểu sai 4 chữ "làm bạn với con", nhiều cha mẹ vô tình hại con mà không biết: 10 năm sau hối hận thì đã muộn
Kiểu cha mẹ rất phổ biến, liệu bạn có thuộc một trong số này?
"Làm bạn với con" là một cụm từ hầu hết được các phụ huynh hiện đại xem như kim chỉ nam trong việc nuôi dạy con. Nhà văn Hoàng Anh Tú từng chia sẻ: "Làm bạn với con có nghĩa là hãy san bằng vị trí của mình đi, chấp nhận sự đúng sai trên lý luận và đối thoại chứ không phải trên cương vị cha mẹ với con cái. Làm bạn với con có nghĩa là bình đẳng, dân chủ và minh bạch với con mình. Làm bạn với con có nghĩa là dùng sự chân thành, tin tưởng chứ không phải bằng sự hy sinh, yêu thương hay bảo ban, dạy dỗ".
Nhưng, trên thực tế, nhiều cha mẹ vẫn lẫn lộn chuyện làm bạn với con và để con quá... tự do. Các chuyên gia cho rằng, nhiều người phụ huynh coi con như bạn bằng cách cho con thích làm gì thì làm, bỏ qua các giới hạn và kỳ vọng. Họ đã trở thành cha mẹ dễ dãi - đem lại những hệ lụy về lâu về dài với con cái mình.
Stephen Glicksman, Phó giáo sư tâm lý tại Đại học Yeshiva (Mỹ), trong nuôi dạy con, điều quan trọng là phải "cho phép" con được lựa chọn, vạch ra con đường và để con tự học hỏi từ những sai lầm. Tuy nhiên các bậc cha mẹ dễ dãi bắt con "chịu trách nhiệm" về sự phát triển của chính mình mà không tạo lập bất cứ cơ sở nào an toàn để con bắt đầu hoặc trở về khi chúng cần hỗ trợ, theo Business Insider.
Nếu bạn là một bậc cha mẹ dễ dàng, hãy tìm hiểu các bước để bắt đầu chuyển sang phong cách nuôi dạy con cân bằng hơn.
Đừng để đánh lừa bởi vẻ bề ngoài
Thoạt nhìn, cha mẹ dễ dãi có mối quan hệ tốt với con cái. Trẻ em được phép làm những gì chúng muốn và cha mẹ thường chiều theo ý muốn của trẻ. Những bậc cha mẹ dễ dãi rất ấm áp và yêu thương con cái, theo Michigan State University Extension .
Tuy nhiên, Glicksman cho biết không phải lúc nào cũng vậy: "Tất cả các bậc cha mẹ đều muốn những gì tốt nhất cho con, nhưng tôi nghĩ rằng đôi khi mọi người chọn phong cách nuôi dạy con cái dễ dãi vì họ sợ - sợ con mình không hạnh phúc hoặc sợ con không phải là "bạn' của mình".
Các bậc cha mẹ dễ dãi có thể để con cái tự do chọn giờ đi ngủ hoặc bữa ăn nhẹ mà không đòi hỏi phải đúng giờ, không có thưởng, có phạt. Thường thì điều này có ý tốt, nhưng nó không giúp ích gì cho trẻ. Theo Glicksman, cha mẹ không nhất thiết phải là "bạn" với con. "Bạn bày tỏ tình yêu thương bằng cách tôn trọng sở thích và ý kiến của con nhưng cũng cần ranh giới rõ ràng thì sẽ giúp trẻ hạnh phúc hơn về lâu dài", ông nói.
Hậu quả của việc nuôi dạy con dễ dãi
Glicksman nói: “Nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ có cha mẹ dễ dãi cảm thấy hạnh phúc và tích cực hơn khi còn nhỏ, nhưng chúng cũng dễ bị phụ thuộc, ủ rũ và thiếu kỹ năng xã hội khi lớn lên. Vì được cho nhiều tự do khi còn nhỏ, trẻ đã học được rằng tính cách thời thơ ấu của họ đã đủ và cuối cùng trở thành những gà cưng".
Những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi những bậc cha mẹ dễ dãi thường:
Thể hiện thành tích thấp hơn trong nhiều lĩnh vực: Bởi vì cha mẹ có rất ít hoặc không kỳ vọng vào chúng, những đứa trẻ này không có gì để phấn đấu. Các nghiên cứu đã liên kết việc nuôi dạy con cái dễ dãi với thành tích học tập thấp hơn.
Đưa ra quyết định kém: Vì cha mẹ không đặt ra hoặc thực thi bất kỳ loại quy tắc hoặc hướng dẫn nào, những đứa trẻ này phải vật lộn để học các kỹ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định đúng đắn.
Có thể dễ bị phạm pháp và sử dụng chất kích thích: Một số nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em được nuôi dưỡng bởi cha mẹ dễ dãi có nhiều khả năng tham gia vào các hành vi sai trái và sử dụng rượu hoặc chất kích thích.
Thể hiện sự hung hăng hơn và ít hiểu cảm xúc hơn: Bởi vì không học cách đối phó với cảm xúc của mình một cách hiệu quả, đặc biệt là trong những tình huống không đạt được những gì mình muốn, những đứa trẻ có cha mẹ dễ dãi có thể gặp khó khăn khi đối mặt với những tình huống căng thẳng hoặc khó khăn về cảm xúc.
Không thể quản lý thời gian hoặc thói quen của mình: Những đứa trẻ này không bao giờ học cách giới hạn thời gian sử dụng màn hình hoặc thói quen ăn uống, điều này có thể dẫn đến những thói quen không lành mạnh và béo phì.
Làm thế nào để tránh trở thành "Cha mẹ dễ dãi"?
Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu thiết lập ranh giới và đặt kỳ vọng với con. Các chuyên gia khuyến nghị nên hướng tới một phong cách nuôi dạy con uy quyền hơn. Có 3 cách giúp bạn:
Bắt đầu bằng cách nói "có" và "không" thường xuyên hơn, đồng thời giải thích lý do tại sao bạn nói vậy với con ứng với từng tình huống cụ thể. "Mục tiêu là nói 'có' đủ thường xuyên để con học được một khi bạn nói 'không' là chính đáng", Glicksman bật mí.
Lập danh sách các kỳ vọng và công việc gia đình, tùy thuộc vào độ tuổi của con bạn. Ví dụ thời gian sử dụng thiết bị bằng việc quét nhà, rửa cốc chén.
Bắt đầu nói "không" nhiều hơn và kiên trì với câu này. Glicksman nói rằng việc điều chỉnh có thể khó khăn đối với những đứa trẻ chưa từng có ranh giới. Chúng có khả năng sẽ phản ứng, nhưng nếu một khi kiên trì thì lâu dài sẽ tốt hơn cho cả con, cả bạn.
Hãy chắc chắn rằng con bạn hiểu hình phạt khi vi phạm các quy tắc. Khen thưởng hành vi tốt.
Nuôi con giống như trồng một cái cây. Để nó vươn lên trong ánh nắng mặt trời, tự do, độc lập, dũng cảm và dám đương đầu với khó khăn thử thách, hay là để nó làm một cây tầm gửi, sống trong bóng râm, bám lên cành cây khác, tất cả đều có sự dẫn đường chỉ lối của đấng sinh thành. Nuôi con khắt khe quá cũng không tốt, dễ dãi quá cũng không tốt. Vì vậy nếu tuân thủ nguyên tắc: Vừa phải, không thái quá và đúng chừng mực thì sẽ thành công đối với mọi phương pháp.