Hiểu nhau như vợ chồng cùng công sở

Lê Nhi,
Chia sẻ

Gặp nhau cả ngày tại nhà, đụng nhau chan chát khi đến công ty, ở nhà cuối tuần vẫn chia sẻ hoặc gửi email bàn về công việc… Đó chính là những đặc điểm "không lẫn đi đâu được" của các cặp vợ chồng cùng công sở.

Mặt trái và các bất đồng của những cặp vợ chồng làm cùng công ty, có lẽ người viết bài xin phép không đề cập thêm. Bởi khi tìm hiểu về các cặp vợ chồng cùng công sở thì những rắc rối này quá mờ nhạt. Thực tế, nó chỉ là những xung đột và bất đồng nhỏ khi họ cùng chung môi trường làm việc. Còn ngược lại, hầu hết những cặp vợ chồng - đồng nghiệp này thực tế đều đang hỗ trợ nhau rất tốt trong công việc, hiểu nhau khi ở nhà và nếu làm chung với nhau trong một dự án thì công việc càng thuận lợi “như cá với nước”.

Đến khi vào cùng công ty với nhau, vợ chồng chị Yến - Dũng đã là vợ chồng của nhau từ trước đó. Khi chị quyết định đầu quân vào làm chung một dự án cùng chồng, bạn bè thân ai biết cũng ủng hộ. Chỉ có mình chị Yến là còn hơi lăn tăn vì sợ những phiền toái khi làm cùng chồng trong một môi trường. Nhưng từ khi làm cùng công ty, cuộc sống của vợ chồng chị tại công sở cũng như tại nhà chưa bao giờ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Ngược lại, 4 năm làm cùng nhau khiến vợ chồng chị càng hiểu nhau hơn, thông cảm cho công việc của nhau hơn.


Vợ chồng cùng công ty nhưng vẫn nhắn tin, gọi điện,
gửi email cho nhau như nhiều các đồng nghiệp khác để bàn về công việc (Ảnh minh hoạ)

Dù làm cùng nhau trong một bộ phận, dù anh Dũng là sếp của chị nhưng chưa bao giờ chị Yến phải lăn tăn hay khó xử. Anh chị cũng chưa bao giờ đối đầu, cãi vã ngay tại nơi làm việc chứ đừng nói đến chuyện la hét, to tiếng hay thiếu tôn trọng nhau trong cách nói năng, chuyện trò. Ngược lại: “Quan điểm của vợ chồng chị, công việc vẫn là công việc, vợ chồng có thể chia sẻ mọi chuyện với nhau ở công ty, còn không mang những khó chịu của công việc khi đã về đến nhà. Về nhà thì vừa là vợ chồng vừa là đồng nghiệp. Do đó, dù làm cùng nhưng anh chị vẫn rất thoải mái, chỉ cần cư xử đúng mực, lịch sự, đúng văn hóa công ty để không ai bị mất mặt trước mặt đồng nghiệp khác là ổn".

Chị Yến cho biết: “Khi ở nhà cũng như lúc làm việc trên công ty, cứ việc ai nấy làm. Trong công việc, vợ chồng chị vẫn thường nhắn tin, gọi điện, gửi email cho nhau như nhiều các đồng nghiệp khác để bàn về công việc, kể cả vào ngày cuối tuần”.

Vợ chồng cùng công sở thường phải gặp nhau cả ngày bởi vì ngay cả khi hết giờ làm trở về nhà, đi tụ tập ăn uống với bạn bè, họ vẫn là đồng nghiệp. Những chuyến đi công tác, những kỳ nghỉ ngắn của công ty, họ vẫn có mặt cùng nhau, hỗ trợ tối đa công việc cho nhau. Có lẽ vì thế, họ dễ dàng thông cảm và hiểu tường tận hơn. Từ đó, sự thông cảm dành cho nhau cũng nhân lên.

Như trường hợp cặp vợ chồng Cù Tiến Thạch (30 tuổi, hiện là phó phòng SMB) và chị Trần Thị Hằng (28 tuổi, phụ trách kinh doanh Admarket) là một ví dụ điển hình. Mặc dù cùng thuộc khối Admicro của một công ty truyền thông lớn, mặc dù anh Thạch có thâm niên làm việc tại công ty này nhiều hơn chị Hằng trước 4 năm nhưng hai vợ chồng họ luôn là đồng nghiệp ăn ý của nhau suốt gần 1 năm nay.

Chị Hằng cho biết rằng: “Khi đang làm quản lý công ty sản xuất nội thất của gia đình thì ông xã nói chuyện là muốn hai vợ chồng làm cùng công ty và trong cùng 1 lĩnh vực để có thể hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau. Chị thấy lý do hợp lý và công việc quản lý đội sale cũng giống như việc chị đang làm. Đến giờ đã gần 1 năm 2 vợ chồng làm cùng nhau và bản thân chị vẫn thấy đây là một quyết định đúng”.


Làm cùng khối, khác bộ phận nhưng vợ chồng đồng nghiệp Thạch- Hằng luôn là "đôi bạn cùng tiến"

Được biết, tuy anh chị Thạch -Hằng làm cùng 1 bộ phận và cùng 1 công ty nhưng lại làm việc ở địa điểm khác nhau. Vì thế mỗi sáng anh Thạch lại đưa chị Hằng qua trụ sở chính của công ty rồi mới đến văn phòng làm. Quãng đường từ nhà 2 vợ chồng này lên công ty mất 1 tiếng đi xe máy. Nhưng vì hai anh chị thường trao đổi, nói chuyện về công việc, chuyện thường ngày ở công ty, nên cảm giác như quãng đường về nhà bao giờ cũng gần hơn rất nhiều.

Chưa kể, công việc của cả 2 vợ chồng đều là phụ trách kinh doanh của 2 bộ phận khác nhau. Đây là 2 bộ phận có chung đối tượng khách hàng và chung cả sản phẩm nên nói một cách "lý thuyết" thì đây là 2 bộ phận cạnh tranh nhau ác liệt. Vì thế, vợ chồng đều đặt ra 1 quy tắc chung là: "Không hỏi nhau về cụ thể công việc nội bộ mà chỉ chia sẻ kinh nghiệm và cách làm việc vì sợ lộ bí mật kinh doanh của mỗi bộ phận. Đôi khi,  ai hỏi việc gì quá đà là người kia làm mặt 'hình sự' nói ngay 'bí mật quân sự không tiết lộ'. Thậm chí khi được ban giám đốc giao chỉ tiêu, vì làm ở 2 bộ phận khác nhau nên 2 người cũng luôn tìm cách chạy đua, cạnh tranh nhau về doanh số sản phẩm để đại chỉ tiêu khủng".

Vì nhận thấy vợ chồng cùng công sở trăm đường thuận lợi và trăm bề thân thiết, nên chị Hằng nói: “Chị vẫn sẽ lựa chọn hai vợ chồng làm cùng công ty vì sẽ hiểu, thông cảm và chia sẻ được cho nhau nhiều hơn trong công việc cũng như trong cuộc sống”.  


Vợ chồng vừa đi công tác, vừa tranh thủ "xả hơi"

Cũng giống như nhiều cặp vợ chồng công sở khác, vợ chồng Quang - Vân cũng đang chung một môi trường làm việc công sở từ hơn 2 năm nay. Ban đầu, vì mới chuyển từ công ty mới về công ty của vợ, nên anh Quang nhiều phen vẫn cảm thấy ghen tuông vô cớ khi thường xuyên thấy vợ mail, điện thoại, trao đổi công việc hoặc chia sẻ với những đồng nghiệp khác giới. Hoặc dù những lúc không muốn mang công việc về nhà nhưng đôi khi những khó chịu bất bình ở công ty với anh không thể dễ dàng tan biến ngay khi trở về nhà được. Và lúc ấy, vợ chồng anh lại căng thẳng, stress. Nhưng chỉ sau 1 tháng làm việc cùng nhau. anh đã hiểu hơn môi trường làm việc tại công ty này và hiểu cách thức làm việc online của vợ. Điều này đã khiến anh cảm thấy rất thoải mái.

“Dù khác bộ phận, công việc hoàn toàn khác nhau nhưng hai vợ chồng tôi chưa bao giờ cảm thấy khó chịu vì không hỗ trợ được gì trong công việc. Chúng tôi rất hiểu công việc của người kia và hoàn toàn thông cảm khi người ấy hôm nay phải về nhà muộn. Có những lúc tôi phải họp hay bận làm cuối tuần, vợ vẫn phục vụ ân cần mà chẳng quát mắng hoặc hờn dỗi. Những lúc thế này, có đồng nghiệp cùng nhà cảm thấy rất may mắn và thuận lợi”.- Anh Quang vui vẻ chia sẻ.
Chia sẻ