"Hiệp sĩ mù": Cộng và trừ

Jen,
Chia sẻ

Cùng điểm lại những điểm cộng và trừ từ bộ phim Việt đang rất được quan tâm thời gian này.

Câu chuyện trong Hiệp sĩ mù lấy trung tâm là Cường (Bình Minh) - gã giang hồ hạng bét sau một đêm bỗng trở thành kẻ thống lĩnh toàn bộ thế giới ngầm, và Linh (Ngọc Thanh Tâm) - người mất đi đôi mắt và cả gia đình yên ấm cũng chỉ sau một đêm định mệnh.

Theo lời mách bí hiểm của một ông già kì lạ, Cường tìm lên vùng núi non hẻo lánh, và nhờ vào một phép thuật kì lạ, Cường đã sở hữu con mắt xanh bí ẩn mang lại vận may. Từ đó, Cường đeo băng bịt mắt, bắt đầu thu thập đàn em và thâu tóm địa bàn cùng quyền lực, để rồi trở thành trùm của thế giới ngầm với biệt danh Cường Chột. 

Đôi mắt xanh kỳ lạ mà Cường đã lấy đi là của một cô bé dân tộc tên Linh. Từ khi bị Cường lấy đi đôi mắt, thế giới của Linh cũng chìm trong bóng tối. Cô bé ấy lớn lên mà chưa một lần được nhìn thấy gương mặt mẹ mình. Cho đến ngày mẹ Linh qua đời, cô bé quyết định đi tìm Cường, không phải để trả thù những ân oán cũ, mà chỉ với mong ước được tìm lại ánh sáng đời mình cùng hình ảnh của mẹ.



(+): Thông điệp ý nghĩa, kịch bản chỉn chu: Trước tiên phải khen ngợi Hiệp sĩ mù là một bộ phim tâm huyết, chỉn chu của ê kíp làm phim gồm đạo diễn Lưu Huỳnh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng lần đầu tiên trong vai trò sản xuất, cùng dàn diễn viên như Bình Minh, Ngọc Thanh Tâm, Quách Ngọc Ngoan, Đinh Y Nhung... Bức thông điệp đề cao nhân nghĩa, sự tha thứ, xóa bỏ hận thù, tiền bạc không làm nên giá trị con người... xuyên suốt và không hề đứt đoạn trong nội dung của Hiệp sĩ mù.


Nhà sản xuất Đàm Vĩnh Hưng bên các diễn viên Bình Minh, Đinh Y Nhung, Ngọc Thanh Tâm, Quách Ngọc Ngoan, Quốc Cường

(-): Với một thông điệp rất ý nghĩa, nhân văn nhưng cách thể hiện thông điệp đó trong Hiệp sĩ mù qua phát ngôn của diễn viên lại khiến cho khán giả có cảm giác bộ phim hơi "kịch". Giá như bộ phim có thể bớt đi nhiều phần thoại dài dòng và để cho các thông điệp tự bật lên từ các tình tiết thì câu chuyện phim sẽ chân thực hơn.


(+) Dàn diễn viên phụ ấn tượng: Xem Hiệp sĩ mù, khán giả sẽ ấn tượng với "cô gái điếm" Đinh Y Nhung ngoa ngoắt với nhiều phát ngôn "gây sốc"; nhớ tới Quách Ngọc Ngoan với hình ảnh tên giang hồ có vẻ đẹp trai lãng tử nhưng cả đời cũng chỉ làm phận "lon ton" không thể khá hơn; nhớ tới Quốc Cường trong hình ảnh đại ca giang hồ "lên voi xuống chó"; nhớ cả Mr Đàm hóa thân thành ông bố dân tộc rít thuốc lào rất "ngọt", dù chớp nhoáng nhưng đã tạo được tiếng cười thú vị cho khán giả...


(-) Phải chăng dàn diễn viên phụ đông đảo với diễn xuất có nghề đã phần nào "át vía" dàn diễn viên chính nhiều đất diễn nhưng lại chưa thật sự tạo được ấn tượng. Vai diễn cô gái mù của Ngọc Thanh Tâm trôi qua không nhiều điểm nhấn (trừ những cảnh đấu võ, được biết Ngọc Thanh Tâm đã tự thân thực hiện những cảnh quay khó nhằn này mà không cần đến người đóng thế), lời thoại đều đều với những triết lý có phần quá sức đối với nhân vật của cô. 

Bình Minh khá hơn bởi vai diễn của anh cũng gai góc và có nhiều khả năng biến hóa hơn. Với nhân vật Cường chột, chàng siêu mẫu đã vượt qua được cái bóng công tử trong nhiều bộ phim trước của mình, thế nhưng điểm trừ lại đến ở chất giọng của anh khi đọc thoại. (Về điểm này, Bình Minh có nét tương đồng với Lương Mạnh Hải, nam diễn viên diễn xuất không tệ nhưng chất giọng lại quá "chính kịch").


(+) & (-): Thoại phim: Nói về thoại phim, thoại của Hiệp sĩ mù không hề dở, rất nhiều lời thoại hay, ý nghĩa, nhiều câu hài hước, dí dỏm khiến khán giả phải bật cười. Nhưng cái dở đến từ những người "đọc thoại", như đã nói ở trên. Những câu triết lý rất hay và đẹp nếu để trên văn bản, nhưng khi một diễn viên phát ngôn những lời đó trên màn ảnh mà cảm xúc lại không tới, nó đã phản tác dụng và khiến người xem cảm giác bộ phim đang rao giảng kiến thức, dạy cách sống hơn là một câu chuyện đời, chuyện người.


(+) & (-): Âm thanh: Hiệp sĩ mù là bộ phim đầu tiên của Việt Nam được chiếu với phiên bản âm thanh Dolby Atmos - một công nghệ âm thanh tiên tiến cho phép khán giả có những trải nghiệm sống động và chân thực. Không thể phủ nhận phần âm thanh của Hiệp sĩ mù "sống động" hơn hẳn nhiều bộ phim không được áp dụng công nghệ này. Thế nhưng, nhiều khi âm thanh được làm "quá tay" dễ khiến người xem cảm giác "đinh tai nhức óc" hơn là tận hưởng sự chân thực, sống động. Ví dụ rõ nhất là trong những cảnh hành động của phim, khán giả thường xuyên "được" thưởng thức phần nhạc nền khoa trương dồn dập, chẳng khác nào trống trận. 
Chia sẻ