'Hiện tượng tuổi lên 10' - Cha mẹ cần lưu ý để nuôi dạy con đúng cách
Nhiều cha mẹ vẫn luôn nghĩ mình có nhiều thời gian đồng hành, giáo dục con, nhưng lại không biết rằng đứa trẻ lớn lên sẽ dần xa cách bố mẹ. Khi đó, nhiều cơ hội giáo dục đã bị bỏ lỡ.
Não bộ của một đứa trẻ có hai thời kỳ phát triển quan trọng: Giai đoạn đầu là trước 3-4 tuổi, giai đoạn còn lại khoảng 10 tuổi. Ở giai đoạn hai, lúc này tư duy và trí tuệ của trẻ sẽ phát triển nhanh chóng. Tâm lý của trẻ cũng sẽ có những thay đổi mạnh mẽ, kéo dài cho đến hết cấp 2.
Mặc dù bộ não của trẻ đang bắt đầu trưởng thành, nhưng "vỏ não trước trán" vẫn chưa phát triển hoàn thiện, rất khó để kiểm soát tính khí, khiến cha mẹ đôi khi mệt mỏi. Thời điểm này cũng chứng kiến cảnh nhiều phụ huynh đánh mắng con. Tuy nhiên, phương pháp giáo dục này chắc chắn không làm trẻ ngoan hơn mà sẽ khiến chúng trở nên thụ động, chậm chạp.
Giáo sư Lý Mai Cẩn, chuyên gia tâm lý tội phạm và nuôi dạy con cái, Đại học Cảnh sát nhân dân Trung Quốc từng nói: "Cha mẹ chỉ có giá trị trong 10 năm. Một khi để cơ hội giáo dục hết hiệu lực, nó sẽ trở thành điều hối tiếc cả đời của trẻ". Nhiều cha mẹ vẫn luôn nghĩ mình có nhiều thời gian đồng hành, giáo dục con, nhưng lại không biết rằng đứa trẻ lớn lên sẽ dần xa cách bố mẹ. Khi đó, nhiều cơ hội giáo dục đã bị bỏ lỡ.
Tuổi lên 10 sẽ là tiền đề cho giai đoạn dậy thì của trẻ. Có những điều cha mẹ không làm ngay để sau sẽ muộn. Vậy làm thế nào chúng ta có thể giúp trẻ vượt qua giai đoạn quan trọng này để trưởng thành khỏe mạnh và tích cực:
Cho trẻ thêm không gian
Tuổi lên 10 là bước ngoặt mà ý thức về bản thân của một đứa trẻ bắt đầu nảy mầm mạnh mẽ, cần được tôn trọng và cần cha mẹ coi mình như những người lớn. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ không hiểu được sự thay đổi tâm lý của con cái, vẫn theo thói quen sắp xếp cuộc sống của con mình. Ví dụ: Quy định con phải đọc sách gì, vào phòng con bất cứ khi nào muốn, lướt qua các cuộc trò chuyện, can thiệp vào việc kết bạn... Nhưng càng kiểm soát thì trẻ càng nổi loạn.
Lúc này, dùng uy quyền cha mẹ để "át vía" con thực sự không phải là cách hay. Ngược lại, cha mẹ phải để ý "ranh giới" và giao quyền tự chủ cho con. Khi đó, cha mẹ sẽ đối xử với con tôn trọng hơn, coi con như những người bạn. "Ý thức ranh giới" của cha mẹ sẽ cho trẻ ý nghĩ tích cực: Bạn là người lớn và bạn có thể đưa ra quyết định về mọi việc. Theo gợi ý đó, trẻ sẽ được rèn luyện khả năng suy nghĩ độc lập, tự chăm sóc bản thân và không thấy áp lực vì bị bố mẹ áp đặt nữa.
Giúp trẻ tìm mục tiêu
Nhiều phụ huynh nhận thấy sau khi bước vào lớp 4, sự nhiệt tình học hành của con cái giảm sút, điểm số cũng giảm theo. Sở dĩ như vậy bởi trước đây, trẻ em hầu hết đều được thầy cô và cha mẹ sắp đặt: "Con phải học" và kiến thức tương đối đơn giản, dễ học.
Nhưng lớp 4 không chỉ tăng độ khó mà còn tăng áp lực học tập, quan trọng hơn là trẻ sẽ tự nghi ngờ bản thân: "Tại sao phải học?". Lúc này, cha mẹ không nên cứ buộc tội mà phải giúp con đặt mục tiêu: Con muốn làm gì trong tương lai và con muốn đi đâu; Động viên con nhiều hơn: Những nỗ lực hiện tại của con là vì mục tiêu này, con không phải học cho cha mẹ, thầy cô mà cho chính bản thân con.
Chú ý đến tâm lý của trẻ
Phần lớn phụ huynh chỉ quan tâm đến chuyện giáo dục con cái ở lứa tuổi dậy thì. Do thường chủ quan nghĩ ở tuổi lên 10 trẻ chỉ biết học, biết chơi nên họ không dành thời gian quan tâm đến nhu cầu phát triển tâm sinh lý của con.
Về mặt tâm lý mà nói, trẻ ở độ tuổi này đã bước vào "thời kỳ tiền niên thiếu", và chúng bắt đầu có những rắc rối riêng. Ở thời điểm này, trẻ muốn được tôn trọng như người lớn và có thể có những hành động để chứng minh mình không còn là trẻ con nữa. Cha mẹ nên học cách bỏ điện thoại di động xuống và lắng nghe con cái nhiều hơn.
Bạn phải biết rằng mối quan hệ cha mẹ - con cái tốt đẹp chính là tiền đề để giải quyết mọi vấn đề. Trở thành bạn tâm giao của trẻ có thể giúp chúng tránh xa hiểm họa tiềm tàng nếu có.