Hiện tượng internet: Một bước lên “sao”, rồi… rơi độp?
Một hiện tượng internet có thể khiến cả tỷ người điên đảo, có thể tác động tới quyền lực mềm của cả một quốc gia. Thế nhưng, không ít thì nhiều, cuộc sống của chính những nhân vật làm nên hiện tượng ấy đã bị đảo lộn và con đường trở về mặt đất chưa hẳn đã hết gập ghềnh.
Một bước lên… “sao”
Với mục đích đơn giản là ghi lại khoảnh khắc dễ thương, ngây ngô của hai cậu con trai “quỷ sứ”, Howard Davies-Carr không ngờ được rằng, chỉ một clip trên YouTube đã khiến các con mình trở thành những người nổi tiếng bất đắc dĩ.
Để làm trò cho em chơi, Harry đã “dũng cảm” đưa ngón tay mình vào miệng em để… nhử. Chẳng ngờ, cậu em vô tư cắn “mồi” khiến Harry vừa la toáng lên vì đau, vừa mách bố bằng giọng điệu như cháy nhà: “Charlie lại cắn tay con rồi. Đau quá! Đau thật đấy”.
Trong khi ông anh đang rền rĩ với vết bầm ở tay, bé Charlie khiến người xem đặc biệt thích thú bởi nụ cười tinh quái và hết sức hồn nhiên.
Thực chất, clip “Charlie lại cắn tay con rồi” hoàn toàn không mang ý nghĩa gì đặc biệt. Nó đơn thuần là một hoạt cảnh bình thường trong cuộc sống. Tuy nhiên, clip đã thu hút tới hơn 200 triệu lượt truy cập trên YouTube, thu về tiền tỷ cho gia đình Davies-Carrs.
Thậm chí, hình ảnh của hai cậu bé còn được in lên áo phông để bán, trở thành nhân vật trong phim, trong game và ứng dụng phổ biến trong các thiết bị Apple và Android.
Tuy không tiết lộ về khoản tiền “trời cho” nhưng ông bố Howard bóng gió nói rằng, chừng đó đủ để gia đình anh mua một ngôi nhà mới khang trang.
Không kém phần tình cờ và bất ngờ, sau một lần thử giọng tại chương trình American Idol năm 2004, chàng sinh viên kỹ thuật dân dụng người Mỹ gốc Hoa William Hung bỗng nổi như cồn.
Khi ấy, William thể hiện bài hit She Bangs của Ricky Martin theo phong cách… thảm họa, khiến anh chàng bị loại ngay tức khắc. Tuy vậy, đoạn video của Hung lại thu hút sự quan tâm đặc biệt của khán giả bởi giọng hát… tức cười, động tác ngô nghê, ngoại hình mụ mẫm và cách nói chuyện ngây thơ.
Được đà, dù không sở hữu giọng ca thiên bẩm nhưng William Hung vẫn quyết chí theo đuổi sự nghiệp âm nhạc. Từ đó, William được đứng biểu diễn trên những sân khấu hoành tráng bậc nhất nước Mỹ, phát hành album, sản xuất băng đĩa và thu về lợi nhuận khủng mà nhiều ca sỹ có chất giọng vàng-bạc cũng phải ghen tỵ.
Cũng nổi lên từ một cuộc thi âm nhạc, nữ tu sĩ 25 tuổi xinh đẹp Cristina Scuccia khiến The Voice Italia “bấn loạn” với chất giọng dày, khỏe khoắn, truyền cảm, phong cách trình diễn tự tin, sôi động trong trang phục dài đen của nhà dòng, cổ đeo thánh giá.
Lần lượt trải qua các vòng thi, sơ Scuccia đã trở thành quán quân của chương trình và được đề cử đại diện cho Italia tham dự cuộc thi Eurovision 2015. Việc một nữ tu sĩ trở thành ngôi sao ca nhạc nổi tiếng có thể là chuyện “tiền vô khoáng hậu” tại Italia và thế giới. Vì thế, thành công và danh tiếng của sơ Scuccia đã không còn bó hẹp trong phạm vi quốc gia. Nhiều người còn cho rằng, sơ Scuccia có khả năng còn nổi nhanh hơn cả “cha đẻ” điệu nhảy ngựa Psy của Hàn Quốc.
Trở về mặt đất: Bằng phẳng hay chông gai
Từ một ca sỹ không mấy tiếng tăm, Psy nổi tiếng khắp toàn cầu, trở thành “người hùng” góp phần nâng tầm quyền lực mềm quốc gia nhờ điệu nhảy Gangnam Style chẳng giống ai. Từ một cuộc sống bình dân, người phụ nữ da màu Sweet Brown bỗng “hốt bạc” chỉ nhờ một câu nói ngắn ngủi: Ain’t nobody got time for that (Tạm dich: Làm gì còn ai có thời gian cứu hỏa) với biểu cảm khuôn mặt và giọng điệu độc nhất vô nhị.
Nổi tiếng, thành đạt và được nhiều người mến mộ, có lẽ Psy và Sweet Brown là một trong những hiện tượng internet “số đỏ” nhất thế giới.
Trong khi đó, cùng chung sự nổi tiếng, nhưng chàng mập William Hung lại không có được cái “phúc phận” nhiều người yêu mến tới vậy. Ngược lại, hiện tượng American Idol 2004 đã phải hứng không ít “gạch đá” và những bình luận ác ý khi anh theo đuổi con đường ca hát chuyên nghiệp.
Quả thực, đĩa của William Hung đã bán rất chạy, nhưng nếu nhìn vào bản chất của sự việc thì mới thấy, William đang bị soi mói hơn là được hâm mộ.
Một bộ phận người mua đĩa ủng hộ để khuyến khích tinh thần “hát hay không bằng hay hát” của Hung. Một số khác mua vì tò mò, hiếu kỳ, thậm chí là miệt thị. William Hung bị nhiều người coi là trò hề, bị đùa giỡn và là nạn nhân của tình trạng kỳ thị đối với người châu Á tại Mỹ.
Ngay cả trong mắt của nhiều nhà phân tích, William Hung chỉ là kẻ kéo tụt chất lượng nền giải trí Mỹ. Họ cho rằng, lý do khiến William trở thành nhân vật được nhiều người để mắt là vì ở anh chàng hội tụ tất cả những điểm xấu xí mà không ai muốn vướng phải: xấu trai, răng chìa, trọng tâm tiếng Anh dở ẹc, ngốc nghếch và không có năng khiếu hát hò. Cũng theo họ, sự nghiệp của William nổi lên từ chính sự chế nhạo, mỉa mai của người đời. Anh ta bị giới truyền thông khai thác như một món đồ chơi, một con rối, một chú hề hơn là tài năng âm nhạc hoặc người truyền cảm hứng.
Cùng với năm tháng, người yêu mến không thể mãi bỏ tiền ra để động viên Hung, người chỉ trích cũng chẳng còn hơi sức, hứng thú để theo dõi, đoái hoài. Kết quả, sau 7 năm ca hát, William đã quyết định từ giã showbiz để trở thành một chuyên viên phân tích tội phạm kỹ thuật. Sóng gió đã lắng dịu nhưng ai mà biết được những vết thương danh dự của William biết chừng nào mới lành lại.
Giá như William chỉ nổi lên từ American Idol, rồi chỉ hát cho vui, thì biết đâu hình ảnh của William vẫn luôn đẹp trong mắt cộng đồng mạng, và anh đã phải gánh chịu quá nhiều điều tiếng tới vậy.
Bài học của William Hung dường như đang được áp dụng vào câu chuyện của sơ Cristina Scuccia. Khác với William, sơ Scuccia có cả lợi thế về giọng hát lẫn ngoại hình. Tuy nhiên, nếu dấn thân vào showbiz, hình ảnh của một nữ tu sĩ đi hát sẽ gây ra không ít sóng gió.
Câu hỏi đặt ra là: Liệu sơ Scuccia có thay chiếc áo nhà dòng truyền thống bằng trang phục showbiz “thoáng mát”, bắt mắt để tiếp tục con đường ca hát chuyên nghiệp? Chỉ một nghi vấn ấy thôi cũng đủ khiến những tín đồ Công giáo bảo thủ “dậy sóng”.
Có lẽ đã lường tới tình huống này, cho nên, ngay khi The Voice Italia khép lại, sơ Scuccia đã thẳng thắn tuyên bố về dự định tương lai của mình. Thay vì tận hưởng ánh hào quang của làng giải trí, sơ Scuccia sẽ trở về với cuộc sống bình yên trước đây của mình.
"Tôi hoàn toàn hạnh phúc khi được trở về nhà thờ và cất tiếng ca cùng với các con em giáo dân. Tôi sẽ trở lại những công việc của tôi: cầu nguyện, thức dậy vào mỗi sáng sớm và làm những việc ở trường dòng”, sơ Scuccia chia sẻ.
Tuy vậy, việc trở thành quán quân The Voice cũng đồng nghĩa với những ràng buộc hợp tác với hãng Universal và những hợp đồng giải trí khác. Nếu vậy, trong tương lai, sơ Scuccia sẽ xuất hiện trên nhiều sân khấu bên ngoài The Voice và phát hành đĩa ra thị trường. Sơ Scuccia sẽ giữ vững lập trường hay sẽ nghiêng ngả theo những ngọn sóng đầy cám dỗ của showbiz? Thời gian sẽ cho cả thế giới biết câu trả lời.
Còn đối với gia đình chủ nhân của clip “Charlie lại cắn tay con rồi”, bình thản coi sự nổi tiếng là một kỷ niệm đẹp và mau chóng “tiếp đất” chính là sự lựa chọn của họ.
Sau khi đoạn clip trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng mạng, ban đầu gia đình Davies-Carr rất vui mừng, hồ hởi vì số tiền bất thình lình kiếm được và hai cậu con trai được nhiều người yêu mến. Tuy nhiên, sau đó, ông bố, bà mẹ bắt đầu nhận ra rằng, sự nổi tiếng có thể sẽ khiến một phần tuổi thơ của con cái mình bị đánh cắp. Harry và Charlie bối rối khi nhìn thấy mình trên truyền hình, xấu hổ, thậm chí sợ sệt khi người ta lao bổ vào… xin chữ ký.
Ông bố Howard bắt đầu từ chối các cuộc phỏng vấn, giữ bí mật về thu nhập, về nơi ở mới của gia đình và những thông tin riêng tư khác. Họ tạo khoảng cách với truyền thông và hạnh phúc khi được là chính mình – những con người không hề nổi tiếng…