Hiển thị tên định danh của nhà mạng từ 27/10: Giải pháp chống các cuộc gọi mạo danh để lừa đảo

Hạ Vũ,
Chia sẻ

Các cuộc gọi của doanh nghiệp viễn thông tới khách hàng sẽ được hiển thị tên định danh của nhà mạng kể từ ngày 27/10. Đây là giải pháp được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra để hạn chế, phòng chống tình trạng các cuộc gọi mạo danh lừa đảo đang có xu hướng gia tăng.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thời gian gần đây, tình trạng giả mạo xưng danh là Bộ TT&TT, Công an, Viện kiểm sát, Ngân hàng, Nhà mạng viễn thông … gọi điện đến số điện thoại cố định, di động của người dân tiếp tục tái diễn. Mục đích của các đối tượng là để thu thập thông tin nhằm hù dọa, lừa đảo để từ đó chiếm đoạt tài sản của người dân. Nhiều trường hợp đã bị cơ quan liên ngành như ngân hàng, công an phát hiện và kịp thời ngăn chặn. Tuy nhiên không ít trường hợp người dân vì lo sợ đã sập bẫy với thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng. 

Đáng nói dù đã liên tục được cảnh báo, tuy nhiên hiện tượng này đang có xu hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Hiển thị tên định danh của nhà mạng kể từ 27/10: Giải pháp chống các cuộc gọi mạo danh để lừa đảo - Ảnh 1.

Tình trạng mạo danh công an, toà án,... gọi điện cho người dân để lừa đảo tiếp tục tái diễn phức tạp.

Để phòng chống hình thức lừa đảo qua các cuộc gọi mạo danh, Bộ TT&TT đã chỉ đạo triển khai cấp tên định danh (Voice brandname) cho các số điện thoại là các số đường dây nóng của các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, cấp tên định danh cho các nhà mạng viễn thông di động, cố định như VNPT, Viettel, MobiFone, FPT… Giải pháp này cũng sẽ giúp người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo.

Dịch vụ định danh số điện thoại (voice brandname) là dịch vụ hiển thị tên thương hiệu lên trên điện thoại của người dùng khi có cuộc gọi đến thay vì số điện thoại. Qua đó, người dùng không còn e dè trước các cuộc gọi lạ làm phiền, nặc danh..

Bộ TT&TT báo tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân được biết, kể từ ngày 27/10/2023, tất cả các số điện thoại gọi đến người dân của các đơn vị thuộc Bộ TT&TT là Văn phòng Bộ, Cục Báo chí, Cục An toàn thông tin, Cục Viễn thông, Cục Tần số Vô tuyến điện sẽ có hiển thị tên định danh "BO TTTT". Việc này đã được các đơn vị thuộc Bộ TT&TT hoàn thành từ ngày 20/10. Cũng từ ngày 27/10/2023, các số điện thoại của doanh nghiệp viễn thông khi gọi đến khách hàng sử dụng dịch vụ cũng đều hiển thị tên định danh.

Chẳng hạn như VNPT, VinaPhone (nhà mạng Vinaphone), VIETTELCSKH (nhà mạng Viettel); FPT SHOP (nhà mạng FPT), LOCAL (nhà mạng ASIM)… Các số điện thoại gọi đến người dân mà xưng danh là đơn vị thuộc Bộ TT&TT gồm Văn phòng Bộ, Cục Báo chí, Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, Cục Tần số Vô tuyến điện; xưng danh là doanh nghiệp viễn thông (Vinaphone, Viettel, FPT..), nhưng không hiển thị tên định danh kèm theo đều là các số điện thoại giả mạo, có dấu hiệu lừa đảo.

Khi nhận cuộc gọi từ các số điện thoại giả mạo, người dân cần phản ánh tới các đầu số tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo của Bộ TT&TT là 156, 5656 hoặc phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao của mình để yêu cầu xử lý.

Chiêu trò lừa đảo từ những cuộc gọi giả danh.

Kịch bản phổ biến đang được nhiều đối tượng xấu sử dụng đó là giả mạo lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo nạn nhân đang liên quan đến một vụ án nghiêm trọng như buôn ma túy, gây tai nạn bỏ trốn, vi phạm Luật Giao thông, lừa đảo xuyên quốc gia,... Để người dùng dễ dàng “sập bẫy”, các đối tượng thực hiện các cuộc gọi lừa đảo chủ yếu đánh vào tâm lý sợ hãi của con người. Khi người dân lo sợ, chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng cung cấp thì chúng chiếm đoạt ngay lập tức.

Theo trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCNC), người dân cần lưu ý rằng, các lực lượng chức năng nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng.”

Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là ý thức phòng ngừa, cảnh giác của người dân. Người dân phải hết sức thận trọng, bình tĩnh trước những thông tin đe dọa, uy hiếp, phải dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại để tránh bị lừa đảo.


Chia sẻ