Hiểm họa từ cây xăng mini

,
Chia sẻ

Loại hình kinh doanh “cây xăng mini” mới xuất hiện tại vài tuyến đường của Hà Nội nhưng đã đặt ra câu hỏi lớn về chất lượng xăng và nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn.

Gọi là “cây xăng mini” vì hình thức nhỏ nhưng cấu trúc và cách thức vận hành không khác là mấy so với các cây xăng thông thường. Những cây xăng mini này đã được các hộ kinh doanh mua với giá từ 800.000 – 900.000đ/1 chiếc tuỳ loại. Tuy nhiên loại xăng duy nhất bày bán là A92.

Thời điểm đông khách nhất của “cây xăng mini” là vào ban đêm khi các cây xăng lớn đã đóng cửa. Hay nói cách khác, chỉ khi nào “nhỡ”, người tiêu dùng mới phải bắt buộc mua xăng tại những điểm bán xăng nhỏ lẻ này để “dùng tạm”.

Anh Nguyễn Xuân Thắng (đường Nguyễn Trãi- Thanh Xuân) cho biết “Nhiều lần bất đắc dĩ phải dùng loại xăng này nhưng tôi cảm  thấy không yên tâm về chất lượng xăng, hơn nữa giá cả lại đắt hơn nhiều so với những cây xăng lớn.”

Trên đoạn đường Ba La- Hà Đông, những cây xăng mini như vậy được rải khắp trên đường. Giá bán được các cửa hàng đưa ra là 20.000đ/1lít, đắt hơn 3000đ/1 lít so với giá thông thường. Hơn nữa, người mua còn băn khoăn về chất lượng vì màu xăng của những cây xăng mini này đậm hơn nhiều so với màu xanh nhạt của những cây xăng lớn.

Đáng lưu ý chính là nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn từ những cây xăng này. Vào những ngày trời nắng nóng, áp suất trong bình chứa xăng tăng, xăng tự động đùn lên bình thủy tinh và bốc hơi mắt thường cũng nhìn thấy, những người qua đường nhìn thấy đã sợ, người chủ cây xăng lại còn hoảng loạn hơn. Anh Hoàng - một người dân sống tại khu vực Ba La cho biết “Nhìn bình xăng như muốn nổ tung mà thấy sợ. Nói dại chứ nhỡ mà chúng nổ thật thì không biết hậu quả sẽ ra sao?”.

Theo quy định của pháp luật, khi muốn kinh doanh dịch vụ này, các cá nhân, tổ chức trước tiên cần hoàn chỉnh một số loại giấy tờ bắt buộc như: giấy phép phòng cháy chữa cháy; chứng nhận kiểm định các thiết bị của trụ bơm, giấy chứng nhận nghiệp vụ công nhân kỹ thuật, xác nhận tác động tới môi trường…Nhưng trên thực tế, các “cây xăng mini” tại Hà Nội hiện không tuân thủ bất cứ một quy định nào nêu trên.

Những cây xăng mini này được sản xuất tại các cơ sở thuộc xã An Thượng, huyện Hoài Đức. Mỗi tháng có hàng ngàn cây xăng mini các loại được tung ra thị trường nhưng việc sản xuất tại những cơ sở này rất thô sơ và mang tính chất thủ công, không hề thấy “dấu vết” gì của việc các thiết bị này được kiểm định, kiểm tra chất lượng.

Trước đó, vào tháng 6 năm 2008, Chi cục QLTT tỉnh Nam Định đã tịch thu hàng trăm “cây xăng mini”(hay còn gọi là “bom xăng”) trên địa bàn tỉnh. Những bom xăng này được sản xuất tại làng Xuân Tiến (xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Tuy nhiên cho đến thời điểm này, các “cây xăng mini” vẫn đang được tiếp tục sản xuất công khai ở xã An Thượng, huyện Hoài Đức mà chưa có bất kỳ sự can thiệp nào.

Lo lắng vẫn chỉ là lo lắng một khi những cây xăng mini này vẫn chưa được cơ quan chức năng nào đứng ra bảo đảm về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm. Còn người dân, mỗi khi “ nhỡ nhàng” thì họ vẫn phải mua xăng tại những cây xăng như vậy để dùng và đương nhiên vẫn phải chịu cảnh bị bóp chẹt về giá cả và thấp thỏm vì chất lượng xăng.

 
TH
Tổng hợp
Chia sẻ