Hiểm họa trong thực phẩm trông "đẹp mắt"
Thực phẩm màu càng lòe loẹt, rau quả xanh tươi một cách bất thường... thì nguy cơ lạm dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến và bảo quản càng cao.
Hiện chưa kiểm soát được các loại hóa chất bảo quản hoa quả nhập ngoại - (Ảnh: Ngọc Thắng) |
Phát biểu tại tọa đàm, PGS-TS Phạm Công Thành (ĐH Bách khoa Hà Nội) cảnh báo: hoa quả có màu sắc tươi rất lâu ngày chắc chắn là có sử dụng chất bảo quản.
Nhưng ông Thành cũng nhìn nhận trong điều kiện hiện nay "chưa thể tìm ra đó là chất gì, ngay cả với một số sản phẩm chế biến sẵn nếu không nêu danh chất bảo quản có chứa trong đó thì cũng khó mà tìm ra".
"Có người hỏi tôi, họ chế biến một loại thịt sấy khô chỉ sau 3 ngày là đã biến đổi, không đảm bảo chất lượng như ban đầu, vậy sao có sản
Để phòng tránh ngộ độc do ăn phải thực phẩm bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật và chất bảo quản rau quả, cần chú ý: - Không mua, sử dụng rau quả có mùi, vị lạ, khác thường. - Ngâm kỹ, rửa sạch, gọt vỏ các loại rau quả ăn tươi. Ngâm kỹ, rửa rau quả ít nhất 3 lần hoặc rửa dưới vòi nước chảy, nếu có thể, để loại trừ phần lớn các thuốc bảo vệ thực vật tồn dư, tức là loại trừ phần lớn nguy cơ ô nhiễm qua con đường rửa trôi. - Rửa kỹ phần núm quả hay kẽ lá là những nơi lưu giữ hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng nhiều nhất bởi lẽ chỗ đó thường lõm lại. Nên ngâm rồi hãy rửa vì rau quả trên bề mặt có lớp biểu bì, nơi thấm hút rất nhiều hóa chất khi tưới lên…
phẩm tương tự hạn dùng được 3 tháng, và nhờ tôi tìm kiếm chất bảo quản giúp sản phẩm có hạn sử dụng lâu dài đó. Nhưng chúng tôi cũng chịu, vì chất đã được tẩm ướp vào thịt thì làm sao tìm ra nổi!", ông Thành nói và khuyến cáo: "Người tiêu dùng cần lựa chọn những sản phẩm có nhãn mác đầy đủ, thể hiện các thành phần của cơ sở đã công bố chất lượng tại cơ quan quản lý".
GS-TSKH Lê Doãn Diên, Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ lương thực, thực phẩm VN, cũng nhìn nhận: "Nhiều loại quả được bảo quản bằng hóa chất có thể để dài ngày mà không hư hỏng. Có những quả bên ngoài vỏ tươi đẹp, gần như nguyên màu sắc nhưng bên trong ruột có khi đã biến đổi, có mùi khó chịu hoặc đã khô. Điều này chứng tỏ có sử dụng chất bảo quản. Tuy nhiên, hiện chưa kiểm soát được hết loại chất bảo quản này, dù nó có thể là mối nguy cho sức khỏe".
TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện phó Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, cảnh báo cụ thể về tình trạng lạm dụng hóa chất để chế biến, bảo quản thực phẩm. Theo TS Hảo, hiện có nhiều loại thực phẩm người sản xuất sử dụng màu tổng hợp hóa học để chế biến, nhằm tạo ra màu sắc đẹp và bền, bất chấp có thể gây nguy hiểm cho người tiêu dùng. "Các phẩm màu tổng hợp thường đạt độ bền màu cao, với một lượng nhỏ đã cho màu đạt với yêu cầu đặt ra, nhưng chúng hoàn toàn không có giá trị về mặt dinh dưỡng và có thể gây ngộ độc nếu dùng loại không nguyên chất, không được phép dùng trong thực phẩm", TS Hảo nói và khuyến cáo phẩm màu được sử dụng khá phổ biến trong nhóm thực phẩm chế biến sẵn, như: bánh, mứt, kẹo, hạt dưa; gia vị (tương ớt, ớt bột...).
Nguy cơ đặc biệt cao nằm trong nhóm thức ăn đường phố: thịt quay, thịt nướng... các sản phẩm bán ở các hàng rong, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Làm sao để nhận biết thực phẩm bị lạm dụng chất bảo quản? Theo TS Hảo, muốn chính xác chỉ có thể qua xét nghiệm. "Trong cuộc sống hằng ngày, người tiêu dùng nên sử dụng các sản phẩm có màu sắc tự nhiên. Ngoài ra, thực tế qua kiểm tra cho thấy việc lạm dụng chất bảo quản tập trung chủ yếu vào các sản phẩm không bao bì nhãn hiệu hoặc xuất xứ không rõ ràng; sản phẩm không nhãn hoặc có nhãn nhưng không ghi rõ các nội dung này, hoặc ghi lập lờ...", TS Hảo khuyên.
Tràn lan hóa chất, phụ gia độc hại
Liên tục trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng tại TP.HCM kiểm tra và phát hiện nhiều loại thực phẩm bị nhà sản xuất, chế biến lạm dụng hóa chất, phụ gia độc hại. Hai vụ mới nhất được dư luận quan tâm là hạt dưa và ớt bột có chứa chất gây ung thư Rhodamine B (một loại hóa chất có trong phẩm màu công nghiệp).
Cà pháo thực phẩm thường được tẩy trắng bằng hóa chất - (Ảnh: T.Tùng)
Trước vụ ớt bột, hạt dưa không lâu, vào ngày 21.12.2009, Sở Y tế TP.HCM công bố kết quả kiểm nghiệm 19 mẫu cháo dinh dưỡng bán trên địa bàn, có 4 mẫu chứa Natri Benzoat (một hóa chất phụ gia cho vào để chống cháo bị ôi, chua) với hàm lượng từ 200 - 300 mg/kg. Đáng lưu ý, những loại cháo dinh dưỡng này được nhiều bậc cha mẹ sử dụng cho trẻ nhỏ, trong khi Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn thực phẩm khuyến cáo "Natri Benzoat không được sử trong bảo quản thực phẩm dành cho trẻ dưới 1 tuổi". Ba ngày sau, ngày 24.12, Thanh tra Sở Y tế thành phố kiểm tra một cơ sở sản xuất lạp xưởng ở P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, phát hiện tại đây có một số chất phụ gia không nhãn mác, có loại đã quá hạn sử dụng!
Trước đó nữa, vào ngày 13.11.2009, lực lượng chức năng gồm y tế, công an... kiểm tra hai cơ sở chuyên sản xuất cung cấp bì heo cho các quán cơm ở P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân và ở P.16, Q.8, phát hiện hai nơi này tẩy trắng bì bằng hóa chất, oxy già và hàn the. Với mặt hàng xí muội, mứt, quả khô bán tại các quầy sạp ở chợ Bình Tây (TP.HCM), kết quả kiểm tra dịp cuối năm qua cho thấy 4/6 mẫu có hàm lượng Cyclamate - loại phụ gia không được phép có trong thực phẩm.
Ớt bột của cơ sở Kim Nga bị nhiễm Rhodamine B - (Ảnh: T.Tùng)
Riêng loại thức uống quen thuộc với học sinh là trà sữa trân châu, qua kiểm tra tại TP.HCM gần đây cho thấy có 6/12 mẫu hạt viên trân châu chứa natri sulfat (một loại chất tẩy trắng công nghiệp, không có trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế)... Đáng ngại hơn, trong số 27 người bị ngộ độc rượu tại TP.HCM thời gian qua (có 9 trường hợp tử vong), kết quả xét nghiệm cho thấy các mẫu rượu gây ngộ độc có chứa methanol với hàm lượng rất cao.
Theo một cán bộ chuyên trách về an toàn vệ sinh thực phẩm của TP.HCM, những loại thực phẩm nguy cơ cao sử dụng hóa chất phụ gia dùng trong công nghiệp (nhằm có lợi nhuận cao), như: dùng hóa chất để tẩy trắng đường, tẩy trắng các loại rau củ (sả, cà pháo, rau...), dừa tươi...; dùng hàn the trong chế biến giò chả, chả lụa (nhằm giòn, ngon); dùng phẩm màu công nghiệp trong chế biến xôi, ớt, hạt dưa, bánh mứt... "Qua kiểm tra trong thời gian gần đây cho thấy, thường các cơ sở lớn tuân thủ tốt hơn trong việc sử dụng phụ gia, phẩm màu, vì họ sợ bị cơ quan chức năng phát hiện, công bố, đánh mất thương hiệu. Tình trạng lạm dụng hóa chất phụ gia hiện nay thường tập trung vào các cơ sở nhỏ, dạng thời vụ...", một cán bộ Thanh tra y tế TP.HCM nhận định.
Chiều 29.1, Sở Y tế TP.HCM cho biết qua kiểm nghiệm mẫu ớt bột, bột điều của cơ sở sản xuất Kim Nga (KP 3, đường số 3, P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TP.HCM - nơi chuyên sản xuất, cung cấp bột ớt, bột điều làm gia vị ướp các loại thịt, nêm nếm vào súp, các món nướng...), cho thấy loại ớt bột 500 g/bịch (sản xuất ngày 20.1.2010) có chứa Rhodamine B với hàm lượng 51,12 mg/kg, không đạt tiêu chuẩn vi sinh; loại bột điều 500 g/bịch (sản xuất ngày 20.1.2010) cũng có Rhodamine B, với hàm lượng 33,41 mg/kg. Thanh tra Sở Y tế đình chỉ hoạt động đối với cơ sở Kim Nga; buộc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ lô ớt và bột điều nói trên. |
Theo Thanh Tùng- Liên Châu