Chia sẻ HCV, 2 nhà vô địch nhảy cao khiến thế giới ngả mũ thán phục
Chưa từng về nhất ở các giải đấu tổ chức sân ngoài trời, cũng chưa hề chinh phục nổi mức xà 2,37m nên dễ hiểu niềm vui được chia sẻ HCV Olympic Tokyo của Gianmarco Tamberi với đối thủ Mutaz Essa Barshim người Qatar.
Thật ra khi mức xà ở khu vực nhảy cao ở sân vận động quốc gia Tokyo được nâng lên độ cao 2,39m, còn đến 6 VĐV tranh tài nhưng ngoài bộ ba Gianmarco Tamberi (Ý), Mutaz Essa Barshim (Qatar) và Maksim Nedasekau (Belarus) cố gắng tranh chấp huy chương, cả ba người còn lại gồm Woo Sang-hyeok (Hàn Quốc), Brandon Starc (Úc) và Mikhail Akimenko (Ủy ban Olympic Nga) chỉ cố gắng "thử thời vận" do đều đã thất bại ở độ cao 2,37m.
Mutaz Essa Barshim (Qatar) chinh phuc mọi mức xà từ 2,24 đến 2,37m
Sau khi nhóm các ứng viên Belarus, Hàn Quốc, Úc và Ủy ban Olympic Nga chấp nhận dừng bước, cả Gianmarco Tamberi và Mutaz Essa Barshim cũng không qua nổi mức xà 2,39m sau cả ba lần nhảy theo quy định. Do đây là hai VĐV còn khả năng tranh chấp thứ hạng cao nhất, một thành viên Ban trọng tài đã tiếp cận và nêu vấn đề nâng xà lên thi đấu tiếp hoặc giảm độ cao xuống mức 2,38m để xác định thứ hạng.
Đẳng cấp của đương kim á quân Olympic 2016
Từng là người Qatar đầu tiên đoạt được tấm HCB Olympic tại Rio 2016, Mutaz Essa Barshim có lẽ hiểu rõ hơn ai hết niềm hạnh phúc của một VĐV trên đỉnh vinh quang. Chính anh đã đặt vấn đề với trọng tài: "Liệu nội dung thi của chúng tôi có thể chia sẻ chiến thắng, nghĩa là cả hai chúng tôi đều nhận được HCV?".
Trọng tài chấp thuận đề nghị chia sẻ HCV của Barshim và Tamberi
Câu trả lời từ vị quan chức: "Có thể chứ" và Barshim nhìn Tamberi rồi quyết định hợp tác bằng việc gật đầu đồng ý dừng thi đấu và cả hai cùng giành được HCV. Mất đến một lúc để ngẩn người vì quyết định của Barshim và nhận thức được cách giải quyết vấn đề bằng cách chia sẻ HCV, Tamberi ngây ngất và nhảy vào vòng tay của Barshim, dành cho đối thủ lớn cái ôm thân thương nhất từ trước đến nay.
Gianmarco Tamberi thể hiện phong độ ấn tượng
Cả hai gặp nhau lần đầu tiên vào năm 2010 tại một cuộc thi ở Canada và kể từ đó họ thường xuyên thi đấu với nhau. "Anh ấy là một trong những người bạn tốt nhất của tôi, không chỉ trên đường đua, mà cả bên ngoài cuộc đời. Một giấc mơ trở thành sự thật. Đó là tinh thần thể thao thực sự và chúng tôi muốn truyền tải thông điệp này", Barshim phát biểu sau khi trở thành nhà vô địch Olympic lần đầu tiên trong sự nghiệp.
Cả hai trở thành nhà vô địch Olympic Tokyo
Khoảnh khắc thăng hoa của Tamberi và niềm vui Barshim
Cả hai sau đó đã chạy khắp sân vận động Quốc gia Tokyo để ôm các đồng nghiệp cũng như chia sẻ niềm vui với các thành viên trong đoàn thể thao của mình quốc gia trên khán đài. Tamberi sau đó còn khoác lên vai quốc kỳ Ý, nhảy bổ ra đường piste để chào đón đồng hương Lamont Marcelli Jacobs, người giành chiến thắng cự ly 100m nam và hình ảnh này đã gây xúc động cho cả hàng triệu người đang xem thi đấu qua màn ảnh nhỏ.
Tamberi chia sẻ niềm vui với Lamont Marcelli Jacobs trên đường chạy 100m
Chiến thắng đặc biệt quan trọng đối với Tamberi, người đã không thể thi đấu tại Rio năm 2016 sau khi bị gãy mắt cá chân chỉ vài ngày trước Thế vận hội khai mạc. Shelby McEwen, đối thủ người Mỹ xếp hạng 12 nội dung nhảy cao nam, đã gọi đây là một minh chứng về "tinh thần thể thao tuyệt vời".
Gianmarco Tamberi thăng hoa cảm xúc
Mutaz Essa Barshim lần đầu giành HCV Olympic
Đây không phải lần đầu có 2 VĐV cùng giành HCV ở mội nội dung thi đấu tại Thế vận hội. Tại Rio 2016, Simone Manuel (Mỹ) và Penny Oleksiak (Canada) đã cùng giành HCV nội dung 100m bơi tự do nữ. Trước đó, tại Olympic 2000, Anthony Ervin và Gary Hall (cùng của Mỹ) đã chia sẻ HCV ở nội dung 50m bơi tự do nam.