Hì hục đào mương, 3 anh em bất ngờ tìm thấy bình cổ đựng 40kg toàn vật thể bằng vàng
Thật không ngờ, bên trong chiếc bình cổ mà 3 anh em đào được lại chứa rất nhiều vật thể bằng vàng.
Một trong các điểm đặc biệt có sức hút của văn hóa Trung Quốc với du khách thế giới ngày nay đó là hệ thống công trình, di tích và cổ vật phong phú, được phát hiện, khai quật hoặc bảo tồn từ hàng trăm triều đại trong lịch sử nước này. Trong đó, các cổ vật luôn có một sức hút đặc biệt vì những câu chuyện xoay quanh chúng.
Một trong rất nhiều dẫn chứng điển hình là kho báu có niên đại rất xa xưa, từ thời Chiến Quốc (năm 476 TCN - năm 221 TCN).
Đụng trúng bình cổ chứa toàn vật thể bằng vàng
Tháng 2 năm 1982, khi đang bước vào thời điểm giao mùa giữa đông và xuân, người dân của hương Mục Điếm, huyện Hu Dị của địa cấp thị Hoài An, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc chuẩn bị vào giai đoạn cấy sớm. Đó là ngày 10/2, cả hương thống nhất đi đào mương, mỗi nhà phụ trách một khu vực.
Người anh cả Vạn Y Tài sau 30 năm tìm thấy chiếc bình cổ chứa toàn vật thể bằng vàng. (Ảnh: Sohu)
3 người con nhà họ Vạn cũng tham gia vào hoạt động này. Nhà họ có 3 anh em, người anh cả là Vạn Y Tài. Ba anh em đều đã lập gia đình nhưng vẫn sống cùng bố mẹ, Vạn Y Tài đóng vai trò là trụ cột của cả nhà. Từ thời tổ tiên, nhà họ Vạn vẫn luôn làm nông, đến thời của họ vẫn là nông dân. Cuộc sống của gia đình họ không hề khá giả mà khá khó khăn. Vạn Y Tài là người lương thiện, chăm chỉ, quyết đoán nên người dân bầu anh làm đội trưởng đội sản xuất của làng.
Lúc đó, anh em nhà Vạn Y Tài tập trung vào một chỗ đào đất để công việc sớm hoàn thành. Khi họ đang dùng xẻng đào, đột nhiên người anh cả va phải thứ gì đó cứng như đá. 3 người xúm vào bới đất và tìm cách đẩy hòn đá ra. Nhưng, sau đó họ phát hiện ra đó không phải là đá hộc mà là một cái bình lớn. Thấy sự lạ, cả 3 lập tức đào nhanh hơn, cuối cùng họ cũng lôi được cái bình ra khỏi đất bùn và nước.
Chiếc bình có vẻ ngoài rất kỳ lạ. Nó có màu xanh ánh lam, miệng và đáy thu nhỏ còn phần bụng thì phình ra. Xung quanh phần bụng của bình có gắn thêm một vài con rồng.
Cận cảnh chiếc bình cổ và một số vật thể bằng vàng được tìm thấy bên trong. (Ảnh: Sohu)
Khi họ mở nắp của chiếc bình, 3 anh em thấy trong bình có nhiều mảnh kim loại màu vàng lấp lánh. Người em út không giữ được bình tĩnh chợt hét lên: "Trời ơi, bên trong toàn là vàng." Hai người lớn vội can ngăn nhưng không kịp, họ liền ba chân bốn cẳng chạy về nhà.
Một số người dân đang làm việc ở gần đó đã nghe thấy lời này. Họ bảo nhau: "Nhà họ Vạn đào được vàng. Chúng ta hãy đến nhà họ xem sao!"
Những đồ vật bên trong bình đều được làm bằng vàng. (Ảnh: Sohu)
Về tới nhà, 3 anh em Vạn Y Tài rửa sạch chiếc bình và đổ nó ra đất. Thật bất ngờ, bên trong bình có vô số vật thể bằng vàng. Sau khi cân, khối lượng của những thứ này lên tới cả 40kg. Họ liền cất vội số vàng này vào bình để cùng bàn tính.
Báu vật quý giá
Ban đầu, 3 anh em định chia số vàng này làm ba. Nhưng sau khi quan sát số vật thể, Vạn Y Tài cho rằng những món đồ này đều có khắc chữ nên chúng có thể là cổ vật thì cần báo cho chính quyền.
Nào ngờ, dân trong hương biết chuyện đã kéo đến nhà họ đòi chia phần. Họ cho rằng, vàng tìm thấy trên đất đai của hương thì ai cũng phải được chia. Thấy vậy, Vạn Y Tài vội đến báo với lãnh đạo.
Chiếc bình kỳ lạ chứa đầy vật thể bằng vàng được 3 anh em họ Vạn tìm thấy. (Ảnh: Sohu)
Chính quyền nhanh chóng báo cáo lên cấp trên và cử một nhóm chuyên gia khảo cổ tới nhà Vạn Y Tài để xác định thông tin. Quả thật số vàng này chính là báu vật, những dòng chữ khắc lên vàng đều là biểu tượng thời Chiến Quốc (năm 476 TCN - năm 221 TCN). Những bánh vàng còn có vẻ bề ngoài sáng bóng, độ tinh khiết rất cao. Không những vậy, chúng còn trông rất mới, gần như không bị hư hại theo thời gian. Lời nói của chuyên gia khiến mọi người vô cùng bất ngờ vì không ai nghĩ số vàng này có lịch sử lâu đời đến như vậy.
Thế nhưng, vừa nhìn thấy chiếc bình, nhóm chuyên gia nhận định nó không phải là một món cổ vật thông thường. Hóa ra chiếc bình hoen gỉ này là bình đựng rượu được lưu truyền từ thời Chiến Quốc. Chiếc bình này được chạm khắc rất tinh xảo với những họa tiết rồng và hoa đào xen kẽ. Bề mặt của nó còn được khảm thêm vàng, bạc. Tuy bên ngoài chiếc bình này có phần bị oxy hóa nhưng nhìn chung vẫn còn hiện trạng khá tốt.
Trước đây, một chiếc bình tương tự từng được tìm thấy và hiện đang trưng bày ở Bảo tàng ĐH Pennsylvania (Mỹ). Chuyên gia khảo cổ khẳng định chiếc bình quả thực là một bảo vật quý hiếm, giá trị của nó cao gấp trăm lần so với số vàng bên trong.
Chiếc bình cổ được chạm khắc rất tinh xảo với những họa tiết rồng và hoa đào xen kẽ. (Ảnh: Sohu)
Sự quý giá của chiếc bình không chỉ nằm ở tuổi đời mà còn bởi độ quý hiếm và giá trị nghiên cứu của nó. Vì vậy, các chuyên gia khảo cổ rất vui mừng khi được chứng kiến cổ vật này được khai quật ở Trung Quốc. Hơn nữa, họ cũng cho biết, bên trên chiếc bình cổ được tìm thấy ở Trung Quốc có khắc biểu tượng của 2 nước Yên và Tề nên nó càng quý và hiếm hơn. Các nhà khảo cổ học đã đặt tên cho chiếc bình cổ này là "Trần chương viên hồ".
Chiếc bình này là đồ đồng duy nhất hiện có kết hợp đồng và vàng tạo nên thành tựu to lớn của nghề thủ công kim loại thời tiền Tần, phản ánh các sự kiện lịch sử lớn. Đồng thời nó cũng thể hiện công nghệ đúc khuôn đất sét ở thời kỳ này đã đạt tới trình độ cao nhất.
Anh em nhà họ Vạn đã quyết định giao nộp số vàng và chiếc bình cổ cho chính quyền. Để khen ngợi hành động này, họ đã được trao thưởng 10.000 NDT. Số tiền này họ dùng để cải tạo lại ngôi nhà cũ và cải thiện cuộc sống gia đình. Nhiều người dân trong hương cảm thấy rất bất bình vì 3 anh em đã giao nộp toàn bộ cổ vật khiến họ không có lợi lộc nào. Nhưng 3 anh em không hối hận vì họ cho rằng hành động này đã góp phần bảo tồn lịch sử, văn hóa. Sau đó, 2 trong số 3 anh em đã chuyển tới nơi khác sinh sống, còn anh cả Vạn Y Tài vẫn cố bám trụ lại quê hương để thờ phụng tổ tiên.
Chiếc bình và số vàng sau đó được chính quyền trưng bày tại Bảo Tàng Nam Kinh, Trung Quốc. Trong các năm 2002, 2012 và 2013, nó được Cục Quản lý Di sản văn hóa Trung Quốc đưa vào "Lô di tích văn hóa quốc gia cấm triển lãm ở nước ngoài".
Nguồn: Sohu, Sina, 163