HH Thu Thủy - 18 tuổi chưa đủ để gánh vác vai trò một hoa hậu

,
Chia sẻ

"18 tuổi thì không thể đủ kinh nghiệm để gánh vai trò ấy. Như chị Ngọc Khánh được giải hoa hậu khi đã 22 tuổi, và cách xuất hiện, cách tạo hình ảnh của chị rõ ràng ít lỗi hơn."

- Quay trở lại năm 1994, điều gì đưa chị đến với cuộc thi năm đó?

Trong một lần đi chơi, tôi tình cờ gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam, một người rất tâm huyết với cái đẹp. Bác khuyên tôi đi thi, rồi đến nhà mấy lần để thuyết phục bố mẹ tôi. Vậy mà bố mẹ tôi đồng ý thật và tôi đi thi thôi. Nhưng tính tôi vốn hiếu thắng, nên tính ăn thua đúng là có, và cuối cùng cũng đạt mục đích. Có điều nói thật là sau cuộc thi, vương miện hoa hậu đã ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống, làm tôi mất cân bằng.

Về bản chất, tôi không phải người thích đám đông, lúc trước ít giao tiếp rộng, còn hay bị gọi là “tồ” nữa. Vậy mà sau đó được đứng ở đỉnh cao, được tung hô, nhiều người ca ngợi, mà ca ngợi có khi quá cả giá trị thật của mình. Rồi ý thức về vật chất của tôi thay đổi. Thay đổi chóng mặt đấy!

Bạn nghĩ xem, một cô gái 18 tuổi, vốn sống trong một gia đình khuôn khổ, rơi vào thế giới đó rõ ràng là… choáng. Tôi không biết cái gì là giá trị thật sự, có thật mình tạo ra giá trị đó không? Tôi rơi vào khủng hoảng, không tập trung, không học được, nghĩ rằng cần gì phải học vì có những thứ hay ho hơn đến dễ dàng hơn. Lúc đó, tôi không nghe lời khuyên của ai cả, bố mẹ tôi cũng không thể thuyết phục tôi phải học.

Một ngày diễn thời trang hay làm gương mặt đại diện ở hội chợ là bằng cả tháng, cả năm lương của bố mẹ thì làm sao tôi học được? Bố mẹ không thể dùng quyền ép buộc, cũng không thể mang sự hấp dẫn của trí thức mà thuyết phục. Tuy vậy, trong tôi vẫn còn có bản năng, nói rằng tôi không thể đi theo con đường nghệ thuật lâu dài. Tôi đã nghĩ đến những thứ đằng sau của vinh quang rồi.

- Sao chị nghĩ đến hậu vinh quang sớm vậy, khi đang trong cơn say của người chiến thắng?

Bởi có câu chuyện thế này. Đêm đăng quang, khi đi xuống tôi thoáng nhìn thấy ánh mắt của Hà Kiều Anh, rồi tôi bị vây quanh bởi các nhiếp ảnh gia. Hôm sau, mọi người mới kể chuyện, tối qua Kiều Anh khóc đấy. Lúc đó, tôi đã nghĩ đến chuyện 2 năm nữa, khi có người khác đăng quang thì cái gì còn lại với mình? Có phải tiền bạc không? Có phải những lời tung hô không? Tôi nhớ đến ánh mắt của Hà Kiều Anh, nghĩ đến sự mong manh của nhan sắc, cái khắc nghiệt của sự lãng quên. Ánh mắt ấy cứ ám ảnh tôi mãi.

- Và khi cái thời hạn 2 năm đã tới, chị đối diện với nó thế nào?

Hụt hẫng chứ! Chính thời điểm đó các quan hệ gia đình cũng có một số khủng hoảng, tôi thiếu tự tin hơn, thấy mình đi xuống, mặc dù đã có chuẩn bị tinh thần trước.
 
 
- Chị có nghĩ tất cả những trạng thái khủng hoảng cũng như hụt hẫng là do bản thân chị hoàn toàn bị động trước vương miện ấy?

Đúng, mình không chuẩn bị trước. Trở thành hoa hậu xong, tôi không biết mình phải làm gì, cũng chẳng được ai hướng dẫn cả, chỉ láng máng hình như hoa hậu là phải đi làm từ thiện. Tôi nhớ hồi ấy tôi được chọn để xuất hiện trong một chương trình kêu gọi bảo vệ môi trường rất hay, cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và anh Trần Bình Minh.

Lúc đó báo chí nước ngoài coi việc lựa chọn này chứng tỏ ảnh hưởng của người được chọn rất lớn. Nhưng quả thật, tôi cũng không biết làm gì, chỉ đọc kịch bản rồi đi quay, không có ý thức gì cả. Hoặc được gọi đi đâu thì đi, đến nơi mặc áo dài rồi trao quà. Rõ ràng, những lời mời chào chụp ảnh, diễn thời trang hấp dẫn hơn những cuộc từ thiện xa xôi, vất vả. Chuyện đó không ai dám thừa nhận nhưng quả thật là như vậy. Nếu có lựa chọn thì ai cũng muốn dễ dàng đi trên con đường trải hoa hồng, không ai muốn chông gai cả. Hoặc khi xuất ngoại cũng vậy. Khi tôi đi Mỹ, đi Nhật, báo chí rất quan tâm vì khi đó Việt Nam mới được xóa bỏ cấm vận. Bây giờ tôi mới hiểu vậy, chứ lúc ấy chỉ thấy ngạc nhiên tại sao người ta lại săn đón mình như thế… Việc ấy chỉ khiến tôi lờ mờ nhận ra tầm quan trọng của người được chọn làm hoa hậu. Càng về sau, tôi càng nhận ra rằng xã hội văn minh mới biết tôn vinh cái đẹp.

- Một cô gái 18 tuổi là quá trẻ để gánh vai trò hoa hậu?

18 tuổi thì không thể đủ kinh nghiệm để gánh vai trò ấy. Như chị Ngọc Khánh được giải hoa hậu khi đã 22 tuổi, và cách xuất hiện, cách tạo hình ảnh của chị rõ ràng ít lỗi hơn.

- Chị tìm thấy gì ở văn chương, một nhu cầu trải lòng của người đàn bà cô đơn?

Tôi coi đó là hai việc rành mạch. Tôi viết về chia sẻ cảm xúc, và viết một cách nghiêm túc để thực hiện điều đã tâm niệm từ lâu là trở thành nhà văn. Nhưng tôi đã viết nhiều mà chưa cho ai đọc đâu, còn những gì người ta đang thấy bây giờ chưa phải là tác phẩm văn học thực sự.

- Tuổi tác có ảnh hưởng gì tới chị?

Đến tuổi 30, ai cũng có thể thấy rõ sự thay đổi, thấy rõ mình hôm nay già hơn ngày hôm qua, yếu hơn ngày hôm qua. Tôi thấy lo sợ cho tương lai. Ai chẳng muốn cuộc sống yên ấm ổn định. Để có cuộc sống ấy, có hai cách, một là tìm cho mình một tổ ấm, là lựa chọn an  toàn, hai là lúc nào cũng đương đầu với nó, chấp nhận nó. Nhiều người thương tôi, bảo tại sao không tận dụng cơ hội khi còn nhan sắc, còn nổi tiếng để nhận lời ai đấy. Vài năm nữa, cơ hội qua đi. Tuy nhiên với tôi, đó không phải là cơ hội, không phải mục đích của tôi. Tôi mong muốn có người bên cạnh để chia sẻ nhưng không phải để họ lo cho mình hết. Vì như vậy, dần dần mình không còn là mình nữa, người ta sẽ chán mình, và có khi chính mình cũng chán mình.
 
 
- Làm Á hậu hay Hoa hậu hạnh phúc hơn, theo quan điểm hạnh phúc của chị?
 
Nếu chọn một hay hai thì làm số một vẫn thích hơn.
 
Theo Đẹp
Chia sẻ