Hễ sex là... cắt!
Có vẻ như việc kiểm duyệt điện ảnh ở các nước Châu Á đang ngày càng bị xiết chặt...
Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, nhưng cộng đồng yêu điện ảnh ở ba nước Châu Á là Trung Quốc, Singapore và Ấn Độ đã đồng loạt xôn xao vì ba vụ việc khác nhau nhưng có cùng tính chất. Đó là câu chuyện kiểm duyệt cảnh "nóng" trong điện ảnh của cả ba quốc gia này.
Trung Quốc: Đẹp mấy cũng... cắt!
Mở màn cho câu chuyện "cắt gọt" này chính là quốc gia có dân số đông nhất thế giới - Trung Quốc. Và bộ phim bị cơ quan kiểm duyệt nước này "sờ gáy" lại không xa lạ gì với khán giả. Đó là tác phẩm kinh điển của đạo diễn James Cameron - Titanic 3D.
Titanic 3D đã bị cắt không thương tiếc tại Trung Quốc
Tuy đạt con số doanh thu phòng vé kỷ lục: 11,6 triệu đô la Mỹ trong ngày công chiếu đầu tiên, thế nhưng các fans của tác phẩm điện ảnh huyền thoại này lại vô cùng thất vọng vì không được xem đầy đủ bộ phim. Nguyên nhân là do Cục Quản lý Điện ảnh, Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc đã quyết định cắt bỏ một vài cảnh mà cơ quan này cho là "nóng" trong phiên bản 3D của "Titanic".
Theo phần đông khán giả, đáng tiếc nhất là cảnh nàng Rose (Kate Winslet) làm mẫu trong tư thế khỏa thân để họa sĩ Jack (Leonardo Dicaprio) vẽ, vốn là cảnh được giới chuyên môn đánh giá cao, đã bị Cục Quản lý Điện ảnh, Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc cắt gọt, để rồi trên màn hình chỉ còn hiển thị mỗi phần mặt và phần… cổ của người đẹp.
Dù được giới chuyên môn đánh giá cao, nhưng cảnh "nóng" trong Titanic vẫn bị cắt bỏ
Giải thích cho việc kiểm duyệt này, một quan chức quản lý văn hóa - giải trí của Trung Quốc phát biểu: "Chúng tôi lo ngại rằng với hiệu ứng 3D, rất nhiều khán giả sẽ chạm tay vào hình ảnh và gây ảnh hưởng tới những người khác đang xem phim. Để tránh mâu thuẫn giữa người xem và môi trường đạo đức xã hội, chúng tôi buộc phải cắt đi những cảnh nhạy cảm".
Quyết định này của giới chức Trung Quốc đã khiến nhiều fans của điện ảnh bức xúc. "Tôi đã chờ đợi bộ phim này trong 15 năm, không phải chỉ vì công nghệ 3D" - một blogger nổi tiếng ở đất nước này viết. "Điều mà các khán giả lo lắng nhất là: trong khi công nghệ và cơ sở hạ tầng cho việc làm phim của điện ảnh Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể, thì quyền tự do thể hiện đang đi giật lùi".
Singapore: Không cắt thì không chiếu!
Đó là quyết định của các cơ quan kiểm duyệt Singapore dành cho Shame - bộ phim về đề tài nghiện tình dục của đạo diễn Steve McQueen.
"Shame" cũng chịu chung số phận ở Singapore
Bất chấp những đánh giá khá tích cực từ phía các nhà phê bình điện ảnh, cũng như những đề cử mà Shame từng giành được trong các liên hoan phim quốc tế, cơ quan kiểm duyệt Singapore mới đây vẫn quyết định sẽ không cho phép bộ phim công chiếu nếu không chịu cắt những cảnh "nhạy cảm".
Theo đó, một cảnh sex "tay ba" của nam diễn viên chính Michael Fassbender với hai phụ nữ bị yêu cầu cắt bớt do "quá dài" và "vượt quá những giới hạn thông thường".
Diễn viên chính của bộ phim, Fassbender được đề cử ở hạng mục nam diễn viên chính xuất sắc nhất ở cả hai giải thưởng BAFTA và Golden Globes
Tuy nhiên, vị đạo diễn của Shame, Steve McQueen cũng tỏ ra kiên quyết không kém gì các cơ quan kiểm duyệt Singapore khi tuyên bố, thà không được công chiếu chứ ông nhất quyết không cắt bỏ các cảnh quay trong bộ phim của mình.
Trước quyết định này của cơ quan kiểm duyệt, dư luận cũng đã nổi lên nhiều ý kiến phản đối. Alex Au, một nhà bình luận xã hội người Singapore tỏ ra bức xúc: “Không hiểu họ nghĩ gì khi cho rằng một cảnh sex giữa ba người là “quá dài và trần trụi”? Tại sao chúng ta tự hào là một đất nước thuộc “thế giới thứ nhất” nhưng lại hành xử kiểu độc đoán như một nước thuộc “thế giới thứ ba” vậy?”
Ấn Độ: Cắt rồi chưa chắc đã... yên thân!
Gần như cùng thời điểm với câu chuyện "Shame" ở Singapore là câu chuyện của "The Dirty Picture" ở Ấn Độ. Bộ phim tiểu sử về cuộc đời ngôi sao phim khiêu dâm Silk Smitha này từng là một trong những bộ phim đình đám nhất Bollywood năm 2011. Sau khi "tung hoành" tại các rạp chiếu, "The Dirty Picture" dự kiến sẽ chiếu trên kênh SET TV của truyền hình Ấn Độ hồi cuối tuần vừa qua.
Thế nhưng, điều trớ trêu là, vào giờ chiếu định sẵn (buổi trưa ngày chủ nhật), khi các khán giả Ấn Độ đang háo hức chờ đón bộ phim thì lại nhận được thông tin từ đài truyền hình cho biết bộ phim không thể trình chiếu.
"The Dirty Picture" cũng phải dừng bước trước ngưỡng cửa kiểm duyệt của Ấn Độ
Nguyên nhân của vụ việc này là do cơ quan chức năng Ấn Độ đã kiểm duyệt và cho rằng "The Dirty Picture" không phù hợp để chiếu cho các gia đình, đồng thời yêu cầu đài truyền hình dời bộ phim sang tối thứ bảy và chỉ chiếu sau 11h đêm. Yêu cầu này được đưa ra sau khi cơ quan kiểm duyệt nước này đã yêu cầu nhà sản xuất cắt bỏ... 59 cảnh quay trong bộ phim mà họ cho rằng không phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Bộ phim bị yêu cầu cắt... 59 cảnh quay và dời giờ chiếu sang khung 11h đêm
Tanuj Garg, Giám đốc điều hành của hãng Balaji Motion Pictures, đơn vị sản xuất bộ phim cho biết: "Điều đáng nói là ngay cả sau khi chúng tôi đã nhận được giấy chứng nhận hợp lệ U/A từ cơ quan kiểm duyệt CBFC và tất cả những cảnh quay đã bị cắt thì bộ phim vẫn bị dời giờ chiếu sang khung 11h đêm. Đây đúng là chuyện vô lý chưa từng xảy ra với bất cứ bộ phim nào".
"Vui lòng nói không với "sex", vì đây là Châu Á!"
Tất cả các sự kiện này xảy đến cùng lúc đã khiến cộng đồng yêu điện ảnh ở ba quốc gia Châu Á có đôi phần bức xúc. Nhiều cư dân mạng trong mấy ngày qua đã cùng truyền tai nhau một "khẩu hiệu" hài hước: "Vui lòng nói không với "sex", vì đây là Châu Á!".
Điều trớ trêu là cả ba câu chuyện "cắt gọt" điện ảnh, ở ba quốc gia khác nhau nhưng đều có một đặc điểm chung. Đó là những bộ phim bị cơ quan chức năng "thổi còi" đều từng gây ít nhiều tiếng vang trong và ngoài nước. Bên cạnh một Titanic đã quá nổi tiếng, Shame cũng từng được đề cử ở hạng mục Phim nước Anh xuất sắc trong lễ trao giải thưởng điện ảnh nước Anh BAFTA. Nam diễn viên chính Fassbender được đề cử ở hạng mục nam diễn viên chính xuất sắc nhất ở cả hai giải thưởng BAFTA và Golden Globes với vai Brandon trong phim.
The Dirty Picture cũng là một bộ phim đình đám của Bollywood và đã mang về cho nữ diễn viên Vidya Balan giải thưởng National Award cho vai Silk Smitha trong phim, được trao bởi chính Bộ Thông tin, Phát thanh và Truyền hình Ấn Độ - đơn vị mà sau đó lại đưa ra quyết định cắt và đổi giờ chiếu bộ phim này trên màn ảnh nhỏ.