Hệ lụy khi tự ý dùng thuốc 'xách tay'
Nhiều người dân không hề có kiến thức chuyên môn hay kinh nghiệm y khoa có thói quen 'tự làm bác sĩ'.
Từ đó, gây ra những hậu quả khôn lường và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe. Trong đó, không ít trường hợp nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau khi tự ý dùng thuốc hoặc hóa chất “xách tay”.
“Tiền mất, tật mang”
Vừa qua, người phụ nữ 64 tuổi ở Phú Thọ nhập viện sau 3 ngày uống thuốc giảm đau được mua ở nước ngoài, không có tem phụ. Người bệnh có tiền sử tăng huyết áp và chấn thương sọ não cũ do tai nạn giao thông, không có di chứng.
Cách ngày vào viện 5 ngày, người bệnh bị đau tay nên đã tự uống 1 loại thuốc giảm đau của Thái Lan (bệnh nhân thấy chồng cũng uống thuốc này đỡ đau nên đã tự uống), mỗi ngày uống 4 viên chia 2 lần.
Sau uống thuốc 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau bụng, ợ chua, ợ hơi và mệt mỏi. Sau 2 ngày tự theo dõi ở nhà nhưng không đỡ, người bệnh đã đến bệnh viện tỉnh khám. Lúc vào viện, người bệnh tỉnh, đau bụng thượng vị, mệt nhiều, hoa mắt, chóng mặt...
Sau khi có kết quả nội soi tiêu hóa, người bệnh được chẩn đoán: Xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng do loét dạ dày, loét hành tá tràng. Sau đó, bệnh nhân được điều trị thở oxy, truyền dịch, truyền máu, giảm tiết niêm mạc dạ dày.
Qua 6 ngày điều trị, người bệnh hết đau bụng, không còn hoa mắt, chóng mặt, đại tiện phân vàng, các chỉ số xét nghiệm máu trở về bình thường. Người bệnh được ra viện, tiếp tục dùng thuốc tại nhà theo đơn của bác sĩ và được tư vấn chế độ sinh hoạt sau điều trị xuất huyết tiêu hóa.
Bác sĩ Bùi Mạnh Cường, Trưởng khoa Nội hô hấp - Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày, hành tá tràng là một cấp cứu nội ngoại khoa. Đây là tình trạng máu chảy từ lòng mạch vào trong ống tiêu hóa, người bệnh có biểu hiện nôn ra máu và/hoặc đi ngoài phân đen. Tình trạng này rất nguy hiểm nếu không phát hiện sớm.
Nhiều bệnh nhân chỉ có biểu hiện mệt mỏi nên chủ quan không đến bệnh viện thăm khám, đến khi chóng mặt, hoa mắt, ngất mới đến bệnh viện, thậm chí có nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng sốc mất máu ảnh hưởng tới tính mạng. Theo các nghiên cứu, tỷ lệ tử vong của bệnh lý này 10 - 20%. Vì vậy, cần phải chẩn đoán càng sớm càng tốt, để có biện pháp xử trí, cấp cứu kịp thời.
Theo bác sĩ Cường, nhiều loại thuốc xương khớp của nước ngoài mà người dân hay mua trong thành phần có các hoạt chất chống viêm giảm đau không steorid, ngoài tác dụng chống viêm, giảm đau sẽ ảnh hưởng tới dạ dày gây ra viêm loét thậm chí có thể biến chứng xuất huyết tiêu hóa.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân khi thấy có những triệu chứng bệnh, bị đau, ốm, mệt mỏi… thì nên đến bệnh viện khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Không nên tự ý mua các loại thuốc không rõ nguồn gốc điều trị bệnh để tránh tiền mất, tật mang.
Trước đó, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai hầu như ngày nào cũng tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc hóa chất do tiếp xúc qua da hoặc đường uống. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những ca ngộ độc này chủ yếu là hóa chất có nguồn gốc nước ngoài, bên ngoài không có tiếng Việt mà hầu hết là tiếng Nhật, Trung, Hàn. “Thậm chí khi dịch ra tiếng Việt, các bác sĩ vẫn không rõ bên trong hóa chất này chính xác chứa chất gì để có phác đồ điều trị phù hợp nhất”, bác sĩ Nguyên nói.
Một trường hợp cụ thể là nam bệnh nhân N.V.S. (51 tuổi, trú tại Hà Nội). Người này nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau khi uống hóa chất có nhãn dán tẩy xi măng, vôi, cặn bề mặt trong xây dựng.
Ông S. bị tổn thương nặng dạ dày, thực quản bị hoại tử. Theo bác sĩ Nguyên, người nhà bệnh nhân mang can hóa chất này lên, nhưng trên bao bì đều không có bất kỳ thông tin gì về thành phần hóa chất. Điều đó khiến việc xác định chất gây ngộ độc ban đầu khó khăn.
Theo bác sĩ Nguyên, hiện nay nhiều người lựa chọn các loại hóa chất gia dụng là hàng “xách tay” hoặc trôi nổi, sản phẩm không có thành phần, khuyến cáo hoặc chỉ có tiếng nước ngoài. Nhiều người sử dụng nhầm dẫn tới ngộ độc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tiềm ẩn rủi ro khi… tự làm bác sĩ
ThS.BS Trần Tiến Tùng, Chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết, thực trạng nhiều người có triệu chứng đau ốm tự đoán bệnh và tự điều trị tại nhà rất phổ biến. Hoặc, các trường hợp khác hỏi ý kiến những người không có chuyên môn hay dược sĩ tại hiệu thuốc thay vì đi khám ở các cơ sở y tế.
Theo ThS.BSNT Trần Tiến Tùng, nhiều người dân không hề có kiến thức chuyên môn hay kinh nghiệm y khoa có thói quen “tự làm bác sĩ”. Từ đó, gây ra những hậu quả khôn lường và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe.
Chuyên gia này cho biết, khi không xác định đúng, bệnh vẫn tồn tại và tiến triển trong cơ thể. Đến khi phát hiện, bệnh đã chuyển giai đoạn cấp tính và mạn tính, gây khó khăn trong điều trị, thậm chí đe dọa tính mạng cơ thể.
Có thể kể đến bệnh truyền nhiễm sốt xuất huyết, người dân thấy hết sốt nghĩ rằng đã khỏi bệnh mà không đến bệnh viện thực hiện xét nghiệm theo dõi tiểu cầu. Trường hợp tiểu cầu giảm mạnh nhưng không được can thiệp kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bên cạnh đó, việc tự ý dùng thuốc có thể gây bỏ lỡ giai đoạn “vàng” để điều trị bệnh. Ví dụ, bệnh lý viêm tấy quanh Amidan nếu không chữa trị ngay có thể hình thành ổ áp xe phải chích rạch, muộn hơn có thể gây ra nhiễm trùng huyết nguy hiểm đến tính mạng. Hoặc, các bệnh lý ung thư được phát hiện sớm sẽ dễ dàng điều trị và kéo dài cơ hội sống hơn khi nhận biết ở giai đoạn muộn.
Đồng thời, tự đoán bệnh và tự ý mua thuốc khi không có đơn chỉ định của bác sĩ dẫn tới việc điều trị không hiệu quả. Đặc biệt, việc dùng sai thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.
Điển hình như vấn đề đáng được quan tâm trong ngành y hiện nay là tình trạng kháng kháng sinh do lạm dụng dùng kháng sinh bừa bãi. Điều đó khiến càng ngày việc sử dụng thuốc không còn hiệu quả, gây khó khăn trong quá trình điều trị bệnh.