Hé lộ khu vực có giá đất gần 3 tỷ đồng/m2 tại Hà Nội
Hàng loạt thông tin rao bán nhà tại Hà Nội với giá trị từ hàng trăm đến gần nghìn tỷ đồng đang xuất hiện trên các sàn môi giới bất động sản, trong đó có khu vực giá đất gần mức 3 tỷ đồng/m2.
Gần 3 tỷ đồng/m2 đất
Hòa chung với “sức nóng” của thị trường bất động sản thời gian gần đây, phân khúc nhà đất tại Hà Nội cũng có những biến động đầy bất ngờ.
Khảo sát trên các sàn môi giới bất động sản như Batdongsan.com.vn, Alo Nhà đất, Nhà Phố Net,…lượng đăng tin rao bán nhà đất xuất hiện với tuần suất ngày càng nhiều.
Đáng chú ý, hàng loạt thông tin rao bán các tòa nhà mặt phố với giá gần 1.000 tỷ đồng tại Hà Nội khiến nhiều người không khỏi “choáng”. Cụ thể, một tòa nhà văn phòng gồm 1 hầm và 21 tầng nổi có tổng diện tích 1815m2 trên phố Nguyễn Hoàng (Nam Từ Liêm) đang được rao bán với giá 999 tỷ đồng (550 triệu đồng/m2).
Hiện giá đất tại các phường như Phương Canh, Phú Đô, Cầu Diễn, Mễ Trì, Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2 của quận Nam Từ Liêm đang dao động trong khoảng 199 - 359 triệu đồng/m2 và giá bán đã tăng khoảng 7,8% trong một năm qua.
Thông tin rao bán các tòa nhà mặt phố với giá gần 1.000 tỷ đồng tại Hà Nội khiến nhiều người không khỏi “choáng”
Tương tự, một tòa nhà mặt phố Trần Hưng Đạo (Tràng Tiền, Hoàn Kiếm) có diện tích 1260m2 đang được rao bán với giá 960 tỷ đồng (hơn 761 triệu đồng/m2).
Ghi nhận từ nhiều môi giới, hiện giá đất tại khu vực phố cổ đang có mức đắt nhất Hà Nội, trong khoảng 700 – 2,8 tỷ đồng/m2. Cụ thể, một ngôi nhà 2 tầng có diện tích 51m2, mặt tiền 5m ở phố Lê Thái Tổ (Hàng Trống, Hoàn Kiếm) ngay đối diện hồ Hoàn Kiếm đang được rao bán với giá 68 tỷ đồng, tương đương 1,33 tỷ đồng/m2.
Cũng tại phố Lê Thái Tổ, một căn nhà 2 tầng diện tích 55m2 đối diện quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục được ra giá 68 tỷ đồng, tương đương 1,24 tỷ đồng/m2.
Đáng chú ý, một khách sạn mặt phố Cầu Gỗ, nằm gần bờ hồ Hoàn Kiếm có diện tích 300m2, với 9 tầng gồm 38 phòng đang được rao bán với giá 800 tỷ đồng, tương đương 2,67 tỷ đồng/m2 - ngang một căn hộ chung cư 2 phòng ngủ ở nội thành Hà Nội.
Trao đổi với môi giới đăng tải thông tin, người này xác nhận việc khách sạn đang được rao bán, tuy nhiên mức giá có thể thương lượng nếu khách hàng thiện chí. Đặc biệt, ngoài khoản tiền 800 tỷ đồng trả cho chủ khách sạn , thì khi giao dịch khách hàng cần đóng thêm 2% thuế thu nhập cá nhân, kèm thêm các chi phí liên quan, do đó giá bán sẽ rơi vào khoảng hơn 2,7 tỷ đồng/m2.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên giá nhà mặt đất tại phố cổ gây bất ngờ bởi lẽ từ năm 2021, ngay trong thời điểm đại dịch COVID -19 bùng phát, hàng loạt tòa nhà hay khách sạn ở khu vực này đã được rao bán với giá từ 1 – 2 tỷ đồng/m2. Điển hình là một khách sạn 4 sao trên phố Hàng Bông, xây dựng vào cuối năm 2016 có diện tích 330m2 với 12 tầng được rao bán ở mức 650 tỷ đồng (trung bình khoảng 1,97 tỷ đồng/m2). Theo lời giới thiệu thì doanh thu khi bình thường của khách sạn là 5 tỷ đồng /tháng.
Nhiều môi giới nhận định, các khách sạn khu vực phố cổ đang được rao bán ở mức cao nhất trong vòng 10 năm gần đây và người mua chủ yếu nhắm vào giá trị "kim cương" của đất bao gồm giá trị về lịch sử, văn hóa, vị trí trung tâm, thuận tiện về buôn bán: "Các khách sạn ở phố cổ rao bán giá cả tỷ đồng m2 chủ yếu đắt là tiền đất chứ giá trị xây dựng không nhiều, nhiều khách sạn khách mua lại chủ yếu là mua đất vì mua xong phải đập xây mới hoặc phải cải tạo lại", một nhân viên môi giới cho biết.
Theo tìm hiểu, căn cứ vào Quyết định 30/2019 của UBND TP Hà Nội về Quy định và bảng giá các loại đất trên địa bàn áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024, đất ở tại phố Hàng Ngang, Hàng Đào đều có mức giá cao nhất đạt hơn 187 triệu đồng/m2; phố Hàng Thiếc giá đất ở vào khoảng 102 triệu đồng/m2; Hàng Bông, Hàng Gai có vị trí lên tới 134 -139 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, trên thực tế giá bán bất động sản tại các khu vực này thường cao hơn gấp nhiều lần. Mặc dù vậy, ở thời điểm hiện tại việc thanh khoản các bất động sản tại khu phố đắt đỏ bậc nhất Việt Nam diễn ra khá ít.
Giá chung cư tăng phi mã
Đối với phân khúc chung cư , theo dữ liệu mới nhất của Batdongsan.com.vn, giá rao bán trung bình của chung cư Hà Nội trong 2 tháng đầu năm nay tăng đến 17% so với cùng kỳ 2023. Không ít dự án có mức tăng giá trên dưới 30% chỉ sau 1 năm. Đơn cử, giá rao bán căn hộ chung cư tại dự án Royal City tăng 33%, The Pride 33%, Khu đô thị Mỹ Đình Sông Đà – Sudico tăng 32%, Vinhomes West Point tăng 28%, Chung cư Đại Thanh tăng 27%.
Ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, sự tăng giá này đang phần nào phản ánh quan hệ cung – cầu. Bởi lẽ tại Hà Nội, nguồn cung chưa đủ đáp ứng nhu cầu, dẫn đến hiện tượng giá tăng mạnh. Vị chuyên này dự báo, giá chung cư vẫn có thể tiếp tục tăng nếu nhu cầu vượt đỉnh cũ.
Cũng theo khảo sát trên Batdongsan.com, khu vực Tây Hồ Tây luôn nằm trong top đầu các khu vực về nguồn cung và giao dịch của thị trường. Minh chứng là từ năm 2021 đến hiện tại, tốc độ tăng giá của căn hộ khu vực này luôn cao hơn căn hộ các khu vực khác trung bình từ 7-15%.
Còn dữ liệu của Savills cho thấy, vài năm trở lại đây giá bất động sản ở Tây Hồ Tây (thuộc 2 quận Tây Hồ và Bắc Từ Liêm) tăng mạnh hơn so với mặt bằng chung ở thị trường Hà Nội. Minh chứng là một dự án có tên Heritage West Lake, thời điểm mở bán các sản phẩm Duplex, chủ đầu tư ra giá 192 triệu đồng/m2 thì đến nay đã lên 220 – 260 triệu đồng/m2 (tăng 35%).
Theo tìm hiểu, giá căn hộ sơ cấp tại Tây Hồ tăng 27%, quận Bắc Từ Liêm tăng 21% mỗi năm, trong khi mức tăng trung bình toàn thành phố là 17% một năm.
Lý giải về việc bất động sản gần Hồ Tây được định giá cao nhất thị trường, không ít ý kiến cho rằng vì dư địa đất đai khu vực này không còn nhiều, người muốn mua nhà hầu như phải nhắm tới các dự án hiếm hoi đang được triển khai xây dựng. Ngoài ra, tệp khách hàng có nhu cầu thực ở Tây Hồ chủ yếu là người nước ngoài nên giá bán sẽ có sự chênh lệch cao hơn bởi sự đầu tư tại đây cũng cần mang tầm quốc tế hơn...