Hé lộ đường đi của hàng từ thiện sau khi được cán bộ trung tâm nuôi dưỡng trẻ tàn tật “ăn chặn”

Bảo Loan,
Chia sẻ

Trong quá trình đi tìm đích đến của hàng từ thiện bị cán bộ ăn chặn, người dân khu vực khẳng định, kinh nghiệm để nhận diện hàng từ thiện trong nhiều năm nay chính là hàng từ thiện tuồn ra đều được bán phá giá, rẻ như cho.

Hàng từ thiện tuồn ra đều bán phá giá

Vụ việc cán bộ Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội (thuộc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) có hành vi tuồn hàng từ thiện ra ngoài gây rúng động dự luận. Trong những ngày có mặt tại xã Thụy An (huyện Ba Vì), người dân khu vực. không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm về những điểm đến và cách nhận diện hàng từ thiện đang trôi nổi trên thị trường.

"Đầu tiên, nhận diện hàng từ thiện chính là bán phá giá, bán hàng mà giá rẻ như cho. Bởi cán bộ trung tâm đưa hàng ra ngoài chủ yếu là kêu gọi mọi người mua ủng hộ. Như tôi thỉnh thoảng cũng mua ủng hộ vài cân đường, hộp sữa. Không chỉ riêng tôi mà tất cả người dân khu vực đều quen với tình trạng nhiều mặt hàng bán phá giá", bà N.T.N (36 tuổi, người dân địa phương) cho biết.

Hé lộ đường đi của hàng từ thiện sau khi được cán bộ trung tâm nuôi dưỡng trẻ tàn tật “ăn chặn” - Ảnh 2.

Cửa hàng tạp hóa C.T, nơi được người dân chỉ điểm đang tiêu thụ hàng từ thiện với giá rẻ như cho.

Bà N.T.N thẳng thắn, hàng hóa tuồn ra chợ được bán với giá rất rẻ mạt. Vì rẻ nên không bao giờ phải giặt, dùng chỉ khoảng 2 lần là bỏ luôn. Đơn cử như khăn mặt, khăn tắm, díp đánh răng, kem đánh răng… có giá bán ra chỉ từ 2.000 – 5.000 đồng/cái, tất chỉ 2.000 đồng/đôi. Chồng tôi mua đôi tất chỉ 2.000 đồng/đôi, dùng đúng 2 lần là bỏ".

Chưa hết, để khẳng định nhiều hàng từ thiện được bán ra ngoài với giá rẻ mạt, bà N chỉ vào một số công trình xây dựng trong thôn và nói: "Vừa rồi, mấy nhà ở đây làm xây dựng cũng đều mua về đãi thợ, họ mua cả bao tải, giá rẻ lắm, chỉ có 2.000 đồng/gói bánh kẹo to đùng. Cho vào bao tải thì 100.000 đồng/3 bao tải. Bánh trung thu có 10.000 đồng/cái mà toàn bánh ngon trong khi giá trị thực phải 40 – 50.000 đồng/cái. Hay như thùng mỳ tôm có giá trị thực là 60-70.000 đồng/thùng nhưng cán bộ bán phá giá chỉ khoảng 35.000 - 40.000 đồng.

Không rẻ thì ai mua? Bây giờ các cửa hàng tạp hóa bán đúng giá chính hãng, mà tự dưng có người đến bán khoảng 30.000 đồng/thùng thì người ham rẻ họ mua thôi. Người ta ăn nhiều thì chán. Không ăn hết thì phải bán phá giá, đa số những hàng tuồn ra khỏi trung tâm đều bán phá giá tất".

Hé lộ đường đi của hàng từ thiện sau khi được cán bộ trung tâm nuôi dưỡng trẻ tàn tật “ăn chặn” - Ảnh 3.

Ngoài giá bán rẻ như cho thì một điểm để nhận diện hàng từ thiện nữa chính là hàng hóa lôm côm, mỗi loại có vài cái.

Trong vai người cần mua hàng bánh kẹo, PV có mặt tại cửa hàng tạp hóa C.T trong khu chợ Liên Minh, nơi được người dân "chỉ điểm" là tiêu thụ hàng từ thiện. Chủ cửa hàng tạp hóa C.T đon đả giới thiệu: "Hàng từ thiện bán cả cân đây, muốn mua bánh hay kẹo cũng có".

Vừa nhanh tay lấy hàng, chủ cửa hàng tạp hóa C.T vừa giới thiệu: "Hộp bánh Choco-Pie 2 chiếc giá bán ra ít nhất phải 10.000 đồng/hộp nhưng cô lấy đi, tôi để giá 8.500 đồng/hộp. Bánh Custas cũng thế, 8.500 đồng/hộp 2 cái. Bánh Cosy là 5.000 đồng. Khăn mặt có giá từ 2.000 đồng - 20.000 đồng/cái". Khi PV khẳng định muốn mua hàng rẻ hơn, chủ cửa hàng tạp hóa C.T cũng sẵn sàng rút trên kệ ra những hộp bánh xốp giá từ 10.000 - 15.000 đồng/gói.

Hé lộ đường đi của hàng từ thiện sau khi được cán bộ trung tâm nuôi dưỡng trẻ tàn tật “ăn chặn” - Ảnh 4.

Bánh ngọt Choco-Pie và Custas được đại lý C.T bán ra chỉ 8.500 đồng/hộp 2 cái, trong khi giá thị trường tối thiểu là 10.000 đồng/hộp 2 cái.

Theo khảo sát ngược lại của PV tại các cửa hàng tạp hóa, đại lý tạp hóa khác trên địa bàn Hà Nội, bánh ngọt Choco-Pie và Custas thuộc Công ty Orion có giá bán ra là 10.000 đồng – 12.000 đồng/hộp 2 cái. Bánh Cosy có giá bán thấp nhất là 6.000 đồng/hộp 2 cái.

Bán lại hàng từ thiện là thất đức!

Không chỉ đích danh những "điểm đến" của hàng từ thiện sau khi được tuồn ra khỏi trung tâm mà người dân khu vực cũng khẳng định, nhiều đại lý bán hàng tạp hóa trong khu vực kiên quyết không mua lại hàng từ thiện để bán, vì làm vậy là thất đức.

Bà N khẳng định: "Người dân ở đây không ai vào trong trung tâm lấy hàng ra mà cán bộ trung tâm đem ra ngoài bán, hoặc một số cửa hàng tạp hóa chạy vào đó rồi cán bộ tuồn ra khỏi hàng rào. Hàng hóa đem ra thì các cửa hàng tạp hóa trong chợ Liên Minh "ôm" hết. Người dân ít khi mua hàng hóa của trung tâm đem ra ngoài, 2 cửa hàng tạp hóa ở khu dân cư lối vào trung tâm cũng không bán lại hàng của cán bộ trung tâm người tàn tật, vì làm thế tiếp tay cho hành vi thất đức".

Hé lộ đường đi của hàng từ thiện sau khi được cán bộ trung tâm nuôi dưỡng trẻ tàn tật “ăn chặn” - Ảnh 5.

Vụ việc cán bộ trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội tuồn hàng từ thiện ra ngoài đã gây rúng động dư luận.

Bức xúc với PV, bà D (55 tuổi) không ngần ngại chỉ điểm những nơi tiêu thụ hàng từ thiện. Bà D thẳng thắn: "Hàng tuồn ra mấy đại lý, cửa hàng tạp hóa ở ngoài chợ kia kìa, dân ở đây ai chẳng biết, cô ra cửa hàng tạp hóa C.T, V.T, T.N, B.H ở trong chợ Liên Minh mà xem, sữa hộp lôm côm, mỗi thứ một tý rất nhiều. Đơn cử như xà phòng rửa tay hay sữa. Tất cả đều được chất đống trong thùng. Hàng không đóng theo vỉ, không đóng hãng, theo hộp thì đích thị là hàng từ thiện".

Hé lộ đường đi của hàng từ thiện sau khi được cán bộ trung tâm nuôi dưỡng trẻ tàn tật “ăn chặn” - Ảnh 6.

Vụ việc khiến người dân khu vực bức xúc.

"Chúng tôi không nói, nói ra thì được gì, chúng tôi còn làm ăn buôn bán. Có những ngày, có tận 3 ô tô tải vận chuyển hàng từ thiện vào trung tâm, lúc hỏi đường, chúng tôi thẳng thắn luôn là các anh chị nên đi từ thiện ở vùng cao khó khăn, chứ đi trao ở đây rồi cán bộ lại bán ra thôi. Thế là họ cũng quay xe đi gấp".

Cửa hàng tạp hóa X.H là một trong 2 điểm "nói không" với mua lại hàng từ thiện. Bà X cho biết, việc mua lại hàng từ thiện rồi đem bán là tiếp tay cho hành vi ăn chặn của nhân viên, cán bộ trung tâm nuôi dưỡng người tàn tật. Vì liên quan đến câu chuyện nhân văn nên cửa hàng đại lý bán đúng giá vẫn được người dân ủng hộ đều.

Về tình trạng cửa hàng tạp hóa tiêu thụ hàng từ thiện, trao đổi nhanh với PV, ông Nguyễn Đắc Nguyên, Chủ tịch UBND xã Thụy An (Ba Vì) khẳng định: "Tôi không biết được sự việc, đó là việc của người dân với cán bộ trung tâm. Cô đến trung tâm nuôi dưỡng trẻ tàn tật mà hỏi. Mấy ngày nay thông tin đại chúng cũng đưa tin rồi đó".

Theo ông Đỗ Đức Hồng, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết: "Sự việc xảy ra vào ngày 7 - 8/9 (tức thứ Bảy và Chủ nhật) đúng ca trực của tôi. Trong ngày Chủ nhật (8/9) có 3 đoàn đến trao khoảng hơn 2.000 suất quà từ thiện. Quà tặng chủ yếu là bánh trung thu và sữa.

Hơn 2.000 suất quà được trao từ 3 đoàn từ thiện, gồm: Gia đình bà Mạc Thị Vương (ở Hà Nội) trao tặng 218 chiếc bánh trung thu. Câu lạc bộ thiện nguyện Hương Sen tặng 334 hộp sữa có ống hút, 263 hộp bánh bông lan và 334 chiếc bánh tẻ. Hội thiện nguyện Thu Hiền tâm linh tặng 257 chiếc bánh nướng, 334 hộp sữa có ống hút và 334 gói bim bim.

Số lượng hàng hóa chính xác bị tuồn ra ngoài chưa thể đo đếm mà phải chờ sự vào cuộc của cơ quan chức năng".

Chia sẻ