Hậu vụ việc cậu bé 5 tuổi làm vỡ bức tượng trong cửa hàng: Đứa trẻ mang vết thương lòng khó phai và bài học về niềm tin
Thế giới này có rất nhiều ông bố bà mẹ yêu thương con cái, nhưng ít khi biết tin tưởng chúng.
Mới đây, vụ việc cậu bé 5 tuổi làm vỡ bức tượng Laa-Laa cao 1m8 của cửa hàng đồ chơi ở Hồng Kông (Trung Quốc) thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.
Bức tượng đổ vỡ và nỗi ám ảnh trong tâm lý đứa trẻ
Khi nghe tiếng đổ vỡ, cậu bé hoang mang, hoảng sợ. Nhân viên cửa hàng lập tức nói với người mẹ: “Con trai của chị làm vỡ bức tượng rồi”.
Bố của cậu bé vội vàng chạy đến. Hai vợ chồng liên tục xin lỗi và bồi thường tổn thất cho cửa hàng với số tiền 33.600 HKD (gần 100 triệu VNĐ).
Sau khi giải quyết chuyện tiền nong, người mẹ đứng khoanh tay tức giận, ông bố chỉ biết bất lực nhìn đứa con trai nghịch ngợm của mình.
Cậu bé phạm lỗi đứng cúi đầu nhìn bức tượng Laa-Laa vỡ tan. Ai nhìn thấy bức ảnh này cũng không khỏi cảm thấy tội nghiệp cho đứa nhỏ.
Những tưởng mọi chuyện đã kết thúc nhưng vụ việc một lần nữa bị khơi dậy bởi đoạn trích xuất video của cửa hàng.
Thì ra, cậu bé không hề đá bức tượng. Thời điểm đó, người trong cửa hàng quá đông. Vì để tránh bị chen lấn, cậu bé đã lùi bước, không cẩn thận dựa vào bức tượng và sau đó là tiếng đổ vỡ vang lên. Khi bức tượng chuẩn bị ngã xuống, cậu bé đã quay người muốn ôm lại nhưng không kịp.
Qua đoạn video, bố mẹ cậu bé đã biết mình đã trách lầm con trai.
Đồng thời, nhiều cư dân mạng cho biết, trước đó, bức tượng Laa-Laa màu vàng của cửa hàng được đặt trên bục cao, hơn nữa còn khoanh vùng bằng dây để tránh trường hợp xấu xảy ra. Nhưng năm nay, bức tượng được đặt trực tiếp bên cạnh tủ đồ chơi khác, không hề có khoanh vùng, mà chỉ có một mảnh giấy chú ý nhỏ dưới sàn. Phát hiện này đã khiến dân mạng phẫn nộ vì cửa hàng đã làm ăn tắc trách.
Sau đó, cửa hàng đồ chơi đã xin lỗi và hoàn trả số tiền bồi thường cho gia đình cậu bé.
Vụ việc đã khép lại, nhưng cậu bé bị hiểu lầm kia đã gánh chịu hậu quả nặng nề ít ai biết. Em đã bị ám ảnh tâm lý.
Bố cậu bé kể lại: “Hôm xảy ra vụ việc, sau khi về đến nhà, con trai chỉ ngồi im một chỗ, cũng không nói chuyện. Người lớn biết con sợ hãi nên không hề nhắc lại chuyện này”.
Vài ngày sau, cậu bé đã 3 lần hỏi bố một câu: “Tại sao chơi đồ chơi mà cũng đáng sợ như vậy?”. Đồng thời em đã nghỉ học mấy ngày liền.
Hai vị phụ huynh cảm thấy vô cùng hối hận khi đã trách nhầm con. Vụ việc đã để lại trong lòng đứa trẻ vết thương không bao giờ lành.
Bị hiểu lầm, bị trách móc vô cớ mang lực sát thương rất lớn, đặc biệt đối với những đứa trẻ chưa thể tự thanh minh, chưa có khả năng tranh đấu đòi quyền lợi cho mình.
Nếu lúc đó, người mẹ ngồi xuống hỏi đứa trẻ đang sợ hãi kia rõ ràng đầu đuôi mọi chuyện, dịu dàng an ủi con, thì chuyện này đã không khiến cậu bé bị ám ảnh như vậy.
Thế giới này có rất nhiều ông bố bà mẹ yêu thương con cái, nhưng ít khi biết tin tưởng chúng.
Sự tin tưởng là động lực trên chặng đường trưởng thành
Trước đây cũng có một câu chuyện tương tự về cô bé 13 tuổi ở Thiểm Tây đã bị giáo viên chủ nhiệm la mắng bằng những lời lẽ không chuẩn mực.
Cô bé đã âm thầm chịu đựng suốt nửa năm, không dám phản kháng. Em cũng từng kể chuyện này với bố mẹ. Nhưng họ không tin, cho rằng việc giáo viên phê bình học sinh là điều hết sức bình thường.
Cô bé không thể chịu đừng nổi nữa, khóc nói: “Bố mẹ không tin con. Con có thể ghi âm lại, bố mẹ sẽ tin ngay”.
Trong vòng 1 tháng, cô bé đã thu được cả trăm đoạn ghi âm, tổng thời lượng dài hơn 20 tiếng, đều là những lời chửi mắng thậm tệ của cô giáo.
Đến đây, bố mẹ mới vỡ lẽ, nhận thấy bản thân đã khiến con gái bị tổn thương sâu sắc. Thật sự đau đớn đến mức nào khi phải tự thu gom bằng chứng để bố mẹ tin tưởng mình?
Bố mẹ nên là chiếc ô, bức tường lớn bảo vệ con trước giông bão. Nếu ngay cả người thân cận nhất còn không thể tin mình, vậy thì thế giới này còn ai để ta dựa dẫm?
Những đứa trẻ không được bố mẹ tin tưởng, không cảm nhận tình yêu, không có động lực để trưởng thành, dần dần, chúng sẽ trở nên không có niềm tin, yếu đuối, tự ti, hành sự không dứt khoát, không làm chủ được cuộc đời mình.
Sự tin tưởng như chất keo gắn kết những trải nghiệm, giúp con tim mạnh mẽ hơn trong chặng đường trưởng thành của trẻ nhỏ.
Đương nhiên, bố mẹ tin tưởng con cái ở đây không phải chúng làm gì cũng cho là đúng. Tin tưởng phải đi đôi với thông minh và thấu hiểu, giúp con trẻ vẫn cảm nhận được tình yêu mặc dù phạm phải lỗi lầm.
Một hành động nhỏ bé của người trưởng thành cũng có thể trở thành nỗi ám ảnh trong tâm hồn đứa trẻ. Vậy nên, hãy nâng niu chúng như những bông hoa vẫn có thể nở rộ sau giông bão.
(Nguồn: Zhihu)