Hậu ly hôn - Con đường đau khổ tập hai
Nhiều người cứ tưởng sau phán quyết của tòa án là hai người đã có thể đi tìm hạnh phúc mới cho mình. Thế nhưng, với nhiều người, sau ly hôn là tiếp đến “Con đường đau khổ tập hai”.
Đang nằm thiu thiu ngủ, anh Tiến nghe mẹ gọi: “Con có điện thoại của mẹ tụi nó kìa”. Vừa nhăn nhó nhấc máy, anh Tiến vừa lầm bầm đầy vẻ căng thăng: "Lại chuyện gì nữa đây không biết". Cuộc nói chuyện lúc đầu còn nho nhỏ, đầy kiềm chế, sau lớn dần “Con nó bệnh thì cô cứ mua thuốc, cô ở đó đợi tôi về đưa tiền, nó chết thì sao? Cô có phải mẹ nó hay không đấy?… Còn nếu cô so đo tiền bạc quá thì đưa nó sang cho tôi nuôi…”
Làm khó cho "đã nư"…
Vợ chồng anh Tiến ly dị nhau đã được năm tháng. Toà phân xử chị Hồng đưa tiền nửa căn nhà cho anh Tiến đi, con cái ở với mẹ, chuyện chu cấp tùy hai người tự thỏa thuận. Giành hết hai đứa con, chị Hồng biết là mình đánh vào điểm yếu: thương con của chồng. Thế cho nên lúc đầu, chị làm khó dễ chuyện thăm nuôi con của anh với đủ mọi lý do: con bệnh, con bận học, anh chưa có chỗ ở đàng hoàng không được đón con đi chơi…
Thoả thuận với nhau anh phải lo chu cấp chuyện học hành của hai đứa nhỏ, nên hễ có gì dính dáng đến chữ “học” là chị réo anh về trả tiền dù chỉ là cái nhãn tập. Còn chuyện không liên quan đến ăn, học là chị đòi “thoả thuận cho sòng phẳng”, thí dụ chuyện con đột xuất bệnh hoạn, chuyện gia đình bà ngoại tổ chức đi chơi xa, mấy đứa trẻ muốn tham gia...
Thậm chí đến khi anh mua được căn nhà nhỏ, sửa sang gọn đẹp, cho mỗi con có góc riêng trong nhà mình, để chiều chiều thứ bảy đưa con về chơi, chị nghe tin bắt con bí mật dẫn sang, đi vòng quanh quan sát, thăm dò hàng xóm. Rồi chị gọi cho anh nói: "Ông muốn đón con về thì bán ngay chỗ đó, mua nhà gần đây. Tôi không để tụi nó xa tầm kiểm soát của tôi vậy. Mà chỗ đó tình hình dân cư phức tạp, không thích hợp với con tôi". Đến nước đó thì anh chỉ còn kêu trời.
Cùng một nỗi khổ như anh Tiến, chị Nhi, một nhân viên văn phòng ở quận 5 gặp những chuyện dở khóc, dở cười hơn bắt đầu từ khi chị có người yêu mới. Mỗi lần đón con về, anh đều tra gạn, hỏi han hết sức tỉ mỉ lịch sinh hoạt, bạn bè giao tiếp của chị. Sau đó anh bắt đầu hoạnh họe chị đủ điều. Thậm chí tối nào anh cũng gọi điện nói chuyện với con, chỉ để nghe ngóng xem trong nhà vợ cũ có tiếng động nào "khả nghi" hay không. Cho nên có lần, khu tập thể chị sống bị một phen náo loạn vì 8 giờ đêm, anh sồng sộc đến đòi đưa con đi. Chỉ vào mặt chị, anh a lối om sòm: "Mọi người xem, con gái tôi tuổi còn nhỏ mà nó dẫn nhân tình về làm chuyện bậy bạ trong nhà. Làm sao con tôi sống được trong cảnh thế này?". Những lời nhục mạ thái quá của anh khiến chị "tức nước vỡ bờ", người bạn trai nổi nóng. Thế là đến tận 10 giờ đêm, cả ba người còn phải ngồi trên công an phường để làm bản tường trình, trong khi con bé phải ngủ nhờ nhà hàng xóm.
Còn chị Linh, mỗi khi kể cho đồng nghiệp ở cơ quan chuyện chồng cũ thì tức nghẹn ngào, vì chồng chị hễ biết chị có người mới là anh lại đòi con gái về với cái cớ: Ở với mấy thằng dê đó nguy hiểm cho đứa con gái đang tuổi lớn của anh. "Chẳng biết anh ta tiêm vào đầu con bé những chuyện gì mà bây giờ cứ thấy đàn ông là nó sợ rúm ró. Bạn trai của mình thì nó đề phòng hơn kẻ thù, chẳng ai tiếp cận nó nổi thì làm sao mình tính chuyện xa hơn".
Làm sao nên nỗi?
Có rất nhiều những câu chuyện "dở khóc dở cười" hậu ly hôn như thế. Giải thích cho tình trạng này, nhiều người thích dùng một cụm từ quen thuộc: "Hắn ta (hay cô ta), không cam lòng nhìn người mới không còn thuộc về mình nữa".
Thói quen "chủ sở hữu" là một trong những vật cản đầu tiên khiến người ta "không cam lòng" như thế. 15 năm chung sống, quen thấy chồng phục vụ, lo lắng chăm sóc gia đình mình, chị Thanh ngày càng lấn lướt, chuyên quyền mà không nghĩ đến cái Tôi riêng của chồng bị chà đạp, xúc phạm. Đến khi anh làm đơn ly hôn, chị vẫn nhơn nhơn đắc thắng, cho rằng anh "dỡn chơi". Tòa mời đến lần thứ ba thì chị đâm ra thách thức: Lão mê mình, mê con mà dám à? Thế là chị cũng đồng ý ly hôn. Những tưởng mình cũng chả cần, nhưng có trải qua mới hiểu, sau khi ly hôn, không còn người đàn ông gánh vác mọi chuyện như xưa nay, nhờ vả anh chuyện gì, sai biểu anh chuyện gì như thói quen xưa kia, anh thích thì làm, không thích thì từ chối thẳng, chị tức lắm. Thế là chị bắt đầu làm mọi cách với hy vọng có thể "thuần hóa" anh lại như xưa.
Sự tiếc nuối xót xa lại là tâm trạng của anh Minh sau khi mất người vợ "trên cả tuyệt vời". Lúc ký vào đơn ly hôn, anh cũng nghĩ rằng "Cô ấy là đàn bà, ly hôn, cô ấy lỗ chứ đâu phải mình lỗ. Xem ai khổ, ai khó kiếm hạnh phúc mới hơn ai" . Ai dè sau khi được giải thoát khỏi người chồng gia trưởng, chị Lan Anh càng lúc càng mơn mởn, xinh tươi. Gia đình bên anh, bạn bè, ai gặp chị cũng tiếc nuối giùm anh. Đến cả mẹ anh, có lần được con dâu cũ về thăm hỏi khi bệnh nặng, cũng không thể không than vãn: "Chẳng có con vợ nào được như nó, đúng là thằng ngu". Chừng đó anh Minh lại có ý định nối lại với vợ cũ. Năn nỉ ỉ ôi không được, khổ nhục kế không xong thì anh phá.
… Để ai khổ?
Khổ nhất trong cuộc đấu tranh của anh Tiến và chị Hồng có lẽ là hai đứa con. Khi những cuộc nói chuyện của cha mẹ đã trở nên gay gắt, chúng bị đẩy vào vai trò sứ giả. Cần yêu cầu gì ở anh, chị bắt con bé lớn: “Gọi cho ổng, nói rằng…”. Anh Tiến cũng lại đáp trả: “Con nói với mẹ là…”. Con bé lúc nào cũng nước mắt lưng tròng mỗi khi bị ép nhấc điện thoại. Có khi cầm máy rồi, anh Tiến còn nghe nó tấm tức: “Con không nói với ba vậy đâu…” và tiếng vợ anh quát tháo ầm ỹ xa xa. Chỉ mấy tháng sau khi ly hôn mà anh đã nhận thấy các con anh trở thành nhữung đứa trẻ rụt rè, khép kín. mãi đến khi tình cờ nghe hai đứa trẻ bàn nhau nếu cha mẹ không ai nhận nuôi nữa thì sẽ xin vào trại trẻ, chị Hồng mới giật mình nghĩ lại…
Trầm cảm, khép kính, sống nghi ngờ, không biết cách chia sẻ tình cảm, suy nghĩ với mọi người, mất tự tin trong giao tiếp, cư xử... là một số những thay đổi về tâm lý của những trẻ em có cha mẹ ly hôn. Có lần, khi nghe đứa con gái lớn nước mắt lưng tròng trách bố mẹ khi thằng em trai bỏ đi bụi đời, anh Nhị và chị Thu, những ông bố bà mẹ ly hôn trong cảnh "tấm tức kéo dài" mới giật mình muộn mằn: "Bao nhiêu năm trời ba mẹ chỉ lo chuyện của ba mẹ. Trước ly hôn cũng thế, sau ly hôn cũng thế. Nó còn biết dựa vào ai? Nó muốn yêu ba thì mẹ chửi ba thằng này thằng kia. Nó muốn yêu mẹ thì ba nói xấu. Đến cả gia đình nội ngoại ba mẹ cũng không tha. Thế thì nó yêu ai? Lúc nào nó cũng nghĩ có ai cần nó đâu, nên giờ nó mới bỏ nhà đi đó"