Hầu hết trẻ em lớn lên trong gia đình có đủ 3 điều này đều rất giỏi giang, thông minh: Giàu có hay không, không quan trọng
Ngày nay, dạy con hiểu về tiền bạc và vật chất là điều rất quan trọng, nhưng đó chưa phải là tất cả. Để trẻ có thể thành công trong tương lai, cần có đủ 3 điều đến từ gia đình.
Ngoài sức khỏe thể chất của trẻ, đương nhiên cha mẹ nào cũng quan tâm đến kết quả học tập và sự phát triển sau này của trẻ. Không có phụ huynh nào muốn con cái mình thua kém người khác. Ai cũng nuôi kỳ vọng con trẻ có thể trở thành người thành đạt, giỏi giang và tận hưởng cuộc sống an nhàn, thoải mái.
Nhưng đôi khi việc nuôi dạy một đứa trẻ thành công không được quyết định bởi mong muốn của cha mẹ. Nó còn phụ rất nhiều yếu tố đến từ nội cảnh và ngoại cảnh.
Rất nhiều người có thể nhận thấy rằng, một số nền giáo dục thành công không đi kèm với vật chất, mà gắn liền với 3 yếu tố dưới đây.
1. Một gia đình mà cha mẹ yêu thương nhau
Thứ nhất là, trong một gia đình có cha mẹ yêu thương nhau thì con cái thường được nuôi dưỡng bằng tình yêu thương. Nhờ đó, trái tim trẻ trở nên mạnh mẽ và ấm áp hơn, tràn đầy tình yêu thương với mọi người, mọi vật xung quanh.
Những đứa trẻ ấy khi trở thành người lớn cũng có thể tiếp tục nhìn thế giới bằng ánh mắt nhân hậu. Vì vậy họ sẽ không quá buồn phiền, chịu tác động khi chứng kiến những mặt tiêu cực của xã hội.
Với tâm thái như vậy, những đứa trẻ lớn lên trong gia đình này rất dễ gặt hái những mối quan hệ tích cực. Các bé sẽ tự tin và rộng lượng, tin rằng mình xứng đáng được yêu thương, đồng thời cũng có đủ can đảm để san sẻ tình yêu dành cho người khác. Nhờ vậy, trong tương lai, trẻ có thể phát triển bản thân vững vàng, đạt được thành tựu lớn lao.
2. Một gia đình mà con cái và cha mẹ thấu hiểu lẫn nhau
Những đứa trẻ được dạy về sự thấu hiểu, biết đồng cảm với mọi người xung quanh thường có xu hướng thành công hơn trong tương lai.
Trong mỗi gia đình, luôn có không ít khó khăn và rắc rối mà phụ huynh phải đối mặt. Họ có nhiều áp lực bộn bề nên không tránh khỏi những phút giây gắt gỏng vô cớ. Nếu trẻ nhỏ không được dạy về sự thấu hiểu, sẻ chia thì rất khó có thể thông cảm cho cha mẹ.
Khi trẻ đã biết cách nhìn nhận vấn đề từ quan điểm của cha mẹ, biết đồng cảm với người khác thì bé sẽ học được cách đối nhân xử thế nhẹ nhàng, tinh tế trong tương lai. Đây là giá trị mà không phải ai cũng có thể đạt được, có thể mang lại nhiều lợi ích trên con đường phát triển về sau.
3. Gia đình dám cho trẻ khám phá
Trên thực tế, hầu hết các bậc cha mẹ châu Á luôn hy vọng sẽ bảo vệ con cái của mình trọn đời. Rất nhiều bậc ông bà, cha mẹ luôn ở sát bên cạnh con trẻ, không rời một bước để bảo vệ bé trước mọi nguy cơ bị tổn thương. Nhưng đôi khi, điều này vô tình cắt đứt cơ hội để trẻ được khám phá thế giới bên ngoài.
Để trẻ em được phát triển toàn diện, bé cần được tiếp xúc với những điều mới mẻ, chứ không chỉ quanh quẩn trong bốn góc tường. Càng nhìn thấy thế giới rộng lớn, trẻ càng được kích thích sự sáng tạo và lòng can đảm để thử thách chính mình.
Vì vậy đừng ngại khi để con mắc lỗi. Không phải bất cứ lúc nào cha mẹ cũng có thể là người bảo vệ con suốt cả cuộc đời. Do đó, thà để trẻ học cách tự nhận rõ sai lầm của bản thân, tự ý thức việc khắc phục sai lầm đó như thế nào từ sớm.
Bằng cách này, cha mẹ vẫn có thể dõi theo hoặc đồng hành cùng bước tiến của con, vừa kích thích con tự lập và phát triển hơn. Trong tương lai, khi bước chân vào xã hội, con cái sẽ không còn bỡ ngỡ, lạc lối.
Bên cạnh đó, đừng quên rằng, khuyến khích con khám phá không đồng nghĩa với việc nuông chiều sự nghịch ngợm, phá phách. Nếu quá bảo bọc con cái, đồng ý với mọi đòi hỏi, chấp nhận thái độ tiêu cực của con một cách dễ dàng thì trẻ sẽ bị “chiều hư”.
Không ông bố bà mẹ nào lại không muốn con mình lớn lên trong một tuổi thơ tràn đầy tình yêu và sự chăm sóc. Nhưng muốn trẻ có được một tương lai sáng lạn, phụ huynh cần phải biết chừng mực và điểm dừng của tình yêu. Đó mới là cách giáo dục con trẻ thích hợp nhất.
Hãy cho trẻ một khoảng không gian nhất định, thẳng thắn từ chối những đòi hỏi vô lý của trẻ, để trẻ biết điều gì nên làm và điều gì không nên làm. Đây là trách nhiệm mà cha mẹ buộc phải làm được, dù đôi khi quá trình này đòi hỏi một quyết định rất cứng rắn.
Lời kết
Đôi khi, chúng ta phóng đại vai trò của tiền bạc trong gia đình mà bỏ quên ý nghĩa của cha mẹ, của gia đình đối với con cái. Trên thực tế, giáo dục và sự đồng hành mới là điều quan trọng nhất đối với trẻ.
Tiền bạc không kiếm bây giờ thì kiếm lúc khác. Còn thời gian để cùng con khôn lớn lại hữu hạn. Phụ huynh đừng quên dành cho con sự quan tâm và yêu thương có chừng mực, kiên nhẫn giao tiếp với con cái và kiên trì làm gương tốt cho con.
Điều khó nhất của con người là đấu tranh chống lại những khuyết điểm của bản thân, nhưng là cha mẹ, bạn phải cố gắng sửa chữa lỗi lầm của mình thì mới có thể để con cái noi theo.
*Theo Aboluowang/Parenting Diary