Hầu hết kem đánh răng tại khách sạn có thể gây rụng răng

,
Chia sẻ

Khách sạn giá rẻ thường sử dụng kem đánh răng không rõ nguồn gốc hoặc quá hạn sử dụng từ 6-12 tháng. Chúng chỉ để làm sạch răng nhất thời, không chứa các chất cơ bản bảo vệ răng.

Tại phòng khám Tổng quát của Bệnh viện Răng Hàm Mặt, TP. HCM, hàng chục bệnh nhân đang ngồi chờ đến lượt mình. Một bệnh nhân nữ chừng 34 tuổi, hết đứng lên lại ngồi xuống, vẻ mặt nhăn nhó, xem chừng đau đớn lắm.

"Ngày nào tôi cũng đánh răng ít nhất ba lần, nhưng không hiểu sao răng vẫn đau nhức không chịu được", chị phân bua với những người xung quanh.

Mười lăm phút sau, bác sĩ gọi chị vào phòng khám. Khi trở ra, khuôn mặt chị lộ rõ vẻ lo âu: "Tôi phải đi chụp X-quang cái răng đau. Không biết có nguy hiểm gì không, tôi lo quá!".

Lân la tìm vị bác sĩ đã khám cho chị, phóng viên gặp bác sĩ Trần Thị Anh Thư, Trưởng khoa Chữa răng nội nha, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP. HCM. Bác sĩ Thư cho biết: "Bệnh nhân tên Trần Hoàng Ngọc, 34 tuổi, là hướng dẫn viên du lịch. Chị Ngọc bị viêm chân răng, sau lan sang viêm nướu do sử dụng nhiều lần một loại kem đánh răng đã quá hạn sử dụng".

Chị Hoàng Ngọc cho biết: "Vì thường xuyên dẫn đoàn đi xa, tôi hay ngủ ở khách sạn. Cũng như các khách du lịch trong đoàn, tôi không mang theo kem đánh răng riêng mà thường dùng loại do khách sạn cung cấp. Tôi đâu ngờ lại xảy ra chuyện như thế này. Chưa bao giờ tôi nghĩ loại kem đánh răng ấy lại có hại như thế này".

Kem đánh răng không rõ nguồn gốc thường được sử dụng trong các khách sạn

Mối hại từ kem đánh răng giá rẻ

Trường hợp như chị Hoàng Ngọc không hiếm. Khá nhiều người thường xuyên lưu trú ở khách sạn cũng gặp tình trạng này.

Phóng viên đã dành một lần khảo sát các khách sạn trên địa bàn thành phố. Hầu như các khách sạn, từ bình dân (giá khoảng 180.000 đồng/đêm) đến cao cấp đều sử dụng cùng một loại kem đánh răng.

Đó là những tuýp kem màu xanh, nhỏ bằng ngón tay út, đi cùng với chiếc bàn chải màu trắng đục. Chúng luôn được đặt sẵn bên bồn rửa mặt trong phòng khách sạn.

Trong vai khách đặt phòng, chúng tôi đến một khách sạn trên đường Sư Vạn Hạnh, Q. 10, TP. HCM. Tình cờ, chúng tôi chứng kiến cảnh một nữ phục vụ đang đổ cả bao tải gồm hàng trăm tuýp kem đánh răng và bàn chải ra sàn nhà ẩm ướt. Sau đó, cô thản nhiên cho một ít vào trong chiếc giỏ nhựa, đi phân phát cho từng phòng.

Dù không bao giờ sử dụng loại kem đánh răng và bàn chải do khách sạn cung cấp, nhưng cảnh tượng đó không khỏi khiến chúng tôi lo ngại. Với sự bất cẩn như vậy, chắc chắn các sản phẩm bảo vệ răng miệng kia chỉ có duy nhất một tác dụng là đưa thêm vi khuẩn vào cơ thể của khách trọ.

Tuy nhiên, nếu không có sự cố đó, nguy cơ tiềm ẩn từ những loại kem đánh răng vô danh cũng quá lớn. Bởi vì, đa số khách sạn ít lưu tâm đến thời hạn sử dụng của sản phẩm này. Mà nếu có quan tâm, họ cũng không có cơ sở nào để tham chiếu, vì trên các sản phẩm hoàn toàn không có lấy một thông tin nào. Do đó, chuyện tuýp kem đánh răng nằm trong kho của khách sạn vài năm trước khi được mang ra cho khách sử dụng là chuyện bình thường.

Người tiêu dùng vô tư sử dụng

Khách sạn vô ý là một chuyện, thế nhưng, không ít khách đến lưu trú tại khách sạn cũng không quan tâm đến chuyện đằng sau tuýp kem đánh răng nhỏ xíu ấy. Có lẽ họ cho rằng thỉnh thoảng sử dụng một lần cũng không sao. Họ không hề biết các tuýp kem đánh răng quá thời  hạn sử dụng từ sáu tháng đến một năm sẽ gây hại cho răng miệng.

Theo bác sĩ Trần Thị Anh Thư, hàng ngày, khoa Khám bệnh của Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP. HCM, tiếp nhận hàng trăm người đến khám, chữa răng. Đa số bị viêm chân răng, sưng nướu, sâu răng mà một trong những nguyên nhân chính là do kem đánh răng quá hạn sử dụng hoặc không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Bác sĩ Thư giải thích: "Khi quá thời hạn sử dụng, các chất mài mòn, chất tạo bọt, làm cứng, sát khuẩn trong kem đánh răng đã hết tác dụng".

"Trong khi đó, những loại kem đánh răng không đạt tiêu chuẩn chất lượng thường chứa chất fluor quá mức quy định. Do đó, chúng có nguy cơ gây ngộ độc cho người sử dụng".

Tuy nhiên, không phải ai cũng phát hiện loại kem đánh răng mình đang sử dụng là giả. Có người thậm chí không hiểu làm thế nào hàm răng vốn khỏe, đẹp của mình ngày càng yếu, lung lay và rụng dần dù mỗi ngày họ đều áp dụng chế độ vệ sinh răng miệng ba lần/ngày.

Chúng tôi mang tuýp kem từ khách sạn trên đường Sư Vạn Hạnh, Q. 10, TP. HCM, đến gặp Tiến sĩ Phạm Thành Quân, Trưởng khoa Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách Khoa TP. HCM. Cầm tuýp kem đánh răng gồm các chất như: chất mài mòn, nước, chất làm ẩm, chất tạo bọt và nhiều phụ gia khác như: chất tạo hương liệu, chất làm đặc, chất bảo quản".

"Tuýp kem đánh răng này chỉ để làm sạch răng nhất thời, không chứa đầy đủ các chất cơ bản trên. Do đó, nếu dùng lâu dài không có tác dụng bảo vệ răng. Người tiêu dùng cần thận trọng với các loại kem vô danh như thế này!".

Kem đánh răng, cơ sở sản xuất vô danh

Nhìn các tuýp kem nhỏ, rẻ và tiện sử dụng, ít ai lường được những hiểm họa chúng có thể gây nên. Đó là lý do những loại kem đánh răng vô danh, không thời hạn sử dụng như thế xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường.

Tại các chợ đầu mối ở TP. HCM, có vô số các mặt hàng kem đánh răng với nhiều xuất xứ. Từ kem nhập ở Thái Lan, hàng xách tay từ Trung Quốc cho đến một số sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Tất cả đều được đóng gói, bao bì đàng hoàng, nhưng thông tin trên bao bì toàn bằng chữ Thái, Trung Quốc hoặc hoàn toàn không ghi bất cứ một thông tin nào.

Ngay cả thông tin về các cơ sở sản xuất cũng là một sự bí ẩn.

Chúng tôi đã tìm đến các khu chợ đầu mối của thành phố như An Đông, Kim Biên, Bình Tây. Khi chúng tôi hỏi mua loại kem đáng răng dùng trong khách sạn, không hẹn mà gặp, các chủ sạp đều đưa ra một bịch gồm khoảng một trăm tuýp kem đánh răng nhỏ, màu xanh. Tất cả chúng đều kèm theo bàn chải đánh răng, đúng loại chúng tôi đã thấy trong các khách sạn. Mỗi tuýp kèm bàn chải như vậy có giá từ 400 đến 600 đồng. Nhiều chủ sạp cho biết: "Khách từ các tỉnh lẫn thành phố đến mua nhiều lắm. Có hôm tôi bán đến 5.000 tuýp kem đánh răng loại này".

Khi đề cập đến chất lượng, các chủ sạp xua tay: "Ối dào, xài vài lần rồi vứt, có ai xài cả đời đâu mà lợi với hại".

Tại hai chợ đầu mối ở Q. 6, TP. HCM, chợ Bình Tây và chợ Kim Biên, khi chúng tôi lân la hỏi thăm nơi sản xuất, đa số chủ sạp bách hóa, mỹ phẩm đều lắc đầu từ chối cung cấp. Họ bảo đấy là thông tin bí mật, không muốn tiết lộ. Chủ sạp Quang Tuấn tại chợ Bình Tây hé lộ đôi chút: "Loại kem này chúng tôi chỉ lấy từ nhà phân phối. Nghe đâu họ nhập bột kem từ Trung quốc về rồi chia thành nhiều ống nhựa nhỏ, bán ra thị trường".

Đành rằng những tuýp kem đánh răng này chỉ sử dụng hai lần là hết, nhưng nếu quá hạn, chúng có thể gây hại cho người sử dụng ngay từ lần đầu tiên. Vấn đề đáng ngại nhất là những biến chứng về sức khỏe răng miệng không diễn ra tức thời mà xảy ra sau một thời gian.

Nguy hiểm hơn, nhiều người dù nhận thấy những biểu hiện bất thường của răng như: đau nhức, viêm chân răng, chảy máu, nhưng vẫn không quan tâm lắm. Nhiều nhất, họ chỉ đối phó bằng cách ngậm nước muối, uống thuốc giảm đau. Tất cả những phương pháp này chưa thật sự an toàn.

Làm thế nào để bảo vệ răng miệng?

Nếu thấy bất cứ triệu chứng bất thường nào của răng, bạn cần đến bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt để được khám và điều trị.

Thói quen của đa số người Việt là sử dụng một loại kem đánh răng chung cho tất cả thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, theo các bác sĩ tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP. HCM, chúng ta không nên sử dụng một loại kem đánh răng mà nên kết hợp hoặc luân phiên sử dụng nhiều loại khác nhau.

Nguyên nhân đầu tiên là do hiện nay, trên thị trường có nhiều loại kem đánh răng, mỗi sản phẩm có một thế mạnh khác nhau, ví như: kem làm trắng, kem sát khuẩn... Do đó, việc sử dụng kết hợp sẽ giúp bạn tận dụng được ưu thế của mỗi loại, giúp bảo vệ răng tốt hơn.

Cuối cùng, dù là người trực tiếp sử dụng sản phẩm hay là người kinh doanh, bạn bên chọn các loại kem đánh răng uy tín, có tên tuổi, nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng. Không nên vì cái lợi trước mắt mà sử dụng sản phẩm kém chất lượng, gây hại cho bản thân và những người khác.

Theo Tiếp thị gia đình

Chia sẻ