‘Hất văng’ Minh Hằng ở Chị chị em em 2, Ngọc Trinh ắt hẳn đã ‘học lỏm’ mưu hèn kế bẩn từ mỹ nhân cung đấu đình đám này!
Ai là nhân vật có điểm tương đồng đầy bất ngờ với Tư Nhị (Ngọc Trinh) trong ‘Chị chị em em 2’?
Cuộc chiến của Ba Trà (Minh Hằng) và Tư Nhị (Ngọc Trinh) trong Chị chị em em 2 dẫn đến kết cục không khó đoán. Đứng trước một cô gái va chạm cuộc đời, đầy kinh nghiệm “lăn lộn” như Tư Nhị, Ba Trà thua cuộc cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng những mưu hèn kế bẩn của Tư Nhị lại không hề xa lạ, vì trước đó đã từng có một nhân vật tương tự.
Trong phim, Tư Nhị đã khao khát vạch sẵn một con đường đầy mưu chước để hất văng Ba Trà khỏi chiếc ghế đệ nhất mỹ nhân.
Cách thức, kế sách của Tư Nhị dễ khiến fan cung đấu nghĩ ngay đến nhân vật Vệ Yến Uyển - “Én phèn” của siêu phẩm Như Ý truyện. Cả hai nhân vật đều có xuất thân vô danh, bần hàn, chịu cảnh cơ cực để cưu mang gia đình.
Yến Uyển dễ thở hơn Tư Nhị do cô còn được làm việc cho triều đình, song cô vẫn chịu nhiều uất ức, bị sai khiến và vắt kiệt sức bởi các ma ma và tiểu chủ. Đến khi làm nô tì cho Gia phi, cô mới chịu cực hình đỉnh điểm với những hình phạt nặng không ai chịu nổi.
Vệ Yến Uyển - “tấm gương soi” của Tư Nhị.
Vệ Yến Uyển chịu ô nhục ở địa vị nô tì, về sau mới nuôi ý định đổi đời.
Từ số phận bọt bùn, cả hai đã nhen nhóm ý định đổi đời. Với Yến Uyển, đó là khi cô nhìn ngắm ngọn đèn trước Dưỡng Tâm điện của hoàng thượng, quyết tâm đánh đổi bằng mọi giá để lên hương. Với Tư Nhị của Chị chị em em 2, đó là khi cô nhìn thấy ánh hào quang toả ra từ Ba Trà, thấy rằng Ba Trà và cô suy cho cùng cũng như nhau, cái gì Ba Trà có thì Tư Nhị cũng sẽ có. Đây là điều chỉ có duy nhất Tư Nhị dám nghĩ đến trong hằng hà sa số những cô gái nhắm đến Ba Trà.
Hai tấm thân cơ hàn “làm gì cũng làm, miễn là đổi vận”.
Hành trình của Yến Uyển của Như Ý truyện có thể gói gọn trong 1 từ “hèn hạ”. Các kế sách hạ bệ đối thủ của Yến Uyển rất hèn, thế nhưng không khỏi thâm độc. Cô mua chuộc những con người không ai ngờ đến, ngoài mặt kết thân với Như Ý, nhún nhường trước Gia phi và Du phi nhưng đằng sau đã “cài cắm” nội gián, tính kế ly gián và thậm chí đoạt mạng. Cách thức gây án của Yến Uyển cũng đáng sợ, khó đoán, thậm chí có những chi tiết mà đến khi hết phim không có nhân vật nào nghĩ là do cô làm (như hại Bát a ca ngã ngựa đến tàn phế).
Tư Nhị thì “hiền” hơn, mọi tính toán của cô đều dồn lên người Ba Trà. Ả kỹ nữ xinh đẹp của Chị chị em em 2 cũng biết mua chuộc, tính kế, dàn cảnh để có được lòng tin của cô chị. Để rồi sau khi đã thân thiết và trở thành đệ nhị mỹ nhân, Tư Nhị càng có nhiều cơ hội để đặt bẫy Ba Trà, tiếp tục dùng chiêu cũ để lật đổ một Ba Trà vốn ngây thơ và tin người hơn khán giả kì vọng.
Khi lên đến chức Phi, Yến Uyển lại càng lộng quyền hơn. Cô hại Gia phi mất tất cả, tính kế chia rẽ Như Ý và Càn Long, hại chết Ngũ a ca và sau cùng trở thành Hoàng quý phi quyền lực nhất hậu cung. Thế nhưng “vịt đội lốt thiên nga thì vẫn là vịt”, chức Hoàng quý phi của Yến Uyển rốt cục chỉ là hư danh. Hoàng quý phi nhưng không trị nổi một Quý phi như Ba Lâm Mi Nhược, Hoàng quý phi nhưng bị Thái hậu coi thường, Hoàng quý phi nhưng không được ai kính nể.
Đó cũng là điều xảy ra với Tư Nhị. Chức đệ nhất mỹ nhân của cô sau cùng được xây đắp bằng mưu hèn kế bẩn, bằng tranh đấu sống còn, chứ không phải đến từ riêng khí chất, nhan sắc hay đẳng cấp của riêng cô. Để rồi sau cùng giống với Yến Uyển bị “rớt đài” bằng kế sách của Như Ý, Tư Nhị bị chính Ba Trà nắm thóp ở đoạn kết, xem như đổ sông đổ biển tất cả nỗ lực bấy lâu nay.
Trùng hợp thay, cả hai cô gái này đều từng có tên Nhi. Tư Nhị thuở còn làm kỹ nữ tên Nhi, còn Yến Uyển cũng từng được Gia phi đặt tên là Anh Nhi thuở còn là nô tì. Chữ “nhi” đại diện cho sự non nớt, trẻ con, đơn thuần như cách mà cả hai nhân vật suy nghĩ về đích đến của quyền lực. Họ chỉ vọng tưởng lợi ích, tiền tài trước mắt nhưng đã quên rằng dù là đệ nhất mỹ nhân hay mẫu nghi thiên hạ, đó đều là những chiếc ngai vàng lạnh lẽo, đơn chiếc. Phụ nữ trong cung như con cờ trong tay đế quân, cũng giống cuộc chiến của mỹ nhân ở bối cảnh Chị chị em em 2 chẳng là gì trong mắt bọn đàn ông, không có cô này thì có cô khác.
Toan tính đi trước 2-3 bước, kẻ ác sau cùng cũng không thể sống thảnh thơi.
Để rồi sau cùng, kẻ thắng lại chẳng phải kẻ hạnh phúc nhất, và phải chăng theo hướng trớ trêu nào đó, những “kẻ thua” như Ba Trà, Gia phi hay Như Ý, mới là người được lợi khi đã trút bỏ hoàn toàn gông xiềng của chức vị?
Ảnh: Tổng hợp từ phim