Hát nhạc phản cảm, dung tục, loạt nghệ sĩ Việt khiến khán giả tức giận
Việc liên tiếp có những sản phẩm âm nhạc với lời lẽ phản cảm, dung tục đến từ nghệ sĩ trẻ khiến nhiều người hoang mang liệu nhạc Việt có đang ngày bị "tình dục hoá"?
Người ta gọi những ca khúc có phần lời dung tục, phản cảm… đang tràn lan trên mạng xã hội là " nhạc rác". Đáng chú ý khi thứ nhạc này lại đang được không ít khán giả trẻ yêu thích và ca ngợi một cách đáng lo ngại.
Nhạc Việt đang bị "tình dục hoá"?
Fever - bài hát mới nhất của tlinh và Coldzy có ca từ liên tưởng chuyện quan hệ tình dục đang đang ồn ào trên mạng. Phát hành từ ngày 4/6, đến nay sau 2 tuần, ca khúc này đã có hơn 800 nghìn lượt nghe cùng hàng ngàn lượt bình luận trên Youtube. Nhiều đoạn trong ca khúc cũng được cắt nhỏ ra để lan truyền trên TikTok với tốc độ chóng mặt.
Trong ca khúc này, 2 nghệ sĩ Gen Z sử dụng nhiều ca từ phản cảm, mô tả chuyện quan hệ tình dục một cách trần trụi. Tuy nhiên đáng lo ngại khi ca khúc lại chẳng hề được dán mác 18+. Mọi độ tuổi đều có thể nghe ca khúc, thậm chí trong đó có những người còn rất trẻ.
Nhiều khán giả sau khi nghe Fever để lại bình luận thể hiện sự tức giận. Có nhiều người còn thẳng thắn nêu quan điểm, đó là một sản phẩm "văn hóa đen", dung tục chứ không phải là một sản phẩm nghệ thuật. Nhiều người thắc mắc, tại sao một sản phẩm như thế này có thể thoải mái và công khai phát hành?
Trước Fever, tlinh nhiều lần vướng tranh cãi vì các bài hát, màn trình diễn khêu gợi. Ca khúc Ghệ iu dấu của em ơi của cô bị đánh giá có lời lẽ sáo rỗng, hình ảnh phản cảm và bị gọi là "nhạc rác".
Trước đó, ca khúc Strip 'em Down của nữ rapper cũng khiến khán giả ngao ngán với hình ảnh ướt át. Hay trong sản phẩm âm nhạc Không cần phải nói nhiều kết hợp cùng Hoàng Tôn, cô cũng đã vấp phải không ít những chỉ trích cho rằng đang quá cởi mở trong việc "tình dục hóa" sản phẩm âm nhạc của mình.
tlinh liên tục gây tranh cãi với những ca khúc có ca từ dung tục.
Không chỉ các sản phẩm của tlinh mà vài năm gần đây, nhiều ca khúc có nội dung người lớn phổ biến rộng rãi như Mẩy thật mẩy, Hâm nóng (Bid Daddy), Krazy (Binz, Andree), Sashimi (Chi Pu)...
Như cái lò của Huyền Sambi cũng từng là một ca khúc được xếp vào hàng thảm họa nhạc Việt với phần ca từ cho đến cách dàn dựng MV khiến người xem "đỏ mặt gai mắt". Chi Pu cũng là trường hợp gây tranh cãi Black Hickey . Ca khúc bị lên án vì những hình ảnh được cho là cổ súy tình dục chốn công sở khiến nữ ca sĩ đã phải nhanh chóng gỡ bỏ.
Những khán giả dễ dãi cũng đang khiến các bài hát vô bổ có cả triệu lượt xem. Thậm chí, đôi khi có trường hợp bài hát càng nhảm, càng có ca từ gây sốc thì càng dễ được chú ý. Thực tế này khiến nhiều nhạc sĩ, ca sĩ cũng chạy theo xu hướng dung tục hóa, nhảm nhí hóa ca từ, khiến hai chữ "âm nhạc" trở nên xấu xí.
Việc liên tiếp có những sản phẩm âm nhạc với lời lẽ phản cảm, dung tục đến từ nghệ sĩ trẻ khiến cho nhiều người hoang mang về việc liệu nhạc Việt có đang ngày bị "tình dục hoá"?
Cần cấm sóng vĩnh viễn nghệ sĩ làm sản phẩm độc hại
Chia sẻ với VTC News, chuyên gia văn hoá Ngô Hương Giang cho rằng nghệ sĩ trẻ của Việt Nam đang cố học hỏi âm nhạc thế giới, tuy nhiên chưa biết tiết chế.
Nói về Fever của tlinh, chuyên gia nhận định đây là ca khúc có thể dưới mức xếp hạng âm nhạc chuyên nghiệp, chỉ là một bản phối lai căng, lạc trôi giữa dòng nhạc tự phát đang khá thịnh hành trên mạng xã hội, hoàn toàn không phải là một tác phẩm âm nhạc.
"Xét ở khía cạnh nào đó, không quá lời khi xem Fever là một dạng truyền bá văn hoá phẩm đen và cần nghiêm cấm phát hành”, chuyên gia khẳng định.
Nhạc Việt ngày càng bị "tình dục hoá".
Trả lời câu hỏi về việc các sản phẩm phản cảm được chia sẻ với hàng triệu lượt xem, chuyên gia Ngô Hương Giang cho rằng đây là sự nguy hại đối với nền âm nhạc, rộng hơn là văn hoá Việt Nam.
"Một sản phẩm gọi là nhảm nghĩa là hàm lượng nội dung thẩm mỹ ít, giá trị giáo dục xã hội không nhiều, mà lại được tung hô, được xem với lượng view lớn thì đó là dấu hiệu của một sự suy thoái thẩm mỹ, suy thoái nhân văn đến mức khó có thể phanh, hãm được.
Khi sản phẩm nghệ thuật ra đời không vì mục đích làm con người tốt đẹp hơn, không vì mục đích làm xã hội tiến bộ và văn minh hơn, sản phẩm ấy không thể được gọi là nghệ thuật. Mà cần gọi đúng, gọi trúng tên cho các sản phẩm này là “rác nhạc”, “rác nghệ thuật”", ông nhấn mạnh.
Theo chuyên gia Ngô Hương Giang cần sự vào cuộc từ phía cơ quan an ninh văn hóa, cơ quan quản lý văn hóa và cơ quan thông tin truyền thông để xem xét, đánh giá mức độ vi phạm của những ca khúc có ca từ gợi dục. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cần phải có biện pháp chế tài xử lý nghiêm.
Chuyên gia văn hoá Ngô Hương Giang.
Nói về cách để ngăn chặn triệt để ca khúc dung tục, phản cảm, ông Ngô Hương Giang đưa ra 3 giải pháp.
Đầu tiên, cần luật hóa chặt chẽ các hoạt động sáng tạo, đăng tải những nội dung xấu độc trên mạng xã hội, trong đó có sản xuất, phát tán các MV âm nhạc có nội dung dung tục.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý thông tin và văn hóa ngoài việc lập "danh sách đen" cần cấm sóng vĩnh viễn những tài khoản mạng xã hội, hoặc ca sĩ, nghệ sĩ nào cố ý sản xuất, phát tán các sản phẩm nghệ thuật xấu độc, vi phạm thuần phong mỹ tục trên không gian mạng.
Cuối cùng, cơ quan an ninh văn hóa cần vào cuộc rà soát những sản phẩm âm nhạc, nghệ thuật chứa các nội dung độc hại, từ đó xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
"Sản phẩm nghệ thuật ra đời làm nên tên tuổi của người nghệ sĩ. Song người nghệ sĩ có sống lâu trong lòng khán giả, được khán giả tôn vinh, nhớ mãi hay không thì lại thuộc về nhân cách của người nghệ sĩ ấy.
Nói đúng ra trí tuệ, tài năng của người nghệ sĩ là cây cầu giúp người nghệ sĩ đến gần hơn với công chúng, song chính cách sống, sự cống hiến, làm đẹp cho xã hội mới là thứ để nghệ sĩ sống một cuộc đời trọn vẹn với nghệ thuật của mình", ông nói thêm.