Háo hức mang con về quê ngoại ăn Tết, vừa đến cổng tôi đã bị mẹ đuổi đi vì lý do oái oăm
Tôi chẳng hiểu sao mình về nhà mà bây giờ lại phải thuê khách sạn để ngủ nữa…
Phải nói rằng tôi thật sự may mắn khi được gả vào nhà chồng tốt. Bố mẹ chồng tử tế, anh chị em họ hàng bên chồng cũng quý mến quan tâm. 3 năm làm dâu chưa bao giờ tôi thấy lạc lõng, ngược lại tôi còn cảm thấy mình thực sự được gia đình chồng coi là người thân ruột thịt.
Vui nhất là bố mẹ chồng chưa bao giờ ép tôi ở nhà nội ăn Tết. Năm nào ông bà cũng bảo tôi về ngoại chơi, thậm chí còn cho thêm tiền để sắm sửa về quê sớm nữa. Cơ mà 2 năm đầu tôi có bầu và chăm con ốm nên không về ngoại được, quê ngoại cũng cách hơn 400km hơi xa, mãi năm nay mới háo hức xách vali về đón Tết cùng bố mẹ đẻ.
Vì muốn con có thời gian chơi nhiều với ông bà ngoại nên tôi quyết định về từ 26 âm, chơi đến hết rằm mới quay lại. Tầm đó kịp để tôi tham gia “đại hội dọn nhà”, rửa lá dong, ra ruộng bẻ ngô, bắc bếp củi luộc bánh chưng cùng cả xóm. Làng tôi sinh ra giờ đã lên phường rồi, giáp thành phố trung tâm của tỉnh nhưng vẫn giữ được nhiều phong tục truyền thống. Các thế hệ con cháu dù đi xa khắp mười phương vẫn quay về đoàn viên mỗi dịp đầu xuân năm mới, thế nên tôi rất thích không khí ngày Tết ở quê ngoại.
Mặc dù đã sắp xếp lên kế hoạch chu đáo cả rồi nhưng đùng cái 2 hôm trước chồng tôi bị đơn vị điều đi công tác gấp. Anh không phải làm việc xuyên Tết nhưng tầm 29 âm mới bay về, ngày đó thì không kịp đoàn tụ với vợ con nên tôi đành ôm con về ngoại trước.
Một mình tôi xách theo 2 vali đồ đạc, 1 giỏ quà to do bố mẹ chồng gửi biếu, kèm thêm con nhỏ đi cùng nữa. Hơi lỉnh kỉnh mệt nhọc một chút nhưng cứ nghĩ đến niềm vui khi trở về quê hương là tôi lại thấy bồi hồi.
Muốn mọi người ở nhà bất ngờ nên tôi không thông báo lịch về quê ngoại. Gia đình chồng cũng giúp tôi giữ bí mật, chẳng ai tiết lộ chuyến hồi hương của mẹ con tôi với bên thông gia. Tuy không phải lần đầu tiên về gặp ông bà ngoại nhưng là lần đầu tiên con tôi được đón Tết ở quê, tôi chỉ kể vài câu thôi nó đã háo hức lắm rồi. Nó muốn được nướng gà bắt cá với cậu ruột, muốn ra ruộng nhổ lạc đào khoai với ông, muốn học gói bánh chưng cùng bà, muốn chơi thả diều cùng đám trẻ con.
Mẹ con tôi mang theo tâm hồn phấn khởi trên suốt chuyến xe về quê ngoại. Đường về qua bao nhiêu núi đèo làng mạc, đi tới đâu con tôi cũng ríu rít hỏi đủ thứ trên đời. Tôi tưởng tượng ra cảnh ông bà ngạc nhiên xúc động khi thấy con gái về cùng cháu ngoại, tự ngồi cười rúc rích và cố ngăn chính mình không nhắn tin khoe với bố mẹ trước.
Xuống xe ở cây gạo đầu làng xong tôi dắt con đi bộ. Từ chỗ đó về nhà tôi tuy hơi xa, nhưng con tôi muốn chạy nhảy trên đê, đòi ngắm ruộng ngắm sông nên tôi chiều theo ý nó. Một mình xách đống vali với túi đồ hơi mệt, nhưng nghĩ đến khoảnh khắc sum vầy là tôi lại thấy chân mình khỏe hơn.
Rón rén về đến cổng thì tôi gặp ngay mẹ đang ngồi ngoài sân trộn ngô cho gà. Tôi sung sướng gọi mẹ ầm lên, nhưng thấy con gái với cháu ngoại mà mẹ không hề mừng vui. Bà chỉ ngẩn ra một lúc rồi cứ ngó nghiêng ra sau, hỏi xem con rể đâu mà chỉ có 2 mẹ con thế này. Tôi bảo năm nay chồng mình đi công tác về muộn nên mùng 2 mới đến. Không ngờ mẹ ném túi ngô đứng phắt dậy, xua tay đuổi tôi đi luôn.
- Không có chồng đi cùng thì đừng về. Hàng xóm láng giềng nhìn vào người ta lại tưởng vợ chồng lục đục nên mỗi đứa một nơi.
Đến lượt tôi ngẩn ra đứng giữa sân. Bao niềm vui trong lòng tan biến, chỉ còn cảm giác hụt hẫng buồn tủi trào lên. Con tôi không hiểu chuyện nên cứ tíu tít chạy tới ôm cổ bà ngoại, tự dưng bà đẩy nhẹ nó ra khiến nó cũng "đơ" luôn.
Mẹ lạnh nhạt nói thêm vài câu khiến tôi chợt hiểu ra việc mình về quê bây giờ không còn giống như ngày trước nữa. Khi còn độc thân thì nhà là nơi để về. Nhưng khi đã có chồng rồi thì việc đi cùng nhau về ngoại là thể diện, là thứ để người khác nhìn vào đánh giá, là mối quan hệ mà chỉ cần vắng 1 trong 2 là đã có muôn vàn câu chuyện bị thêu dệt...