Háo hức gửi ngân hàng 7 triệu để nhận 2,5 tỷ đồng, cụ ông lặng người với số tiền thực nhận sau 30 năm
30 năm trôi qua, gia đình cần tiền gấp, cụ ông quyết định ra ngân hàng rút tiền.
30 năm trước, tại một trấn nhỏ ở Diên Biên, Cát Lâm (Trung Quốc), Lý Vũ Hiên là một công nhân nhà máy bình thường. Bằng sự chăm chỉ, ông đã tiết kiệm được 2.000 NDT (gần 7 triệu đồng), một số tiền không nhỏ vào thời điểm đó.
Khi ấy, cuộc sống của Lý Vũ Hiên tương đối ổn định cho đến khi nhà máy được tái cơ cấu khiến ông thất nghiệp.
Trong lúc lang thang tìm việc làm ngoài đường lớn, ông đi ngang qua một ngân hàng và thấy quảng cáo về hình thức tiết kiệm có kỳ hạn dài mới. Vì tò mò, ông đã đi vào ngân hàng tìm hiểu.
“Khoản tiền gửi này có thật sự tăng lên thành 720.000 NDT (gần 2,5 tỷ đồng) sau 30 năm không?”, Lý Vũ Hiên hỏi nhân viên giao dịch.
“Tất nhiên, sản phẩm của chúng tôi rất được tin dùng. Chỉ cần gửi 2.000 NDT, 30 năm sau có thể nhận được 720.000 NDT”, nhân viên trả lời với nụ cười trên môi.
Lý Vũ Hiên về nhà hào hứng bàn bạc với gia đình, ai cũng công nhận đó là một cơ hội tốt, tại sao không thử?
30 năm đã trôi qua, cuộc sống của Lý Vũ Hiên giờ đã khác rất nhiều. Về hưu ở nhà, ông thường nhớ lại số tiền tiết kiệm năm xưa với lòng tràn đầy kỳ vọng. Gần đây gia đình đang cần tiền gấp, ông quyết định ra ngân hàng rút tiền.
“Tôi muốn rút số tiền đã tiết kiệm 30 năm trước, là 720.000 NDT”, Lý Vũ Hiên nói với nhân viên giao dịch.
Nhân viên trẻ tuổi nhìn tờ biên lai trong tay, khó hiểu: “Đây là cái gì? Cháu chưa bao giờ nhìn thấy tờ biên lai này”.
“Tôi đã giữ nó từ 30 năm trước, nay đã có thể rút tiền được rồi”, Lý Vũ Hiên vội vàng giải thích.
Nhân viên lập tức đi xác nhận tính xác thực của tờ biên lai. Thế nhưng sau đó Lý Vũ Hiên lại được thông báo rằng tờ biên lai gửi tiền tiết kiệm không hợp lệ và chỉ có thể được tính dựa trên lãi suất hiện tại. Theo đó, ông chỉ rút được hơn 4.000 NDT (gần 14 triệu đồng).
Lý Vũ Hiên sửng sốt tại chỗ. Ngân hàng trả lời vì chính sách đã thay đổi nên tiền gửi dài hạn tại thời điểm đó bị tạm dừng.
Cụ ông Lý Vũ Hiên cảm thấy bị lừa dối và vô cùng tức giận. Thương lượng với ngân hàng nhiều lần nhưng không thành, cuối cùng ông quyết định kiện ngân hàng ra tòa.
Tại tòa, Lý Vũ Hiên nói với thẩm phán: “Tôi tin tưởng ngân hàng và đã chấp nhận gửi tiền. Tôi đã chờ đợi ngày này suốt 30 năm. Bây giờ ngân hàng lại nói với tôi rằng biên lai tiền gửi không hợp lệ. Đây có phải là lừa đảo không?”.
Tòa án phân tích vụ việc như sau:
1. Nghĩa vụ pháp lý về thực hiện hợp đồng:
Trước hết, việc gửi tiền giữa ngân hàng và Lý Vũ Hiên cấu thành mối quan hệ hợp đồng. Theo nguyên tắc của pháp luật hợp đồng, nếu ngân hàng hứa rằng Lý Vũ Hiên có thể rút 720.000 NDT sau 30 năm kể từ khi xác nhận gửi tiền, thì ngân hàng phải tuân theo cam kết của mình.
2. Thay đổi chính sách của ngân hàng và hiệu lực hợp đồng:
Đối với trường hợp ngân hàng thay đổi chính sách tiền gửi giữa chừng, điều quan trọng là liệu sự thay đổi này có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp đồng của Lý Vũ Hiên hay không và liệu ngân hàng có thông báo trước cho Lý Vũ Hiên về những thay đổi chính sách liên quan hay không. Nếu ngân hàng không đưa ra thông báo hợp lý hoặc không nhận được sự đồng ý của Lý Vũ Hiên, việc thay đổi chính sách có thể vi phạm các nguyên tắc của luật hợp đồng.
3. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:
Từ góc độ bảo vệ người tiêu dùng, Lý Vũ Hiên, với tư cách là người tiêu dùng bình thường, nên được hưởng các quyền được quy định trong hợp đồng. Nếu ngân hàng không thực hiện đúng cam kết có thể vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Tòa án phán quyết biên lai tiền gửi đã không còn hiệu lực vì chính sách thay đổi. Theo đó, ngân hàng đã mắc một số sai sót nhất định khi không thông báo, liên hệ với người gửi tiền để làm lại hợp đồng sau khi thay đổi chính sách gửi tiết kiệm. Căn cứ vào lãi suất vay kỳ hạn 5 năm, tòa phán ngân hàng phải bồi thường cho Lý Vũ Hiên số tiền 13.566 NDT (gần 47 triệu đồng).