Hành trình tiến thân của người phụ nữ có "1-0-2": Gái lầu xanh trở thành công chúa, dám uy hiếp hoàng gia Anh để thoát tội sát nhân
Marguerite Alibert là người sở hữu số phận kỳ lạ chưa từng thấy, dù có xuất thân hèn kém nhưng hậu vận của bà về sau lại khiến ai cũng phải kinh ngạc, làm điên đảo cả giới thượng lưu.
Tuổi thơ khốn khó
Marguerite Alibert sinh năm 1890 trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động ở Pháp. Cha của bà làm nghề lái xe còn mẹ là người giúp việc. Tuổi thơ của Marguerite trôi qua êm ả cho đến khi một vụ việc thương tâm xảy ra, đó là cậu em trai 4 tuổi của bà qua đời do tai nạn giao thông. Quá đau buồn trước cái chết của con trai, cha mẹ của Marguerite đã đổ hết mọi tội lỗi lên đầu bà. Họ cho rằng vì bà trông coi em không cẩn thận mới gây ra sự việc đau đớn như vậy.
Để trừng phạt, cha mẹ Marguerite đã gửi bà đến một trường dòng nội trú. Năm 15 tuổi, Marguerite được gửi đi làm người giúp việc cho một gia đình giàu có. Tuy nhiên, một năm sau đó, bà đã bị đuổi ra khỏi nhà do không chồng mà chửa. Marguerite vẫn giữ cái thai và bà sinh ra một bé gái nhưng ngay lập tức Marguerite đã tìm cách gửi con cho một gia đình khác ở miền trung nước Pháp nuôi dưỡng.
Cha của đứa trẻ đến nay vẫn là một ẩn số. Có lời đồn cho rằng, Marguerite đã có quan hệ yêu đương với con trai của một quý tộc người Anh tên là Andre Mont-Clare. Hai người yêu nhau say đắm nhưng người con trai không thể xin gia đình cho phép kết hôn với một cô gái nghèo người Pháp, đặc biệt là sau khi cô mang bầu trước khi cưới. Trong khi đó, một số thông tin thì cho rằng, cha của đứa trẻ là một sinh viên nghệ thuật nghèo túng, không đủ khả năng để chăm sóc và nuôi hai mẹ con.
Marguerite rơi vào cảnh không nhà không cửa, không người thân và không có lấy một nơi nương tựa. Bà một thân một mình sống lay lắt qua ngày. Để tồn tại, Marguerite đã bán mình cho các nhà thổ, trở thành gái lầu xanh. Tuy nhiên, từ chính nơi bị đánh giá là hèn kém, nhơ nhuốc, ở dưới đáy của xã hội này bà đã tìm thấy con đường đến với vinh hoa phú quý.
Con đường tiến thân
Trở thành gái làng chơi, Marguerite có cơ hội tiếp xúc với nhiều người giàu có và quyền lực từ Pháp, Anh, Mỹ. Với lợi thế nhan sắc và tuổi trẻ, cộng thêm tính cách phóng khoáng và cách nói chuyện đi vào lòng người, Marguerite được xem là một trong những cô gái điếm nổi tiếng nhất mà bất kỳ đàn ông nào cũng mê mẩn.
Năm 1907, khi Marguerite 17 tuổi, bà đã gặp một người đàn ông giàu có ở độ tuổi tứ tuần, Andre Meller. Vị thương nhân lắm tiền nhiều của này ngay lập tức bị Marguerite mê hoặc dù ông ta đã có vợ và sẵn sàng chi ra một khoản tiền khổng lồ để chuộc bà ra khỏi chốn thanh lâu. Sau đó, Andre đã mua tặng Marguerite một căn hộ để cả hai dễ dàng qua lại với nhau. Thậm chí, Marguerite còn lấy họ của Andre, xem như bản thân đã gả cho ông ta. Mối quan hệ này kéo dài đến năm 1913 thì kết thúc.
Marguerite tiếp tục lao vào cuộc phiêu lưu tình ái khác và lần này là một người đàn ông có địa vị và danh tiếng. Vào năm 1917, qua sự giới thiệu của bạn bè, Marguerite đã gặp gỡ hoàng tử Anh, Edward VIII khi ông ta đang làm nhiệm vụ ở Pháp trong thế chiến thứ nhất. Với một người phụ nữ có kinh nghiệm tình trường dày dặn thật không khó để Marguerite mê hoặc vị hoàng tử này. Cả hai đã nảy sinh mối quan hệ say đắm và cuồng nhiệt trong khoảng 1 năm.
Sau khi chia tay hoàng tử Anh, Marguerite tiếp tục cuộc sống của một gái làng chơi, cặp kè đủ các đại gia và khiến họ phải vung tiền để cung phụng bà, đem đến cho Marguerite một cuộc sống vinh hoa phú quý. Vào năm 1919, bà kết hôn với một người đàn ông giàu có, Charles Laurent. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này chỉ vỏn vẹn có 6 tháng rồi nhanh chóng kết thúc. Tuy vậy, Marguerite dù sao cũng đạt được thứ mà bà mong muốn: một món hời lớn sau vụ ly hôn. Với số tiền đó, Marguerite đã mua được nhà, ngựa, xe hơi và thuê cả người giúp việc về phục vụ cho mình.
Năm 1921, "thần may mắn" tiếp tục mỉm cười với Marguerite khi cuộc đời đưa đẩy cho bà gặp gỡ hoàng tử Ai Cập Ali Kamel Fahmy Bey. Tuy không phải là một hoàng tử thực sự nhưng gia đình Fahmy cũng nằm trong giới siêu giàu tại Ai Cập. Chữ Bey trong cái tên của ông ta có thể hiểu là "lãnh chúa". Cũng chính vì vậy, sau khi trở thành vợ của Fahmy vào năm 1922, Marguerite được mọi người nhắc đến với danh xưng là công chúa.
Thoát tội sát nhân
Tuy nhiên, cuộc hôn nhân giữa bà với hoàng tử Ai Cập cũng "cơm không lành, canh không ngọt" bởi bản thân Marguerite là một người phụ nữ nổi loạn, không chấp nhận sống trong khuôn khổ phép tắc. Đây cũng là lý do mà Marguerite và Fahmy liên tục cãi nhau. Làm dâu trong gia đình hào môn, Marguerite không có lấy một ngày sóng êm bể lặng. Có tin đồn bà đã thảo ra cả trang danh sách dài những điều bất công và áp bức mà gia đình Fahmy đã đối xử với bà, Marguerite dự định sẽ làm một vố lớn sau khi đưa đơn ra tòa ly hôn.
Vào tháng 7/1923, Fahmy và Marguerite đến London nghỉ mát. Cặp đôi lại xảy ra cãi vã, cuối cùng Marguerite đã kết liễu cuộc đời của người đàn ông đầu ấp tay gối với mình bằng 3 phát súng. Kẻ sát nhân nhanh chóng bị cảnh sát bắt giam để điều tra xét xử. Tuy nhiên, Marguerite không hề tỏ ra sợ hãi bởi bà đã có trong tay một con át chủ bài cực kỳ lớn.
Trở về khoảng thời gian khi còn qua lại với hoàng tử Edward, Marguerite và hoàng tử đã gửi cho nhau rất nhiều thư từ với nội dung nhạy cảm. Marguerite vẫn còn giữ tất cả số thư đó và giờ đây bà dùng chúng để tống tiền gia đình hoàng gia. Dĩ nhiên không ai trong hoàng tộc muốn câu chuyện đáng xấu hổ của Edward và một cô gái lầu xanh lọt ra ngoài. Chính vì vậy, hoàng gia Anh buộc phải ra tay giúp đỡ người phụ nữ này.
Cuối cùng, Marguerite được xử vô tội trong phiên tòa xét xử vụ án mưu sát chồng. Marguerite được tuyên bố chỉ là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình từ Fahmy, sau đó Marguerite đã bước ra khỏi tòa một cách bình yên. Sau khi trắng án, Marguerite trở về Paris sống một cuộc sống sung túc, tham gia đóng một vài vai nhỏ trong nhiều bộ phim và tiếp tục cặp kè với những người đàn ông giàu có khác. Bà qua đời ở tuổi 80, đặt dấu chấm hết cho cuộc đời kỳ lạ có "1-0-2" của mình.
Nguồn: Medium, Historycollection