Hành trình thức tỉnh của bệnh nhân vô danh bại não sau 100 ngày nằm khoa tâm thần
Mấy ngày gần đây, cư dân mạng liên tục chia sẻ thông tin về một thanh niên bị tai nạn giao thông, nằm ở bệnh viện 175 (Gò Vấp, TP.HCM) mấy tháng trời trong tình trạng nguy kịch nhưng vẫn chưa tìm được người thân.
Status ghi: "Bị tai nạn giao thông, nằm viện 5 tháng vẫn chưa tìm được người thân. Mong mọi người giúp nạn nhân này nhé!
Em bị tai nạn giao thông, đã vào bệnh viện 175 hơn 5 tháng nay, mà không có một thông tin nào về gia đình, người thân. Tuy nhiên em có hiểu những gì người khác nói. Mọi người lấy tấm bản đồ chỉ thì em có gật mấy lần ở huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Không biết có chính xác không? Tuy nhiên địa điểm này điểm em gật nhiều nhất.
Về tình hình bệnh thì em này có hy vọng sống nhiều hơn. Nhưng có lẽ cũng đời sống thực vật. Em ăn được, uống sữa được. Mọi người share giúp trường hợp này, hy vọng gặp lại thân nhân!".
Lần theo địa chỉ moi người chia sẻ, chúng tôi tìm đến bệnh viện 175 để xác minh về tình trạng của người bệnh này.
Gần 3 tháng sống vô thức
Đó là một bệnh nhân không rõ tên tuổi, quê quán được điều trị ở Khoa ngoại thần kinh – Bệnh viện 175. Bị tai nạn vào ngày 10/3, thanh niên này được người đi đường đưa vào Bệnh viện Quận 12, tuy nhiên do chấn thương quá nặng nên ngay hôm đó, bệnh viện lại chuyển anh đến Khoa ngoại thần kinh điều trị cho đến bây giờ.
Theo các bác sĩ bệnh viên 175 kể lại, xe hồng của bệnh viện quận 12 chở bệnh nhân sang trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, phải nằm điều trị ở khoa hồi sức tích cực liên tục trong 10 ngày đêm mới đưa về khoa, kết quả chẩn đoán suy kiệt bại não sau chấn thương sọ não nặng được ghi trong bệnh án mang tên VÔ DANH.
Gần 3 tháng nằm ở bệnh viện, người thanh niên này hầu như không biết gì, miệng không thể phát âm, cơ thể suy kiệt gầy trơ xương chỉ còn khoảng 35kg, cả tứ chi của người bệnh không tên tuổi này đều liệt, trong đó bên phải nặng hơn bên trái, mọi vận động của bệnh nhân đều rất khó khăn.
Không ăn uống được, đội ngũ y bác sĩ của khoa ngoại thần kinh đã sử dụng ống xung nhét vào đường mũi đến dạ dày để đưa thức ăn là những chén súp xay nhuyễn nuôi sống cơ thể mỗi ngày. Người thanh niên này hầu như rất ít ngủ, gương mặt trở nên khờ khạo, hay mở mắt nhìn quanh, hết người này đến người khác nhưng hoàn toàn không quậy phá, hò hét.
Hơn 100 ngày nằm ở bệnh viện, nhưng không có một người thân nào tới tìm anh, cũng không có một tin tức gì về gia đình, quê hương chính xác. Các bác sĩ ở bệnh viện đã tìm mọi cách khơi gợi và tìm kiếm thông tin về thân nhân cho người bệnh vô danh nhưng đều nhận được cái lắc đầu vô vọng.
Không có người đứng ra lo thuốc thang cho anh, khoa ngoại thần kinh đã quyết định xin ý kiến của giám đốc bệnh viện và phòng kế hoạch tổng hợp trích ngân sách của bệnh viện để giúp đỡ anh với tiếng thở dài: cố gắng được chừng nào tốt chừng ấy, xác suất chữa trị thành công là vô cùng thấp.
Ngồi lại bàn bạc, đội ngũ y bác sĩ của khoa ngoại thần kinh đã quyết định mỗi người một tay, thay nhau chăm sóc cho bệnh nhân vô danh (tên họ gọi người thanh niên này) từ tắm rửa, thay quần áo, đút cho ăn đến chích thuốc và làm công tác chữa bệnh.
Theo bác sĩ Vũ Thế Cường, người điều trị trực tiếp cho bệnh nhân vô danh, cơ hội để anh trở lại bình thường là rất khó. Mặc dù đã làm rất nhiều kết quả kiểm tra như chụp Citi nhưng rất khó để xác định chính xác bệnh của người này. Khoa vẫn đang theo dõi tổn thương sợi trục lan tỏa với hướng điều trị chủ yếu là chăm sóc, thuốc chỉ là bổ trợ, đa phần là các loại thuốc dưỡng não, mọi hình thức truyền dịch, thuốc đã từng sử dụng qua.
Người nhà của những bệnh nhân khác cũng thấy động lòng trước hoàn cảnh của một số phận không ai thân thích, cứ ngây ngây dại dại, sống đời sống thực vật, đại tiểu tiện trong chiếc tã lót mà người già bệnh hay dùng. Họ chăm bệnh cho người thân, rồi thay nhau chăm cho cả người thanh niên tai nạn.
Nhìn gương mặt anh bụi bặm, có vẻ dữ tợn, xăm hình xăm lớn trên ngực trái, ai cũng lắc đầu, nói với nhau: “Nhìn nó thì đoán trước đây là kẻ ăn chơi quậy phá lắm chứ không phải đùa đâu, nhưng giờ đã gặp như vậy thì cố gắng giúp cho nó cái chi thì giúp, coi như làm việc thiện”.
Tìm lý lịch từ cái nhắm mắt
Gần một tuần nay, đoàn từ thiện Thiện Tâm biết đến người bệnh vô danh và hằng ngày đến lo cơm nước, chăm sóc. Cũng từ đây, người thanh niên bắt đầu có những dấu hiệu tích cực, anh ta trở nên tỉnh táo, biết lắng nghe và hiểu mặc dù không nói được. Người bệnh vô danh trở nên thèm ăn, ăn rất nhiều và nhanh đói.
Theo cô Mười Thu, một thành viên của đoàn từ thiện Thiện Tâm, ngày nào cô cũng đến bệnh viện chăm sóc cho bệnh nhân vô danh, tắm rửa, đút ăn và xoa bóp tay chân kích thích sự vận động của anh ta. Cứ đến khoảng quá giữa trưa chưa thấy cô Mười Thu, người thanh niên cứ nhìn ra cửa rồi ngẩng cổ hóng chờ. Khi gặp cô, người thanh niên lại cố đưa tay vào bụng, rồi nhăn mặt, mếu máo ra hiệu đói. Những người xung quanh kể lại. mỗi ngày anh ta ăn đến hơn bốn bữa, bữa nào cũng ăn nhiều, chỉ không có sức mà đút, đút bao nhiêu cũng ăn hết.
Chị Hà Thị Tuyết, cán bộ y công của bệnh viện chia sẻ: “Gần đây, cứ thấy mấy cô áo xanh bọn tôi đến là nó đòi ăn, ăn cháo ăn cơm bánh kẹo, hủ tiếu, sữa trái cây gì cũng ăn được hết”. Đáng chú ý hơn, những người trong đoàn từ thiện cùng các y bác sĩ kết hợp đưa bảng kí tự giúp anh tìm quê hương, họ giúp anh tìm tỉnh trước, sau đó tìm kiếm tên các huyện xã trên mạng liệt kê ra để anh ta chỉ.
Cuối cùng người bệnh vô danh đã chỉ vào xã Trường Yên – huyện Hoa Lư – tỉnh Ninh Bình. Nhiều phép thử được đưa ra như chỉ đi chỉ lại, gật đầu và lắc đầu đều không rõ bằng cái nhắm mắt. Chỉ đúng địa danh mà anh ta muốn thì mới nhắm mắt, thử đi thử lại, anh cũng chỉ nhắm mắt tại một địa danh, mọi vùng khác anh ta đều lắc đầu.
Cũng từ cách làm này, người của đoàn từ thiện đã tìm hiểu được người thanh niên này tên là Nam, 24 tuổi, gia đình có hai anh em trai. Tuy nhiên khi hỏi đến cha mẹ, người bệnh vô danh lại lắc đầu chưa muốn trả lời.
Theo lời kể của em Phạm Thị Kì Trâm (đang chăm sóc người thân cùng phòng), thời gian gần đây thấy anh bệnh nhân vô danh trở nên lanh lợi. Khi một số thân nhân khác đến thăm và hỏi có nhớ ba mẹ không, người thanh niên gật đầu và khóc như đứa con nít lạc mẹ. “Họ hỏi một câu có nhớ ba mẹ không mà anh khóc, mặt buồn thấy thương lắm” - Kì Trâm cho biết.
Sau khi kiểm tra tình hình của bệnh nhân, các bác sĩ bệnh viên 175 cho biết, tình trạng của người bệnh đã khá hơn rất nhiều, tri giác có cải thiện hơn, không nói được nhưng vẫn nghe tốt và có thể làm theo các hiệu lệnh của người khác. Hiện tại, người thanh niên hiểu rất tốt lời người khác nói, anh ta có phản ứng nhanh sau các hiệu lệnh mặc dù chưa mạnh mẽ, nhưng đó được xem như một dấu hiệu tích cực trên hành trình thức tỉnh của người bệnh hơn 3 tháng sống trong vô thức.
Ai biết thông tin về bệnh nhân vô danh này, xin báo cho cô Mười Thu theo số điện thoại 0903.712.239