Hành trình kỳ diệu của lá thư mẹ gửi con trai đã mất

,
Chia sẻ

Một bà mẹ viết thư gửi con trai đã mất, bỏ vào một chiếc lọ và thả xuống biển. Bà không bao giờ nghĩ rằng ai đó có thể đọc được nó.

Vô tình, nhà văn Karen Liebreich đã đọc được bức thư cảm động đó và quyết định đi tìm bà mẹ ấy suốt 3 năm trời.

Karren Liebreich và chiếc lọ với bức thư cảm động. Ảnh: Guardian

Một ngày mùa xuân năm 2002, một bà mẹ Pháp đã thả xuống biển một túi quần áo, mấy cành huệ tây và một chiếc lọ hình giọt nước. Trong chiếc lọ đó là bức thư bà gửi cho cậu con trai đã mất từ năm 13 tuổi, với niềm tin: “ gió…bão…thậm chí cả tử thần cũng không thể phá hủy được bức thư”.

Bức thư viết: “ Tha lỗi cho mẹ vì đã rất giận dữ khi con ra đi, mẹ vẫn nghĩ rằng đã có nhầm lẫn nào đó, và mẹ luôn chờ Chúa sửa chữa sai lầm đó…Tha lỗi cho mẹ vì đã không thể bảo vệ con khỏi thần chết. Tha lỗi cho mẹ vì không thể tìm được từ nào để diễn tả giây phút đau đớn con trượt khỏi tay mẹ…”

Chiếc hộp biến mất trong biển rộng bao la, bà mẹ trở về nhà với cuộc sống bình dị. Bà không bao giờ nghĩ rằng ai đó có thể nhặt được bức thư và đọc nó.

Hành trình tìm kiếm của một nhà văn
 
Nhưng ngay sau đó vài tuần, một nhà văn Luân Đôn, Karren Liebreich, đã đọc được bức thư. Chiếc lọ được tìm thấy trên bờ biển Kent, khi một người bạn của Liebreich đi dạo trên biển cùng chú chó cưng. Bức thư viết bằng tiếng Pháp, mà Liebreich lại giỏi ngôn ngữ này, nên người bạn đã đưa cho cô để dịch nó.

Liebreich đã rất cảm động khi đọc bức thư của người mẹ không quen biết này. Căn cứ vào nội dung bức thư, cô nghĩ cậu con trai chắc hẳn vừa mới qua đời, có thể là do bị chết đuối. Người mẹ có vẻ như rất đau khổ: “Cuộc sống của tôi giường như chỉ bắt đầu khi có nó, và khi con tôi ra đi, cuộc đời tôi cũng chấm dứt” – đọc đến đây, Leibreich sợ rằng người mẹ sẽ tự sát. Nhưng không, người mẹ mạnh mẽ viết tiếp: “ Chúa đã cho mẹ sống, mẹ hứa với con mẹ sẽ sống trọn vẹn cuộc sống này…mẹ tin chắc rằng rồi mẹ con ta cũng sẽ tìm thấy nhau, một lúc nào đó”.

Dịch bức thư, Liebreich thấy mình đang khóc. Cô nói: “ tôi không phải là một người hay khóc, nhưng bức thư này quả thật rất đẹp, rất cảm động.”

Cả đêm Liebreich không ngủ. Những ngày tiếp theo, cô như cảm thấy cần phải chăm sóc, bảo vệ các con, và cả chồng cô nhiều hơn. Cô tâm sự: “ Khi các con bạn còn nhỏ, có thể bạn sẽ chỉ nhìn thấy những điều vô vị với đống đồ chơi, sách vở của lũ trẻ, mà không nhận ra được giá trị lớn lao của bản thân chúng. Những điều nhỏ nhoi như bức thư này có thể sẽ nhắc nhở bạn lũ trẻ thực sự quan trọng như thế nào.”

Và Leibreich quyết định đi tìm người mẹ đã viết ra bức thư này. Cô muốn biết cậu bé Maurice đã ra đi như thế nào, muốn biết về người mẹ của cậu, muốn cho người mẹ đó biết rằng cô đã tìm thấy và đọc được bức thư, và muốn chắc rằng người mẹ đó vẫn ổn.

Tuy nhiên, Leibreich chỉ biết tên, tuổi của cậu bé Maurice, và tên một người bạn của cậu. Cô sớm phát hiện ra rằng chỉ dựa vào những thông tin đó thì hoàn toàn vô ích: Nước Pháp có đến 36.000 địa điểm khai báo chứng tử. Cô lại không thể nhờ cảnh sát giúp vì đây hoàn hoàn không phải một vụ án.

Những năm sau đó, Liebreich đã liên hệ với báo chí, các nhà sản xuất chai lọ, thủy thủ, bác sĩ, các nhà địa lý, tâm lý, giáo sư văn học, bác sĩ khám nghiệm tử thi, thám tử tư, thậm chí các nhà ngoại cảm và các phù thủy để đi tìm mẹ cậu bé. Các chuyên gia đã đưa rất nhiều giả thuyết rằng cậu bé đã bị chết chìm, rằng hai mẹ con họ rất gắn bó với nhau, rằng người mẹ đã chết, hoặc còn sống, rằng có thể người mẹ bị đồng tính...

Khi tất cả các chuyên gia đều không giúp được gì nhiều hơn, Liebreich vẫn không bỏ cuộc cho đến mãi 3 năm sau, mọi sự tìm kiếm chỉ là vô vọng.

Sự ra đời của "Bức thư trong chiếc lọ"

Điều cuối cùng mà Liebreich quyết định làm, đó là viết một cuốn sách về câu chuyện này, hy vọng rằng, nếu người mẹ còn sống, bà có thể sẽ đọc được.

Và quả vậy, năm 2009, 3 năm sau khi quyển sách “ The Letter in the Bottle” ( Bức thư trong chiếc lọ) được xuất bản tại Anh, người mẹ đã liên lạc với Liebreich và nói bà cảm thấy bị xúc phạm, những điều riêng tư đó đã không còn là của riêng bà.

Do đó, Liebreich đã nỗ lực để quyển sách không gây nhiều chú ý với giới truyền thông. Nhưng trái lại, “The Letter in the Bottle” thậm chí còn được xuất bản tại Pháp, thu hút rất nhiều sự quan tâm của báo chí.  Leibreich lo ngại mẹ của cậu bé Maurice sẽ gặp phiền phức khi bạn bè, hay hàng xóm nhận ra bà.

Tuy nhiên, mẹ của cậu bé lại liên hệ với Liebreich, thông qua nhà tâm lý học Olivier Roussel – một trong số ít người trong quyển sách mà bà  cảm thấy thể vẻ đồng cảm với mình. Bà tỏ ý muốn gặp mặt nói chuyện trực tiếp với Leibreich.

Leibreich thật sự không có ý định làm buồn lòng người mẹ này hơn nữa. Trong khi một vài độc giả đã gửi những gợi ý để Leibreich tìm thấy bà mẹ, hoặc chia sẻ câu chuyện tương tự của họ, thì có những người lên án Leibreich đã “ săn đuổi” bà mẹ.

Cuối cùng hai người phụ nữ này cũng gặp được nhau, trong một thành phố tại miền Bắc nước Pháp. “Đó là một người phụ nữ xinh đẹp và quý phái”. Leibreich tin rằng bà trẻ hơn rất nhiều so với cái tuổi 60 mà bà đã nói với cô. Hai người đã nói với nhau rất nhiều chuyện.

Trái với tất cả những lời dự đoán, cậu bé Maurice chết vì bị ngã xe đạp năm 1981, 21 năm trước khi bức thư được viết ra.

Lý do người mẹ này không tự  hủy hoại mình sau cái chết của Maurice là vì bà còn có 3 người con khác, chúng cũng cần được chăm sóc.

Và thực sự, người mẹ này không hề muốn bức thư được tìm thấy. Bà nghĩ nó sẽ biến mất trong những con sóng, hương thơm của cỏ và giấy trên bức thư sẽ sớm tan biến vào biển khơi. Bà thả lá thư xuống biển, đó là cách bà nói chuyện với Chúa.

Và người mẹ của Maurice- Liebreich xin được giấu tên, đã tha thứ cho cô dù cô đã khơi lại nỗi đau ngày nào.

Hai người phụ nữ nãy đã gặp lại nhau nhiều lần, và có vẻ như họ sẽ là những người bạn tốt của nhau, họ chia sẻ với nhau nhiều điều ngoài chuyện bức thư và những đứa trẻ.

Leibreich hiện vẫn đang giữ chiếc lọ có bức thư ấy. Cô nói: “ Chúng tôi cũng chưa biết sẽ làm gì với nó”.
 
Theo Guardian/Vietnamnet
Chia sẻ