Hành trình hơn 3000km bờ biển của nhiếp ảnh gia "săn rác" Lekima Hùng và câu chuyện nơi hòn đảo người dân chỉ vứt rác xuống biển

Thục Hạnh,
Chia sẻ

Chiếc xe máy chở nặng thiết bị, 33 ngày, 28 tỉnh thành và hơn 3000 km qua các bờ biển là hành trình nhiếp ảnh gia "săn rác" Lekima Hùng đã thực hiện với khát khao lan truyền thông điệp chung tay giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường biển tại Việt Nam.

Anh chàng nhiếp ảnh gia "săn rác" Lekima Hùng gọi hành trình của mình là "Save our Seas". Đó là chặng đường 33 ngày xuyên Việt dọc các bờ biển Việt Nam, đưa anh cùng chiếc máy ảnh đến với những vùng biển đang bị ô nhiễm, nơi những hòn đảo mà vấn đề xử lý rác thải của người dân còn rất sơ sài.

Với Lekima Hùng, việc lớn luôn được tạo nên nhờ những việc nhỏ. Mỗi tấm ảnh anh chụp lại trên hành trình đều mang khát khao đóng góp một phần khả năng chuyên môn, đưa được những hình ảnh chân thực nhất về vấn nạn rác thải, những ảnh hưởng nghiêm trọng của rác thải tới cuộc sống thường ngày.

Chàng nhiếp ảnh gia ấy cùng câu chuyện của anh đã tiếp nối cho Hành trình truyền cảm hứng - WeChoice Awards của chúng tôi ngày hôm nay.

3.260km bờ biển trên chiếc xe máy để "săn rác"

Lekima Hùng tên thật là Nguyễn Việt Hùng. Rong ruổi khắp các vùng biển Việt Nam trên chiếc xe gắn máy từ tháng 8/2018, anh Hùng xuất phát từ Hà Nội đi tới Ninh Bình, từ đó bám theo đường bờ biển vào đất mũi Cà Mau. Từ Cà Mau, anh lại bám dọc biển tới Hà Tiên (Kiên Giang) rồi tới TP.HCM, gửi xe và đi máy bay trở ra Hà Nội.

Trong tháng 12/2018, anh lại đi tiếp từ Hà Nội xuống Nam Định và đi dọc biển của 3 tỉnh thành còn lại là Thái Bình, Hải Phòng và Quảng Ninh tới mũi Sa Vỹ - địa đầu Tổ quốc.

Hành trình hơn 3000km bờ biển của nhiếp ảnh gia săn rác Lekima Hùng và câu chuyện nơi hòn đảo người dân chỉ vứt rác xuống biển - Ảnh 1.

Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng.

Chặng đường xuyên Việt của anh kéo dài 33 ngày đêm, đi suốt 7000 cây số (trong đó có 3260km đường bờ biển). Trong hành trình, 63 tỉnh thành trên cả nước anh đã đặt chân đến 40 tỉnh, trong đó có 28 tỉnh giáp biển.

"Tháng 8/2018 tôi bắt đầu hành trình đi xuyên Việt bằng xe gắn máy, tổng cộng đã đi qua 40 tỉnh thành, trong đó 28 tỉnh thành ven biển Việt Nam đều đi hết rồi" - anh Hùng kể về hành trình của mình.

Hành trình hơn 3000km bờ biển của nhiếp ảnh gia săn rác Lekima Hùng và câu chuyện nơi hòn đảo người dân chỉ vứt rác xuống biển - Ảnh 2.

Hành trình xuyên Việt của anh là chặng đường bên chiếc máy ảnh, chụp lại những vùng biển ô nhiễm do rác thải.

Theo nghiên cứu thế giới, các vùng biển ở Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề rác thải nhựa. Việt Nam hiện là 1 trong 4 quốc gia gây ô nhiễm môi trường biển nhất thế giới với việc xả thải khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa ra đại dương mỗi năm. Về lượng rác thải nói chung, năm 2015, rác thải ở các vùng biển và ven biển của Việt Nam là hơn 14 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 60% rác thải toàn quốc.

Đặc biệt, túi nilon, chai nhựa, ống hút, cốc bát nhựa... được sử dụng rất nhiều bởi đặc tính “sống lâu”, bền, nhẹ và rẻ của nó. Nhưng chúng lại là những sát thủ kinh hoàng của đại dương.

Đi xuyên Việt, phía sau là những kỷ niệm, phía trước là những bất ngờ chờ đón, và đặc biệt hơn nữa, hành trình của anh còn đã ghi lại những hình ảnh rác thải tại các vùng biển, gửi thông điệp về sự ô nhiễm đáng báo động.

"Tôi chụp ảnh về những nơi bị ô nhiễm bởi rác. Tôi nghĩ rất đơn giản thôi, những bức ảnh đó sẽ thay đổi nhận thức và hành vi của người xem. Tôi muốn chụp ảnh rác thải khắp mọi miền tổ quốc thế này để mọi người thấy được bức tranh toàn cảnh hơn. Rất nhiều người nói với tôi là họ ngỡ ngàng, không ngờ khắp nơi lại nhiều rác như vậy.

Rất nhiều nơi không có chỗ thu gom rác hoặc là có những bãi rác ngay cạnh bờ biển, khi sóng biển to có thể cuốn đi" - anh Hùng chia sẻ.

Những vùng biển anh Hùng đặt chân qua đều ngập rác, cảnh tượng ô nhiễm, nhếch nhác.

Câu chuyện về hòn đảo Nam Du - Nơi người dân vứt rác bằng cách... thả xuống biển

Thời điểm gặp gỡ chúng tôi, Lekima Hùng đang có mặt tại quần đảo Nam Du (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang). Người dân trên đảo Nam Du hiền lành, chân chất. Đón những người khách phương xa, họ thân thiện kể về cuộc sống, về văn hóa, chờ anh Hùng hỏi chuyện cho thật nhanh rồi mời anh thứ đặc sản của địa phương đó là nước dừa. 

Tay thoăn thoắt chặt trái dừa xiêm, 1 người đàn ông địa phương đổ nước dừa vào ca rồi... ném luôn vỏ xuống biển. Chiếc vỏ dừa trôi lập lờ, mỗi lúc sóng đánh ra càng xa.

Người đàn ông chặt dừa rồi ném luôn vỏ xuống biển - đây là cách người dân trên đảo Nam Du vứt rác.

Anh Hùng ngậm ngùi chia sẻ, chẳng phải riêng người đàn ông trên, người dân ở Nam Du đa số đều vứt rác như thế. Cách đất liền hàng trăm cây số, hệ thống xử lý rác thải thô sơ, bà con nơi quần đảo này rất ít khi đốt rác, chủ yếu là quăng xuống biển để tự trôi đi.

"Khi đến đảo Nam Du tôi tìm hiểu những câu chuyện về rác thải, xử lý rác thải trên đảo thông qua những người dân, những người đã sống lâu năm trên hòn đảo này.

Việc xử lý rác ở đảo rất khó vì họ không thể vận chuyển rác vào bờ, chi phí quá lớn. Trong khi đó nhiều nơi còn không có lò đốt rác dẫn tới tình trạng người dân đốt, chôn lấp hoặc chủ yếu là quăng xuống biển.

Từ xưa đến nay ở những hòn đảo người ta chỉ quăng rác thẳng xuống biển. Khi quăng xuống, người ta dùng từ "sạch trơn", "không dơ đâu". Rác thải đó chính là "sát thủ của đại dương", là "ô nhiễm trắng" - túi nilon" - anh Hùng nói.

Hành trình hơn 3000km bờ biển của nhiếp ảnh gia săn rác Lekima Hùng và câu chuyện nơi hòn đảo người dân chỉ vứt rác xuống biển - Ảnh 6.

Nam Du là vùng biển hoang sơ nằm ở phía Tây Nam Tổ quốc, thu hút khách du lịch bởi làn nước trong xanh cùng những bãi cát dài tít tắp.

Thế nhưng vùng biển này đang bị đe dọa bởi rác thải, chủ yếu là rác sinh hoạt chưa thể xử lý.

Hành trình hơn 3000km bờ biển của nhiếp ảnh gia săn rác Lekima Hùng và câu chuyện nơi hòn đảo người dân chỉ vứt rác xuống biển - Ảnh 8.

Ở đây, người dân chỉ có thể xử lý rác bằng cách đốt rồi chôn lấp, nhưng phần lớn là quăng ra biển để sóng cuốn trôi đi.

Bãi biển nơi anh Hùng dặt chân đến toàn rác, ruồi bọ.

Không chỉ riêng Nam Du, hầu hết các địa phương ven biển nơi anh Hùng đặt chân đến đều gặp tình trạng ô nhiễm chung do rác, đặc biệt là rác thải nhựa. 

Anh Hùng không phải chuyên gia môi trường, lại càng chẳng có khả năng giúp đỡ bà con địa phương xây dựng hệ thống xử lý rác, anh chỉ mong muốn những tấm hình của mình sẽ là 1 đóng góp nhỏ để mọi người hiểu hơn sự ảnh hưởng nghiêm trọng của rác thải đến môi trường biển.

"Tôi đi tôi chụp ảnh thế có lẽ chỉ là 1 cái gì đó rất nhỏ bé, nhưng tôi nghĩ tất cả các việc lớn đều bắt nguồn từ những việc rất nhỏ" - anh Hùng chia sẻ.

Những bức ảnh của Lekima Hùng và hành trình xuyên Việt của anh đã được Đại sứ quán Canada triển lãm trưng bày trong hội thảo quốc tế về "Tham vấn xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương" đầu tiên cho Việt Nam diễn ra vào ngày 10/12/2018.

Chương trình truyền hình Hành trình truyền cảm hứng - WeChoice Awards xin gửi lời cảm ơn tới đơn vị đồng hành chính Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) đã cùng chúng tôi lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới cộng đồng.

Hành trình truyền cảm hứng - WeChoice Awards 2018 do Công ty cổ phần truyền thông VCCorp hợp tác cùng Trung tâm Tin tức VTV24 (Đài Truyền hình Việt Nam) và đơn vị đồng hành triển khai là Công ty cổ phần PSC, sẽ tìm kiếm những nhân vật, những câu chuyện đem đến cho người xem những cảm xúc đầy tích cực. Chương trình được phát sóng lúc 17h35 ngày thứ 4 và Chủ Nhật hằng tuần; phát lại vào thứ 2 và thứ 6 hằng tuần trên kênh VTV1. Xem thêm thông tin về giải thưởng tại: http://wechoice.vn/.

Hành trình hơn 3000km bờ biển của nhiếp ảnh gia săn rác Lekima Hùng và câu chuyện nơi hòn đảo người dân chỉ vứt rác xuống biển - Ảnh 11.

Chia sẻ