Hành trình 30 năm dạy chữ cho trẻ lang thang cơ nhỡ của cô giáo 80 tuổi ở Hà Nội
Gần 30 năm nay, cô Nguyễn Thị Côi tâm huyết đến với lớp học miễn phí, dạy các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ.
Lớp học nhỏ đầy ắp tình thương
Nhà văn hóa Khu dân cư số 2, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai là nơi tổ chức "lớp học linh hoạt” của cô Nguyễn Thị Côi. Trước đây, cô Côi từng làm hiệu trưởng trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai. Cách đây 30 năm, lãnh đạo phường Hoàng Văn Thụ (lúc đó còn thuộc quận Hai Bà Trưng) có chủ trương xóa mù chữ, mở lớp cho trẻ em lang thang cơ nhỡ và cô Côi liền xung phong tham gia.
Những ngày đầu tiên, cô đi khắp các xóm trọ, gặp các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, những em nhỏ đi đánh giày, bán báo để vận động các em đi học. Điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, bàn học được tận dụng từ những hộp gỗ, có bóng đèn và quạt mát. Có những ngày, thời tiết nóng bức, nhưng vì quyết tâm và tình yêu thương dành cho các em, cô và trò lúc nào cũng có mặt đông đủ để học tập.
Hiện nay, lớp học của cô có 20 học sinh, hầu hết bị thiểu năng trí tuệ, trong đó, có học sinh 41 tuổi vẫn theo học lớp của cô Côi. Để dạy được lớp học đặc biệt này, cô phải hết sức kiên nhẫn. Có những học sinh, học một chữ cái đến hàng tháng không thuộc. Vì vậy, cô phải dạy từng em một, sau khi thuộc một chữ cái mới tiếp tục dạy những chữ cái tiếp theo. Ngoài ra, cô còn dạy các em về những kỹ năng sống, những phép tắc ứng xử trong cuộc sống.
Cô Côi thường xuyên phải động viên, khuyến khích bằng điểm 10 mỗi khi có em thuộc bài để các em không bị nản chí. Dù vất vả là thế, nhưng cô luôn tâm huyết với lớp. Lớp được tổ chức từ thứ 2 đến thứ 6, mỗi ngày từ 8 giờ sáng đến đêm muộn.
Biết ơn cô đã cho các em một tương lai
Gần 30 năm gắn bó với lớp, cô Côi đã chứng kiến bao số phận em nhỏ đã trưởng thành, đổi đời. Cô giáo Côi nhớ lại, trước đây, có hai bạn nữ là Hương và Thủy học lớp của cô, gia cảnh nghèo khó, không có tiền đi học, được cô tìm đến gia đình vận động và nhận vào lớp. Học cô từ cấp 1, rồi lên cấp 2, cấp 3 rồi được cô giới thiệu vào trường giáo dục thường xuyên để có bằng cấp; sau đó, các em đều đỗ được vào đại học. Hiện nay, các bạn đó đều trưởng thành và lập gia đình, công việc làm ổn định. “Thủy học xong ở đây. Cô còn nhận dạy cho mẹ của Thủy vì cô ấy đi làm mà không biết chữ, rất thiệt thòi”- Cô Côi chia sẻ.
Nhớ lại những ngày dạy những trẻ lang thang cơ nhỡ, vào ngày mưa gió, các em không đi bán báo, đánh giày được, cô Côi thường mua thức ăn cho các em. Ngoài ra, cô còn tiết kiệm tiền để mua cho các em, lúc thì cái bút, lúc quyển sách. Cô còn đi xin cho các em áo, cái quần để mặc khi mùa đông đến. Nhớ có lần, các em không có tiền trả phòng thuê trọ, chủ trọ đến tận lớp cô để thu tiền, thương các em, cô Côi sẵn sàng bỏ tiền ra để thanh toán giúp.
Ở lớp học của cô, không chỉ dạy về con chữ, cô còn dạy các em về đạo đức và cách làm người tốt. Có lần, cô bị mất cắp tiền, cả lớp vì yêu thương cô cùng đi tìm. Dù biết là ai lấy, nhưng cô không quát nạt hay to tiếng, mà cô rất ân cần, chỉ bảo. Cô kể trong lớp có một trường hợp khó khăn, bố đi tù, mẹ mất, em lại bị thiểu năng trí tuệ nên không có nơi ăn, chốn ở. Nhiều hàng xóm quanh đó thấy thương, cùng chung tay với cô, khi thì cho bữa ăn, cái quần, cái áo. Dù hoàn cảnh và trí tuệ không được bình thường, nhưng cứ đến giờ lên lớp, em không bỏ sót tiết học nào.
Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, cô nhận được nhiều lời chúc và tình cảm của nhiều thế hệ học sinh. Chị Vân, phụ huynh của em Phạm Đức Hiếu, học ở lớp cô đã được 3 năm chia sẻ: “Hiếu không giống như những đứa trẻ bình thường khác. Con chậm chạp và tiếp thu kém, gia đình cũng gửi con nhiều nơi nhưng không thấy có tiến triển. Từ khi học ở lớp cô Côi, em về nhà chào hỏi lễ phép, còn biết giúp mẹ cơm nước. Nay 20/11, mong rằng cô tiếp tục có nhiều sức khỏe để dạy cho các cháu ở đây”.
Cô Côi nói, chứng kiến học sinh trưởng thành, có cuộc sống khá giả nhưng vẫn không quên cô giáo xưa đã từng chăm lo, dạy bảo cho mình, cô rất hạnh phúc, cảm thấy được trẻ lại.