Hành trình 12 năm của người cha cứu lấy đời con trai khỏi chứng nghiện game: Công sức vô ích vì đã sai lầm ngay từ đầu!
Bản chất của nghiện game, nghiện mạng xã hội là trốn tránh hiện thực.
“Tôi cố gắng mười mấy năm trời, tình trạng của con trai ngày càng trầm trọng hơn”, Trịnh Lập Thư nói.
Người cha đi hết nửa đất nước để cứu lấy đời con trai
Rong ruổi trên khắp nẻo đường để tuyên truyền hậu quả của vấn nạn nghiện game, Trịnh Lập Thư muốn cứu lấy con trai của mình. Ông không biết ngoài việc này, bản thân còn có thể làm được gì cho đứa con trai nghiện game 12 năm, hiện tại chỉ biết nằm nhà, không làm gì cũng không thích nói chuyện.
Từ tháng 8/2021 đến tháng 4/2022, Trịnh Lập Thư lái xe đi hết nửa đất nước Trung Quốc, tuyên truyền tác hại của tình trạng nghiện game, kêu gọi xóa tất cả game trực tuyến.
Trong cuộc hành trình này, người đàn ông 51 tuổi cùng một vài vị phụ huynh khác liên tục phản ánh tình trạng lên các cơ quan ở Bắc Kinh, cung cấp hơn 400 vụ việc thương tâm liên quan đến vấn đề nghiện game.
Về đến nhà, Trịnh Lập Thư đặt hành trang quan trọng nhất của mình là chiếc nón bảo hiểm lên tủ tivi dễ thấy. Nhưng trong căn phòng lầu 2, con trai của ông, Trịnh Chiêu đang nằm trên giường chơi game. 12 năm qua, áp dụng nhiều biện pháp nhưng vô hiệu, ông vẫn không bỏ cuộc, thường tìm người đến làm công tác tư tưởng cho Trịnh Chiêu, hy vọng có thể giúp con thoát khỏi “con ma nghiện game” đáng sợ.
Thế nhưng, kết quả cuộc chiến 12 năm của ông bố và đứa con trai nghiện game: Thất bại!
Bản chất trong mâu thuẫn giữa cha và con
Ông bố Trịnh Lập Thư từng tự hào vì thành tích học tập của con trai, nhưng về sau lại đau khổ vì con trở nên chán ghét việc học hành. Sau đó, ông đã đổ dồn mọi tội lỗi vào một vấn đề duy nhất: Nghiện game.
Trịnh Lập Thư cho rằng nó chính là thứ đã hủy hoại cuộc đời con trai. Từ đó ông bất chấp mọi cách để tiêu diệt “con ma đáng ghét” này.
Nhưng nếu suy xét kỹ, thật ra nghiện game là “quả”, mà mâu thuẫn trong quan hệ cha con mới là “nhân”. Không phải vì chơi game khiến cha con trở mặt với nhau. Sâu xa hơn chính là con cái cảm thấy gia đình không thấu hiểu mình, thế là chọn cách sống buông xuôi để trốn tránh hiện thực.
Tháng 1/2010, Trịnh Lập Thư thức dậy, hét lớn gọi Trịnh Chiêu đang học lớp 7 tắm rửa đến trường. Trịnh Lập Thư kể lại, thời điểm đó, con trai đã mấy ngày không gội đầu, tóc bết dính. Trịnh Chiêu nhìn màn hình chơi game nói: “Đợi chút”, nhưng không hề có động thái chuẩn bị. “Tại sao bây giờ còn chưa đi”, ông bố hỏi nhiều lần nhưng không nghe thấy trả lời.
Trịnh Lập Thư không thể hiểu nổi, con trai vẫn luôn hiểu chuyện nghe lời, thành tích xuất sắc, tại sao bây giờ lại không muốn đi học?
Sau bữa trưa, Trịnh Lập Thư kéo con trai lên xe. Đối diện trường học là tiệm cắt tóc, “tóc vừa dài vừa dơ, bạn học nhìn thấy sẽ rất xấu hổ”. Trịnh Lập Thư bảo con trai xuống xe vào tiệm cắt tóc, nhưng cậu không hề nhúc nhích. Thế là ông bố phải dùng sức kéo con trai xuống xe nhưng vẫn không tác dụng.
“Hôm nay mà cắt tóc thì con không đi học!”. Đây chính là câu nói từ chối đến trường đầu tiên Trịnh Lập Thư nghe từ con trai. Nhưng ông không để ý quá nhiều, cứ thế kéo con trai xuống xe, đẩy vào tiệm cắt tóc.
Ngồi trên ghế, nhìn bản thân vô hồn trong gương, Trịnh Chiêu thả lỏng cơ thể, buông bỏ sự phản kháng.
Mối quan hệ giữa Trịnh Lập Thư và Trịnh Chiêu khiến ai nhìn vào đều cảm thấy rất khó thở. Nó chứa đầy quyền uy của ông bố và sự chấp nhận thỏa hiệp dưới áp lực của đứa con.
Nhiều lúc, phụ huynh không hề ý thức được vấn đề này. Cái gọi là “tất cả chỉ vì muốn tốt cho con” có thật sự đúng đắn 100% không?
Nếu con của bạn nói rằng: “Con cam tâm tình nguyện làm một con cá nhàn rỗi, không kết hôn, không sinh con”, bạn có chấp nhận không?
Bố mẹ trên thế giới luôn nói “muốn tốt cho con”. Nhưng hành vi này nhiều lúc chỉ thỏa mãn mục đích của bản thân: Thể diện và lòng hư vinh.
Cũng có thể nói, không phải “muốn tốt cho con” mà chính là “muốn tốt cho mình”.
Sự buông xuôi của Trịnh Chiêu, về bản chất chính là sự phản kháng chống lại quyền uy của Trịnh Lập Thư.
Lòng tốt của bố mẹ dành cho con hay chỉ vì bản thân?
Một kiểu mâu thuẫn điển hình giữa bố mẹ và con cái ở các nước phương Đông chính là:
Lo tương lai của con cái không có triển vọng, nên đành hy sinh thanh xuân vui vẻ của con để đổi lại tri thức vào đời.
Lo con cái sẽ không có tấm chồng tấm vợ tốt, nên quyết định thay con tìm kiếm bạn đời xứng đáng nhất.
Đây đều là tấm lòng tốt đẹp bố mẹ dành cho con, nhưng kết quả lại gây ra không ít mâu thuẫn, thậm chí còn phá hủy quan hệ tình thân.
Bố mẹ muốn con cái sống hạnh phúc, giàu có là chuyện thường tình. Đó là lý do vì sao họ ép con cố gắng học tập nhiều hơn. Họ nhủ với lòng rằng: Thà nợ con một thanh xuân vui vẻ, còn hơn chứng kiến viễn cảnh con thất bại, tự ti với đời.
Nhìn vào góc độ của Trịnh Lập Thư, ông đã bày tỏ tấm lòng vì con bằng cách đưa Trịnh Chiêu đến “trung tâm cai nghiện game”, dùng những hình phạt để bắt con phải phục tùng.
Nhưng trên thực tế, bố mẹ không hiểu được một điều: Cưỡng ép con học tập, cuối cùng chỉ đành chứng kiến con ghét trường hận lớp.
Bố mẹ tốt khác bố mẹ không tốt ở chỗ biết phân định đúng đắn giữa: Hy vọng con cái trở thành người chúng muốn hoặc trở thành người theo ý muốn của bố mẹ.
Nếu là vế trước, cho dù bố mẹ không phải doanh nhân thành đạt, không cho con đủ đầy điều kiện để phát triển, cũng không thành vấn đề. Cả đời con vẫn luôn tự do tự tại.
Nếu là vế sau, cho dù bố mẹ có học thức cao bao nhiêu, nói đạo lý với con nhiều đến mức nào, chúng vẫn sinh lòng phản kháng.
Mang con cái lạc lối về với cuộc sống thực
Bản chất của nghiện game, nghiện mạng xã hội là trốn tránh hiện thực.
Tại sao lại như vậy? Vì game trên mạng “có thể thỏa mãn bất cứ lúc nào”. Bạn giết một con quái trong game sẽ được tăng kinh nghiệm. Mỗi một hành động đều nhận được hồi báo lập tức.
Nhưng thế giới hiện thực quá tàn khốc. Nó khiến cảm giác thỏa mãn của con người bị trì trệ, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực và kiên nhẫn.
Nếu muốn con cái xa rời sức hút của game, cần phải thực hiện một vài bước để chúng dần cảm nhận được 2 điểm sau:
Một, thế giới hiện thực cũng đầy ắp thú vị đáng để tìm kiếm. Bố mẹ nên dẫn dắt con, giúp chúng cảm thấy hứng thú với thế giới hiện thực như tiếp xúc với thể thao, đọc sách, ra ngoài du lịch…
Hai, thấu hiểu việc con chơi game để tìm kiếm niềm vui, đồng thời để chúng ý thức được trải nghiệm trên game chỉ mang tính ngắn hạn, đem lại ít giá trị. Trải nghiệm ngoài đời thực mặc dù đòi hỏi rất nhiều thời gian và tích lũy, nhưng nó sẽ đồng hành cùng bản thân đến suốt đời.
(Nguồn: Zhihu)